Thứ ba, 26/9/2017, 17h17

Người thầy ở trường Dục Thanh

Từ một chuyến về nguồn mới đây, chúng tôi đã có dịp đến thăm Di tích Trường Dục Thanh (Dục thanh Học hiệu) - đây từng là nơi sống và dạy học của người thầy trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Được tận mắt chứng kiến, được nghe kể về thầy, về mái trường Dục Thanh, lớp CT-HC K25 chúng tôi ai cũng dâng trào niềm cảm xúc bồi hồi, xúc động, xen lẫn tự hào về một người Thầy - Người lãnh tụ - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Đoàn tham quan về nguồn chụp hình lưu niệm tại tượng đài Bác - Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Phan Thiết)

1.Đúng 7 giờ, đoàn xe chúng tôi xuất phát từ Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn 2 (P.Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) thẳng Quốc lộ 1 hướng về TP. Phan Thiết. Nơi nổi tiếng với những cồn cát đẹp như tranh, biển xanh, nắng vàng và những địa danh đã đi vào thơ ca, nhạc họa của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn. Đến Phan Thiết là đến những khu du lịch, nghỉ mát, resort cao cấp, với những khách sạn 3-5 sao tráng lệ.

Trong hành trình hướng về Phan Thiết, chúng tôi đi trên những con đường trải nhựa phẳng lì, uốn lượn. Hai bên đường là những bãi cát trắng, biển xanh và rất nhiều dấu ấn lịch sử còn in đậm trên vùng đất Bình Thuận này. Chúng tôi được nghe anh hướng dẫn giới thiệu về Bình Thuận một cách hào hùng, nào là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên như: Mũi Né, Núi Tà Cú, Tháp Poshanư, Suối Tiên, Đồi Hồng, Thắng cảnh Bàu Trắng, Dinh Vạn Thủy Tú, Hòn Rơm, Hải đăng Kê Gà.. rồi còn có di tích lịch sử quốc gia đã đi vào lịch sử là Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tại đây, có người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam từng dạy học, ăn ở trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Quay ngược lại lịch sử, Bình Thuận còn gắn liền với nhiều sỹ phu yêu nước khắp nơi tìm về như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), Hồ Tá Bang, Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất.. Đây cũng là những sỹ phu yêu nước đã xây dựng phong trào Duy Tân (Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh) thời bấy giờ và trường Dục Thanh ra đời năm 1907 với mục đích như vậy, cũng là nơi ươm mầm cho nhiều nhân sỹ trí thức – nhân tài đất Việt.

Bình Thuận còn được biết đến là nơi “đất thép- thành đồng” trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đồng thời là điểm giao tranh khốc liệt, giành giật từng tấc đất giữa quân ta và quân địch trong kháng chiến chống Mỹ. Người dân Bình Thuận đã đóng góp biết bao sức người, sức của để làm rạng danh cho một vùng đất có lịch sử hào hùng, nhiều chiến sĩ cách mạng đã xả thân vì Tổ quốc, để có cuộc tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975, góp phần đưa non sông, đất nước liền một dải.

2. 13giờ 30, đoàn chúng tôi đặt chân đến trường Dục thanh Học hiệu nổi tiếng một thời. Từ ngoài đường nhựa, hướng mắt về con sông Cà Ty nơi ngôi trường được xây dựng trên dải đất miền Trung nắng gió này mới cảm nhận được cái không khí trong lành, với những cơn gió nhẹ thổi từ biển vào như làm tan biến những mệt nhọc sau quảng đường dài từ TP.HCM đi Phan Thiết.

Vừa bước xuống xe, thầy Khúc Hoàng Giang, Trưởng khoa QLNN, Trường NN&PTNT2, tay dắt con nhỏ, nói như khẳng định: “Trường hay tổ chức cho cán bộ, học viên tìm hiểu những khu di tích lịch sử, văn hóa… và nơi đây là một điểm nhắc nhở chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của đất nước. Từ đó hun đúc, giáo dục thêm lòng yêu nước trong cán bộ, thanh niên và giới trẻ”.

Từ ngoài đường nhìn vào, trường là những dãy nhà rêu phong cổ kính, xen kẻ với những mảng cây xanh được chăm chút gọn gàng. Giới thiệu cho chúng tôi về ngôi trường là một cán bộ nữ với bộ áo dài đằm thắm, giọng trầm ấm, chia sẻ tâm huyết và đầy tự hào rằng: Vào những năm 1907 trường được xây dựng bởi những nhà yêu nước chân chính trên mảnh đất nhà họ Nguyễn (Nguyễn Thông), tại đường Trương Nhị, phường Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết ngày nay. Vào thời điểm lúc bấy giờ, trường được xem là ngôi trường tiến bộ nổi tiếng khắp vùng, thu hút nhiều con em yêu nước về đây học tập. Năm 1910, trên đường ra đi tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân và dạy học tại ngôi trường này. Thầy Thành đã để lại tình cảm yêu thương, quyến luyến với các đồng nghiệp, học sinh và nhân dân Bình Thuận trong những ngày thầy giảng dạy tại nơi đây.

Theo các sử gia viết lại rằng, chàng trai Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết vào khoảng tháng 10/1910, theo sự giới thiệu của ông Trương Gia Mô – một người bạn đồng môn của cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của thầy Nguyễn Tất Thành. Thầy Thành được phân dạy lớp 3, và các lớp khác khi thiếu giáo viên hay các thầy đi công cán phương xa. Ngoài ra, thầy Thành còn giáo dục tinh thần yêu nước và những giờ rãnh rổi thầy còn dẫn học sinh tham quan các khu vực lân cận. Nhờ vậy, thầy Nguyễn Tất Thành đã để lại dấu ấn sâu đậm trong thời gian ngắn dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh. Trường Dục Thanh bao gồm một số khu như: Nhà Ngư, Ngọa Du Sào, cây khế Bác Hồ, giếng nước… Trường do ông Nguyễn Quý Anh làm hiệu trưởng với chủ trương dạy chữ Quốc ngữ là chính xen kẽ với dạy Hán văn và Pháp văn. Trường có trên dưới 100 học sinh theo học từ các tỉnh lân cận là con em của những gia đình yêu nước lúc bấy giờ.

Cô Trần Thị Thu Hương, giảng viên Trường QLCB NN&PT NT 2- chủ nhiệm lớp CT-HC K25, lấy tay lau nhẹ những giọt mồ hôi trên má rồi buông lời như thể động viên cả đoàn: “Hôm nay, được về thăm mái trường xưa Bác đã dạy học, từng chỗ ngồi, lớp học với phấn trắng bảng đen, nơi sinh hoạt của Người trước khi ra đi tìm đường cứu nước làm chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Chúng ta về đây để tưởng nhớ, học tập theo tấm gương sáng ngời của Người.”

3. Đoàn chúng tôi về Phan Thiết lần này phần lớn là cán bộ đang công tác ở những cơ quan nhà nước, các anh chị, thầy cô được tham quan di tích và tìm hiểu truyền thống lịch sử hào hùng của ông cha ta, cũng để thắp nén nhang thơm nhớ về người đã khuất và tự hào về ngôi trường đã đi vào lịch sử của dân tộc. Giúp đoàn tham quan trang bị thêm những kiến thức thực tế và lịch sử hào hùng về mảnh đất đầy tự hào này.

Về Phan Thiết chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày và được nghe các anh chị quản lý ở đây cho biết về những dự án biến vùng đất khô cằn, sỏi đá thành điểm tham quan du lịch về nguồn, nghĩ dưỡng nổi tiếng, cả đoàn chúng tôi cảm thấy rất vui mừng xen lẫn niềm tự hào khôn tả.

Nói về sự đổi thay ở đây, nhiều người kể rằng từ một vùng đất ít người đặt chân đến, vào một buổi chiều các nhà khoa học khắp các nơi trên thế giới đổ về để xem nhật thực toàn phần và rồi người ta khám phá ra nơi đây cảnh đẹp đến lạ thường. Các doanh nghiệp đua nhau đầu tư và khai thác, biến vùng đất chết sống lại, mang một nét đẹp khác thường của thiên nhiên với bàn tay con người tạo ra. Những dự án ngàn tỷ được hình thành gắn với việc bảo vệ thiên nhiên, những nhà cao tầng. Cứ như vậy chỉ khoảng 20 năm trở lại đây Phan Thiết không chỉ có đặc sản nước nắm, nước khoáng Vĩnh Hảo… mà còn có cả những siêu dự án du lịch lớn nhất nhì cả nước.

Tất cả những công trình xây dựng mới sẽ được thực hiện một cách thống nhất trên nguyên tắc bảo vệ nguyên hiện trạng lịch sử, tôn trọng yếu tố tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài mục tiêu tôn vinh các dự án di tích lịch sử và giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ con cháu, dự án còn nỗ lực tạo sức bật cho ngành du lịch Bình Thuận cất cánh trong thời kỳ mới.

Đến với Trường Dục Thanh - Phan Thiết, đến với những khu du lịch trong chuyến về nguồn như vậy giúp chúng ta hiểu về lịch sử hào hùng, hiểu về một người thầy, danh nhân văn hóa, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Ngôi trường Dục Thanh hôm qua có người thầy giáo ngày ấy sẽ mãi tỏa sáng ngọn lửa truyền thống, cháy rực hào khí trên bước đường xây dựng đất nước của các thế hệ hôm nay.

Trần Văn Mạnh