Thứ ba, 26/1/2016, 20h48

Tết ở ngư trường

Trong cuộc đời của mỗi ngư dân, hầu như ai cũng đã trải qua một vài lần đón giao thừa ở ngư trường.

Ngư dân Phú Yên chuẩn bị ra khơi

Chuyến mở biển đầu năm 2016 của ngư dân miền Trung không chỉ là cuộc mưu sinh đơn thuần mà còn thể hiện sự đoàn kết, bám giữ ngư trường truyền thống và biển đảo ngàn đời của cha ông.

Đêm giao thừa trên biển

Liên tục nhiều vụ tấn công, uy hiếp, bắt bớ ngư dân Việt Nam vô cớ nhưng người theo nghề biển vẫn quyết tâm bám biển, khẳng định ý chí, sức mạnh của lẽ phải, của niềm tin. Những ngày này, ngư dân các tỉnh miền Trung lại tất bật cho chuyến biển đầu năm dương lịch. Một cái Tết êm ấm, sung túc còn phụ thuộc nhiều thứ, lắm rủi ít may song ngư dân vẫn vững tin, hy vọng - bao đời nay vẫn thế.

“Làm nghề biển mà, biển êm là chúng tôi ra khơi. Những chuyến biển an toàn, sản lượng đánh bắt cao đã là “Tết” đối với ngư dân, cho nên cứ biển êm là chúng tôi ra khơi, ngày lễ Tết gì cũng thế”, ông Tịnh tiếp.

Nếu thuận lợi, ghe nghề sẽ trở lại sau hơn tháng đánh bắt, kịp đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Lịch trình là vậy nhưng chuyện đón Tết ở ngư trường không thể tránh khỏi. Việc lo Tết, cúng rước ông bà, cúng đất đai ở nhà… đều một tay các bà mẹ, vợ. Nhu yếu phẩm cho chuyến biển đầu năm bao giờ cũng vậy, dù đơn giản, gọn nhẹ đến đâu cũng phải có vài món ăn truyền thống, gọi là “cho ra Tết”. Ngoài rau, thịt, trái cây các loại, củ kiệu, đu đủ, cà rốt… để làm dưa món cũng được đóng gói, bảo quản cẩn thận. Bánh tráng và thịt heo rọng mắm cũng được chị Nguyễn Thị Minh (ngụ P.Đông Tác, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chuẩn bị từ trước, bởi theo chị: “Không có món này thì không có Tết”.

Theo nghề bạn biển 7 năm nhưng 3 năm liền Nguyễn Văn Tân (xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đón Tết ở ngư trường. Tân nhớ lại: “Lần đầu ăn Tết ở ngư trường Hoàng Sa là Tết năm 2013, cảm giác buồn nhưng cũng thú vị, đặc biệt là anh em thuộc các nghiệp đoàn nghề cá các địa phương cũng liên lạc, chúc mừng và chia sẻ từng món ăn. Có năm, sáng sớm ngày mùng 1, anh em neo ghe tập hợp vui chơi, ca hát”.

Qua điện thoại, lão ngư Huỳnh Ngà (P.6, TP.Tuy Hòa) với giọng rắn rỏi đặc làng biển khi được hỏi có mở biển đầu năm: “Phải đi biển chớ, sợ gì. Đánh bắt trên ngư trường của ta mà”. Dường như, người dân Việt mình bao đời nay vẫn thế, càng khó khăn thì càng kiên trì chinh phục. Trước đau thương, mất mát người ta càng cứng cỏi hơn. Chuyện vui buồn trong những năm đón Tết ở ngư trường, ông Ngà kể cả ngày không hết nhưng chuyện đáng nhớ với ông là giao thừa năm 2007, ghe ông đã cứu 4 ngư dân Philippines gặp nạn gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Xuất thân trong gia đình ba đời làm nghề biển, bản thân ông Huỳnh Ngà đã chứng kiến biết bao cơn thịnh nộ từ biển - cướp đi sinh mạng của những ngư dân chân chất, hiền lành, trong đó có người con trai cả của ông. Và cũng từ những cuộc mưu sinh đầy bất trắc trên biển, trong mỗi ngư dân đã sẵn có lòng bao dung, chở che và đoàn kết.

Dự kiến chuyến câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên sẽ cập cảng cá trước Tết Nguyên đán. Số tiền thu được từ chuyến biển lần này sẽ dành hết cho chuyến biển tiếp theo, sẽ xuất bến sau ba ngày Tết.

Kỳ vọng mùa biển thuận lợi

Sau một thời gian ghe nằm bờ vì thời tiết, ngư dân các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… háo hức được trở lại ngư trường. Chuyến biển này được kỳ vọng là khởi đầu cho một năm đầy thuận lợi.

Ngư dân trúng mùa cá

Thuận theo tự nhiên, mùa mưa bão tháng 9, tháng 10 âm lịch cũng là thời gian ngư dân đánh bắt xa bờ kéo ghe “làm nước”, cách nói của ngư dân về việc sửa chữa, tu bổ ghe nghề. Những ngày này, ông Nguyễn Thập (Phú Yên) cùng những người thợ gấp rút ngày đêm hoàn tất việc sửa chữa để kịp mở biển trong ngày đầu năm mới 2016. Dù hai chuyến câu cá ngừ đại dương liên tiếp không thu lại vốn nhưng ông Tập vẫn quyết tâm đầu tư cho chuyến đầu năm, ngoài ra còn đang tập trung bạn biển cho chuyến đánh cá chuồn.

“Dù thế nào chúng tôi vẫn ra khơi bám biển, giữ ngư trường truyền thống của ông cha”, ngư dân Huỳnh Tịnh (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) khẳng định.

Ngư dân Nguyễn Thanh (xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cảm thấy tay chân bứt rứt, khó chịu vì gần nửa năm vào đất liền chữa bệnh. Anh Thanh bảo, ghe nghề giao lại cho người con rể quản lý, mọi thứ đều thuận lợi nhưng chưa thể nghỉ ngơi ở tuổi sắp 50. “Nhớ nghề, nhớ biển lắm. Nhớ những ngày đương đầu với sóng gió, đối mặt với tình huống xấu xảy ra trên biển. Mong mau hết bệnh để trở lại ngư trường, góp chút ít công sức của mình để bảo vệ, gìn giữ ngư trường”, anh Thanh chia sẻ.

Bài, ảnh: Trần Anh