Chủ nhật, 17/2/2013, 16h02

Vị giáo sư nặng lòng với nông dân

GS.Trí thị sát các vùng ngập mặn để phát triển con tôm

Hồng Dân, từ một huyện nghèo nhất bỗng chuyển mình vươn lên thành huyện giàu nhất tỉnh Bạc Liêu. Đó là thành quả của những tháng ngày vật lộn với mô hình lúa - tôm của GS.TS Lê Quang Trí. Ông đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân nơi đây.
1. Tách ra từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, từ đầu thập niên 20 về trước, huyện Hồng Dân rất nghèo. Hồi ấy phần lớn các xã không có đường giao thông hoặc đường rất khó đi; việc đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng. Cũng như các vùng phèn mặn khác, cái nghèo ở xứ này còn thể hiện qua bức tranh thiên nhiên nổi bật là hình ảnh những bụi dừa nước trên các dòng sông và từng tảng lục bình dập dềnh theo con nước. Trên bờ phần lớn là bụi ô rô xen lẫn với những đồng mua màu tím biếc. Trong các thôn ấp, đa số nhà dân là mái tranh, hoặc khá giả thì mái tole tường ván…
Thế nhưng hôm nay Hồng Dân như luôn có mùa xuân hiện diện. Ngoài chợ huyện khang trang, hàng hóa phong phú, rộn rịp người qua lại; nhiều chợ xã cũng rất “sung”, trên bến dưới thuyền tấp nập người mua kẻ bán… Ở nhiều xã, cùng với những ngôi nhà tường thiết kế khá hiện đại là các vuông nuôi tôm trải dài đến chân trời…
Góp phần quan trọng vào những thay đổi ấy có sự đóng góp của NGND.GS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ. Sinh ra trong gia đình trí thức mà người cha là một nhà giáo nổi tiếng đức độ ở tỉnh Cà Mau, sau khi đậu tú tài hạng ưu, người thanh niên với nhiều hoài bão đóng góp cho quê hương ấy chọn học ngành nông nghiệp, ĐH Cần Thơ. Tốt nghiệp loại xuất sắc, kỹ sư Trí được giữ lại trường, sau đó nhận học bổng học thạc sĩ và tiến sĩ tại Hà Lan chuyên ngành khoa học nông nghiệp và môi trường. Về nước, TS. Trí làm cán bộ giảng dạy và gắn bó với ĐH Cần Thơ đến nay...

GS. Lê Quang Trí (bìa phải) theo dõi mô hình trồng trọt trên đồng ruộng nhiễm phèn mặn

Trước đây, vùng đất phèn mặn Hồng Dân chỉ làm được một vụ lúa vào mùa mưa, năng suất thấp, chi phí đầu tư cao. Vào mùa khô, ruộng đất bỏ không. Năm 2004, với sự cộng tác của UBND tỉnh Bạc Liêu và huyện Hồng Dân, GS. Trí và các cộng sự triển khai mô hình sản xuất: 1 vụ lúa, 1 vụ tôm. GS. Trí kết hợp Viện Nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu tìm giống lúa chịu mặn, ngắn ngày và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư mà tăng năng suất. Sau khi thu hoạch lúa thì chuyển sang nuôi tôm. Thời gian đầu ông và nhóm giảng viên cộng tác rất vất vả, không kể khó khăn trong việc đi lại, trở ngại lớn nhất là làm chuyển biến trong nhận thức của bà con. Để thuyết phục, GS. Trí chọn một số nông dân có tư tưởng cầu tiến tham gia thí điểm. ĐH Cần Thơ cung cấp giống, cán bộ Khoa Nông nghiệp xuống xã “3 cùng” với số nông dân này, hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”. Sau hơn 3 tháng, lúa trúng; rồi sau 4 tháng, thu hoạch tôm, giúp tăng thu nhập gấp 3 lần so với trước đây. Bà con đến xem, bàn tán và dần dần tin vào “mấy ông thầy ở ĐH Cần Thơ”. Niềm tin của bà con càng tăng khi mô hình nuôi cá trên ruộng thành công. Đây là  mô hình do GS. Trí kết hợp Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ triển khai, tức là tranh thủ bờ mương chung quanh ruộng thả các loại cá nước ngọt. Lúa và cá cùng được thu hoạch giúp người dân tăng thu nhập đáng kể… Sản xuất hiệu quả, cứ thế đến năm 2007 thì  Hồng Dân nằm trong số huyện giàu nhất của tỉnh… Tiếng lành đồn xa, ngoài 2 xã thí điểm: Vĩnh Lộc và Ninh Thạnh Lợi, đến nay mô hình sản xuất này nhân rộng toàn huyện Hồng Dân và nhiều tỉnh thuộc vùng nước mặn, nước lợ  khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhớ lại những năm tháng dãi dầu mưa nắng cùng nông dân, GS. Trí chia sẻ: “Bà con nông dân mình căn cơ lắm, cái gì cũng phải “mắt thấy tai nghe” mới tin, do vậy việc làm phải bài bản, từng bước chớ chẳng thể nói suông. Nhờ bước đầu, chúng tôi được sự giúp đỡ tích cực của các cấp lãnh đạo huyện Hồng Dân, các anh tin và rất ủng hộ, lo phương tiện di chuyển; cho mượn trường học để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng vật nuôi để cấp cho nông dân. Nếu không có những cán bộ có tâm như vậy thì chúng tôi không thể làm được điều gì”. Gia đình ông Lê Văn Nam (62 tuổi), ở ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc, Hồng Dân là một trong những hộ đầu tiên thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Giờ đã qua những tháng ngày khó khăn, ông hồ hởi nói: “Nhờ làm theo thầy Trí mà tui sản xuất cái gì cũng thành công. Tiền có dư, tui cất nhà tường, mua thêm 2ha đất, thành ra tổng cộng  tui có 4ha đất sản xuất. Rồi dựng vợ gả chồng cho hai con lớn. Công việc mần ăn của tui phát triển, tui rất mang ơn thầy Trí và các thầy ở ĐH Cần Thơ”. 
2. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, thầy Trí luôn nặng lòng với đời sống nông dân, các công trình nghiên cứu khoa học của thầy đều tập trung vào mục tiêu góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con. Không chỉ nông dân ở Bạc Liêu mà ở Sóc Trăng, khi nhắc đến GS. Lê Quang Trí họ đều rõ tên ông mồn một. Họ nói, nhờ GS. Trí mà bà con nuôi tôm mặn lợ thuộc 3 huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tăng năng suất, con tôm đưa ra thị trường đạt chất lượng sản phẩm sạch, giúp người nuôi tôm đứng vững khi nhiều nơi khác lao đao vì thất mùa do tôm bị dịch bệnh.
Xuân này, vị giáo sư có gương mặt và phong cách hành xử đôn hậu ấy bước sang tuổi 57. GS. Lê Quang Trí vẫn đang nỗ lực tìm dự án từ các tổ chức quốc tế nhằm  thực hiện những công trình khoa học góp phần bảo vệ nông dân trong tình hình biến đổi khí hậu đang làm thay đổi điều kiện tự nhiên, khiến cho nhiệt độ tăng, nước biển ngày càng dâng cao tạo ra xâm nhập mặn, lượng mưa thay đổi, lũ về bất thường.
Với những đóng góp, GS. Trí nhận được Huân chương Lao động, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của UBND các tỉnh - thành ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng có lẽ hạnh phúc lớn nhất của ông là nhìn thấy niềm vui nơi bà con nông dân khi trúng mùa được giá. “Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được góp phần giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, trong mọi điều kiện sản xuất. Tôi cũng mong những công trình nghiên cứu khoa học của mình sẽ góp phần để Nhà nước có những chính sách giúp nông dân vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng sống, trong đó quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề vĩ mô này chỉ Nhà nước mới có thể làm được”, GS. Lê Quang Trí trải lòng trước thềm xuân mới.
Đan phượng
Năm 2012, GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.