Thứ sáu, 3/12/2010, 14h12

Vỏn vẹn một chữ “Tâm” cho đời

Mỗi sáng đến lớp, cô Thiền đều mang theo quà, bánh cho học trò

Quên ăn, quên uống, đi bộ một quãng đường dài… để đến với lớp học tình thương là những điều cô giáo về hưu Nguyễn Thị Thiền đã làm và mong mỏi sao cho tương lai của lũ trẻ nghèo ngày một sáng sủa hơn.
Lớp học tình thương P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM ra đời nhờ vào lòng yêu nghề, mến trẻ của các giáo viên ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ông giáo già Nguyễn Văn Nhãn dành hẳn một căn phòng trọ làm lớp học, hai bà giáo về hưu Nguyễn Thị Thiền và Lê Thị Biết chịu trách nhiệm đứng lớp. Học trò của lớp học tình thương này phần lớn là con em lao động nhập cư nghèo khó, không có giấy chứng sinh, mồ côi cha mẹ…
Lận đận nghiệp “đưa đò”
Hôm tôi đến, đứng bên ngoài cửa sổ, nghe giọng cô Biết nhỏ nhẹ và trầm ấm với bài giảng đạo đức lớp 1. Trong lớp, những mái đầu khét nắng chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Bên ngoài, đám trẻ con đang chờ đến giờ vào học lớp 2 rất ngoan. Thấy người lạ đi từ ngoài vào, tụi nhỏ khoanh tay, gật đầu chào lia lịa. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi vào lớp học này bọn trẻ nổi tiếng ngổ ngáo và bất trị.
8 giờ 45, cô giáo Nguyễn Thị Thiền đến lớp, tay xách giỏ quà, tay dắt học trò. Đó là những đứa trẻ mà trên đường đến lớp cô Thiền tạt ngang vào đón. Như thường lệ, thấy cô Thiền đến, lũ học trò hơn 30 đứa đang nô đùa lại ào chạy đến “vây” lấy để nhận quà. Hôm nay, quà cô mang đến cho các cháu chỉ có chuối và chuối. Nhận quà xong, bọn trẻ tản ra tìm một góc ngồi ăn ngấu nghiến như thể nhịn đói từ hôm trước. Cô Thiền rơm rớm nước mắt, nói: “Lắm đứa sáng đâu có gì trong bụng, không có mấy món vặt này tụi nhỏ lấy sức đâu mà học”. Nhiều hôm mưa gió lạnh lẽo nhưng cô Thiền vẫn dậy thật sớm nấu xôi, bắp, củ mì, khoai lang… mang đến cho học trò. Tuy những món quà vặt không có giá trị vật chất lớn nhưng cũng mất đi một ngày chợ cho cả gia đình của cô giáo. Trò Nguyễn Văn Hậu, 15 tuổi đang theo học lớp 2 do cô Thiền phụ trách cho biết: “Thỉnh thoảng cô Thiền nấu chè rồi dắt tụi em về nhà ăn, ăn xong còn được mang về nữa. Cô Thiền thương tụi em như con, cháu trong nhà vậy”.
Năm 14 tuổi, cô học trò trường làng Nguyễn Thị Thiền (Cần Giuộc, Long An) buổi đi học buổi ra chợ phụ mẹ bán tôm, cá. Tốt nghiệp tú tài 1 tại quê nhà và đỗ tú tài 2 ban toán Trường Gia Long (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay). Siêng năng học tập nên cô học trò Nguyễn Thị Thiền không khó đỗ vào Trường Trung cấp Ngân hàng và trở thành nhân viên huấn học. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục học hệ tại chức của Trường Đại học Ngân hàng. Từ một nhân viên huấn học, cô được phân công giảng dạy môn toán cấp 3 tại Trường Trung học Ngân hàng.
Nghiệp “đưa đò” của cô giáo Thiền cũng khá lận đận. Vì nhiều lý do khác nhau mà từ năm 1991 đến 1996, cô Thiền thay vì đi dạy phải chuyển sang bán cơm ở lề đường để nuôi các con ăn học. Thế nhưng, lòng yêu nghề thúc giục cô gác bỏ mọi thứ, kể cả lòng tự trọng để được đi dạy trở lại. Niềm vui chợt đến khi cô được nhận làm giáo viên thỉnh giảng tại Trường Tiểu học Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Ngày nhận tiền lương, cô bàn với lãnh đạo nhà trường sẽ dành toàn bộ số tiền ấy cho học trò nghèo. Đó là khoản tiền lớn, nó càng lớn hơn khi các con cô đang đói ăn, thiếu mặc. Nhưng rồi, sự có mặt của cô ở trường cũng gây nhiều phản ứng từ đồng nghiệp bởi họ mất đi khoản tiền phụ trội dạy thêm giờ. Lần ấy cô Thiền chính thức xa bục giảng. Cô buồn đến khóc.
Bà giáo nghèo phóng khoáng

Thêm một đứa trẻ biết đọc, biết viết, cô giáo Thiền có thêm một niềm vui

Nhìn lũ học trò nghèo trong phường thất học, bà giáo Thiền không cầm lòng được. Thế là căn nhà cấp bốn bé tẹo, xập xệ chẳng khác nào căn chòi của gia đình cô trở thành lớp học tình thương. Để có tiền mua tập sách, quà bánh cho các em, cô phải vừa dạy học vừa nhận giữ trẻ. Lớp học ngày càng đông học trò nhưng cơ sở vật chất thì chỉ có bấy nhiêu khiến cô giáo nhiều đêm mất ngủ. Từ ngày có lớp học tình thương của phường, cô đưa học sinh về đó. Cô Thiền tâm sự: “Khi hay tin phường mở lớp học tình thương, tôi vui đến quên cả ăn uống, đến khi sức khỏe yếu dần mới giật mình”. Từ nhà (KP.1) đến lớp học tình thương ở KP.3 với quãng đường dài gần 3km nhưng cô Thiền lại đi bộ. Bất kể mưa hay nắng, sớm hay khuya, người ta vẫn thấy bà giáo già đi bộ hơn 10 cây số mỗi ngày để đến từng con hẻm, vào từng nhà thăm hỏi, động viên trò nghèo đến lớp. Các anh xe ôm mời đi xe, cô lập tức lắc đầu. Người không biết cho rằng bà già… “kẹo kéo”. Nghe được cô chỉ phì cười, “Ừ, mình cũng kẹo thiệt”, nhưng với học trò nghèo thì cô phóng khoáng đến quên cả phần ăn của các thành viên trong gia đình. Cô Thiền bảo: “Hôm nào không đi dạy là ngày đó không ngủ được. Thêm một đứa trẻ biết đọc, biết viết, biết phân biệt cái tốt, cái xấu… là thêm một niềm vui trong tôi”.
Những đứa trẻ đến với lớp học tình thương hầu hết đều thiếu ý thức, thiếu kỹ năng sống, chưa một lần được học ở trường. Việc truyền đạt kiến thức cho các em do đó không đơn giản chút nào. Vì thế, giáo viên phải sáng tạo, linh hoạt trong bài giảng nhưng tuyệt đối không được xa rời SGK để sau này các em có điều kiện thi vào trường công cũng như theo kịp bè bạn. Cô Thiền chia sẻ: “Để học trò tiến bộ, ngoan ngoãn trước tiên phải dạy ít chữ, nhiều bài học đạo đức. Bởi mục đích là giúp trẻ có điều kiện hòa nhập chứ không phải dạy để trẻ ra đời là một con người cá biệt”. Từ chỗ chỉ có hơn 20 học sinh trong những ngày đầu thành lập, đến nay lớp học của cô giáo Thiền đã có sĩ số gần 100 em.
Mỗi ngày sống là một ngày vui, cô giáo Thiền nguyện đến khi nằm xuống phải làm điều gì đó có ích cho đời. Cô cùng chồng đã làm thủ tục hiến xác cho khoa học. “Đời người tuổi tác có giới hạn song sự cống hiến là vô hạn. Khi được sống là phải sống đẹp, sống có ích, đừng để lãng phí”, cô Thiền trải lòng.
Ở tuổi 67, trong lòng cô giáo Thiền luôn ngập tràn niềm vui. Vui vì những đứa trẻ được đi học; vui vì có được người bạn đời cùng hai đứa con hiểu, thông cảm và tiếp sức. Bà giáo già cũng mãn nguyện khi con gái lớn Nguyễn Thị Tiên (cử nhân hóa sinh) và con trai Nguyễn Phước Bình đã hoàn thành chương trình tiến sĩ kinh tế ngành du lịch đang có công ăn việc làm ổn định.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Có lúc cô Thiền cũng thấy buồn cho đời mình vì đã “gần đất xa trời” mà chưa có được một căn nhà đúng nghĩa. Nghĩ lại, của cải vật chất là phù du, chết cũng chẳng mang theo được nên có bao nhiêu tiền là cô lại nghĩ ngay đến học trò. Cô bảo rằng, gia tài của cô lớn lắm, không phải ai cũng có được. Gia tài mà cô nói ấy chỉ vỏn vẹn một chữ “Tâm” cho đời.