Thứ năm, 4/2/2016, 18h09

Vua Mèo ở Sà Phìn

Tiết giao mùa ở miền cao nguyên đá Hà Giang, cái lạnh se sắt quyện hòa trong ánh nắng ngọt lành dùng dằng níu chân lữ khách. Tiếng cô hướng dẫn viên Vương Thị Chở - hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ Vương ở thung lũng Sà Phìn - thanh trong, say sưa đưa du khách ngược về quá khứ, kể từ ngày dinh thự vua Mèo chính thức tọa lạc và tự hào về một dòng họ từng có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ miền biên cương Tổ quốc… 
Gian nhà chính - nơi làm việc của vua Mèo 
Anh Vương Quỳnh Sèo, hậu duệ đời thứ 4 của vua Mèo Vương Chính Đức ở Sà Phìn
Băng qua những cung đường uốn lượn theo vách núi, miền cao nguyên đá hiện dần ra với vẻ đẹp hùng vĩ. Nằm cheo leo vách đá, những thửa ruộng bậc thang óng ả, đâu đó trên chặng đường đi qua, những thửa hoa tam giác mạch cuối vụ kiêu hãnh vươn mình khỏi hốc đá tai mèo, khoe sắc. Giữa bốn bề núi đá, thung lũng Sà Phìn (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) mang hình dáng mai rùa “cõng” trên lưng dinh thự vua Mèo hình chữ Vương uy nghi, bao quanh là những hàng cây sa mộc thẳng đứng. 
Độc đáo dinh thự vua Mèo 
Cô Vương Thị Chơ - hậu duệ đời thứ 4 của vua Mèo - cất giọng trầm ấm, đưa du khách ngược thời gian trở về những năm tháng đầu tiên từ khi Vương Chính Đức chọn mảnh đất Sà Phìn này làm chốn an cư. “Cách nay một thế kỷ về trước, dòng họ Vương bấy giờ thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên này. Người đứng đầu tộc họ Vương là Chính Đức đã tự xưng Vương, làm thủ lĩnh của người Mèo trên cao nguyên đá. Chính trên miền cao nguyên đá này, Vương Chính Đức từng chỉ huy đánh tan dư đảng giặc Cờ đen, đánh đuổi giặc Pháp, ngăn không cho giặc xâm chiếm Đồng Văn”. Vua Mèo ngày ấy từng sở hữu một khối tài sản khổng lồ, trở thành người giàu có nhất vùng. Sau khi trở thành vị vua quyền uy, Vương Chính Đức đã đi khắp nơi tìm thầy địa lý giỏi để chọn đất xây dinh thự họ Vương. Cuối cùng, một thầy địa lý nổi tiếng tài giỏi đất Trung Hoa đã cất công khảo sát địa hình núi non vùng cao nguyên rộng lớn và dừng chân ở thung lũng Sà Phìn. Mảnh đất có địa thế hình mai rùa, vượng khí, tựa lưng vào dãy núi đá, phong thủy tuyệt đẹp có thể giúp dòng họ Vương hưng thịnh đời đời được chọn để xây dựng. 
Nhìn từ cung đường 4C lượn sóng, dinh thự nhà Vương yên bình trên thung lũng. Cổng vào dinh thự được chạm khắc bằng hai câu đối: “Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/Môn phong lưu quý khách vãng lai” (Nhà quý hiền, người vào ra/Cửa phong lưu, khách lui tới). Những bậc tam cấp đá xanh tai mèo dẫn lối vào, đằng sau cánh cửa vào dinh thự là một không gian kiến trúc độc đáo. Vật liệu chính xây dựng nên dinh thự là đá xanh, đất nung và gỗ thông. Những chân cột được chạm khắc hình quả anh túc. Đích thân vua Mèo đã cho thợ chạm khắc rồi dùng khoảng 800 đồng bạc hoa xòe mài nhẵn bóng. Các xà nhà cũng được chạm khắc hình quả, hoa anh túc. Dinh thự có 4 nhà ngang và 6 nhà dọc cao 2 tầng chia thành ba lớp tiền dinh, trung dinh, hậu dinh với các gian phòng lớn nhỏ. Gồm: Phòng khách, phòng ngủ của vua Mèo, phòng ngủ vợ cả, vợ hai, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, kho chứa thuốc phiện... Phía ngoài gian chính giữa treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng: “Biên chinh khả phong”. Tường bao dinh thự được xây bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc tinh xảo. “Phải mất đến 4 năm, huy động hầu hết thợ xây dựng là người Hồi vùng Vân Nam và những tốp thợ giỏi nhất người Mông, tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng để hoàn thành khu dinh thự. Để bảo vệ tư dinh cũng như khuếch trương thanh thế, vua Mèo sắm sửa vũ khí và có cả quân đội bí mật là những trưởng họ người Mông trung thành trong vùng. Dòng họ Vương bá chủ cao nguyên đá Đồng Văn trong một thời gian dài”, cô Chở nói. 
Vua Mèo Vương Chính Đức có 3 người vợ, sinh được 4 người con trai. Vương Chí Sình, con trai thứ hai của người vợ cả là người kế tục cha. Dòng họ Vương dưới thời Vương Chí Sình đứng trên hoàng kim của giàu sang và quyền lực. Năm 1945, sau khi Nhật bị đánh khỏi Đông Dương, Cách mạng tháng Tám thành công, Vương Chí Sình đi theo cách mạng theo lời kêu gọi đoàn kết dân tộc của Bác Hồ. Ông vinh dự được Bác Hồ mời về Hà Nội và đề nghị hợp tác với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kết nghĩa anh em và đặt tên cho ông là Vương Chí Thành. Ông đã đóng góp hầu hết tài sản của gia tộc cho cách mạng. Ghi nhận những đóng góp của Vương Chí Thành, tại khóa II Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Vương Chí Thành một lần nữa được tín nhiệm, trở thành đại biểu của tỉnh Hà Giang.
Nối dài chuyện xưa
“Thế hệ con cháu dòng họ Vương hôm nay phần nhiều vẫn tề tựu xung quanh thung lũng Sà Phìn. Với họ, không chỉ là để giữ gìn miền đất cha ông chọn lựa mà có cả niềm tự hào cùng góp công làm nên đổi thay trên vùng quê này. Trong số họ có người trực tiếp làm công tác du lịch bên trong dinh thự”, cô Nguyễn Thị Nụ, một giáo viên miền xuôi lên cắm bản ở Sà Phìn vui vẻ cho biết. Tôi gặp anh Vương Quỳnh Sèo, hậu duệ đời thứ 4 của vua Mèo ngay cổng vào dinh thự. Anh chọn cho mình công việc bán vé cho khách tham quan. Anh bảo, đấy không phải là công việc ăn nên làm ra, hái ra tiền nhưng anh muốn gắn bó hơn bất cứ việc gì. Bởi ở đó, cha ông anh đã từng sinh sống, góp công bảo vệ quê hương, để lại niềm tự hào cho con cháu. Cho dù thăng trầm thời cuộc, vật đổi sao dời, dù vòng quay của thời gian vô thủy, vô chung nhưng có những điều mãi đọng lại. Quá khứ đã mở đường đi tới tương lai. “Mình làm công việc bán vé tham quan dinh thự vua Mèo đã 5 năm nay. Mỗi lần cầm chiếc vé giao vào tay du khách, mình cảm thấy rất tự hào về dòng họ, về tiền nhân đi mở đất, canh giữ miền biên cương ở chốn này. Hôm nay, điều đó đã được Nhà nước quan tâm, du khách thập phương nhớ đến, tìm về”, giọng anh Quỳnh Sèo trầm ấm. 
Dinh thự vua Mèo nhìn từ quốc lộ 4C
Phía bên trong cánh cổng hào hoa của dinh thự, chị Vương Thị Chở, em gái của anh Vương Quỳnh Sèo vẫn hăng say hướng dẫn từng đoàn khách từ mọi miền đất nước tìm về tham quan. Sau những câu chuyện ngược dòng thời gian trở về ngày đầu tiên vị vua quyền uy Vương Chính Đức đặt chân khai khẩn mảnh đất này cho đến hôm nay, chị dành một khoảng lặng nói về nghề: “Mình chọn nghề hướng dẫn viên để được sống với nơi cha ông mình từng sống cách đây trăm năm trước. Mỗi lần giới thiệu về nơi này, mình như được lần tìm vết dấu của cha ông trên miền cao nguyên đá xanh. Hiển nhiên mình không tìm kiếm nguồn cảm xúc cho những vần thơ, nốt nhạc. Đó chỉ đơn giản rằng trước dòng chảy thời gian mình có thể neo níu cũng như gửi gắm nhiều điều. Mình tin rằng, ở nơi nào đó, bằng cách nào đó mình sẽ được gặp những bậc tiền nhân bằng tình yêu thương, lòng tự hào”. Trong đôi mắt của anh Sèo, chị Chở, có lẽ không khó để đọc được những ước mơ chân thành nho nhỏ. Công việc của họ có lẽ không chỉ vì gánh nặng áo cơm mà còn thêm nhiều nguồn vui sống. Tất cả làm nên những gam màu tươi sáng trong hành trình gìn giữ, bảo tồn và chung tay phát triển đi lên của các vùng quê. 
Trải những bước thật chậm trên bậc thềm đá xanh tai mèo, ngắm những bông hoa đào điểm sắc trên lối vào dinh thự, nghe vọng đâu đó giọng trầm ấm của người hậu duệ vua Mèo, chợt nhớ như lâu nay mình đang ngụp lặn trong lớp lớp thời gian khuất lấp, bỏ quên đâu đó chuyện xưa miền trấn ải, cho tới bây giờ! Trên cao nguyên đá này, mỗi sớm mai theo gót bạn xuân về, những người hậu duệ họ Vương vẫn lặng lẽ mà kiên trì kể chuyện. Dường như với họ, ký thác đời mình giữa bốn bề đá núi cheo leo khắc nghiệt mà hùng vĩ này để tiếp tục nối dài câu chuyện gìn giữ biên cương nơi miền phên dậu Tổ quốc thân yêu!
Phan Vĩnh Yên