Thứ hai, 18/2/2013, 10h02

Xuân sum vầy

Tết được gọi là mùa của những yêu thương. Đó là mùa của sự sum vầy cùng gia đình. Nhiều người sắp xếp công việc để về thăm cha mẹ. Không ít bạn trẻ dành dụm khoản tiền có được để về quê sau một khoảng thời gian dài học tập, làm việc. Thế nhưng cũng không ít trường hợp đưa ra hàng loạt lý do như: Di chuyển khó khăn, kinh phí eo hẹp, thời gian nghỉ Tết ít ỏi, lo lắng về những phần quà Tết... Đó cũng chưa kể đến một vài trường hợp bạn trẻ vì nhiệm vụ của người con nên các bạn dốc hết tiền cá nhân để lo cái Tết đầy đủ cho gia đình... Còn cá nhân mình thì thui thủi... Đó là chưa kể đến các mối quan hệ xã hội kéo theo làm cho một vài bạn trẻ tình nguyện ăn Tết xa quê... Cũng từ đây, những hệ lụy đã xuất hiện.
Không phủ nhận rằng quê hương là nơi con người hướng về thường xuyên và liên tục. Ở đấy có câu hò của mẹ, có giọt mồ hôi của cha, có sợi tóc bạc của bà, có đôi mắt trong veo của những đứa cháu khát khao mong mỏi ngày gặp mặt... Không phải ngẫu nhiêu người ta thường gọi là “xuân yêu thương”, “xuân sum vầy” vì đó là cơ hội quý để người ta đến với nhau và họp mặt cùng nhau... Sum vầy để thỏa mãn nỗi nhớ mong, sum vầy để sẻ chia và hàn huyên tâm sự sau một thời gian xa cách người thân, sum vầy để chúng ta có thể bên nhau nối kết những sợi dây tình cảm... Sự xa quê hay không sum vầy có thể vì nhiều lý do như đã đặt vấn đề. Thực tế ấy là điều không thể thay đổi nhưng ứng xử như thế nào, đó là điều cần quan tâm.
Không ít bạn trẻ quên bẵng chuyện lễ nghĩa, cứ muốn im lặng luôn cho chắc. Lúc đó chưa hiểu được tâm trạng của những người thân. Cuộc sống có thể cuốn phăng người ta đi vì công việc, tiền nong, thời gian và cả những mối quan hệ. Không ít bạn trẻ chăm chỉ làm việc vì những khoản lương gấp đôi trong Tết nên quên cả những điều cần làm: Tin nhắn, cuộc điện thoại... đầy tình cảm và màu sắc nhân văn lẽ ra cần thực hiện. Không gì có thay thế được giọng nói đầy cảm xúc để hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ, chúc Tết ngày xuân trong sự sẻ chia hay thậm chí là dặn dò này khác và cả một lời hứa con sẽ về... Đó không chỉ là cái lý của sự ứng xử mà là cái tình. Đó không thể chỉ là điều cần làm mà là sự réo gọi của lương tâm, của trách nhiệm và của tình thương...
Cái Tết xa quê có thể dễ làm cho người ta buồn bã, cô đơn, trống vắng. Sự lạc lõng trong tâm hồn sẽ day dứt và làm người ta mệt mỏi. Cái cảm giác dự phòng mình sẽ chịu được mà đối lập mãnh liệt với cái cảm xúc bơ vơ, buồn buồn, tủi tủi... sẽ tất nhiên xảy ra. Điều đó làm người ta dễ phá toang tất cả. Không ít bạn trẻ buồn bã lại lao vào những cuộc vui quá mức, rượu chè... đẩy cuộc sống mình vào ngõ cụt. Sự lựa chọn ban đầu rằng mình sẽ ổn hơn cuối cùng được thay thế bằng cái thụt lùi, cái thua cuộc toàn phần hay thậm chí là những cái tệ hại quá đáng của bản thân... Những hệ lụy sẽ có thể xuất hiện mà đặc biệt đó chính là sự già cỗi trong tâm hồn hay sự “công nghiệp hóa” cuộc sống của bản thân mình...
Đừng vội trách những cá nhân không sum vầy cùng với người thân hay gia đình trong dịp Tết. Cũng không thể giận hờn vu vơ hay phản ứng khi một cá nhân không thể sum họp vì những lý do chủ quan hay khách quan... Không ai có thể giải quyết hoàn toàn những khó khăn mình gặp phải một cách dễ dàng. Sự sắp xếp của mỗi cá nhân cũng không hẳn giống nhau vì sự đặc trưng trong hoàn cảnh, điều kiện... Thế nhưng, mùa xuân là mùa của tình yêu cho nên hãy nhìn nhận sự yêu thương một cách đúng nghĩa. Người ta có thể thay thế tiền bạc bằng quà tặng nhưng không thể thay thế sự giao tiếp trực tiếp - sự yêu thương đích thực bằng những thứ khác... Nếu được cũng nên tranh thủ về quê hoặc tùy từng điều kiện thì nên thể hiện tình cảm, sự quyết tâm của mình trong cuộc sống khi có mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế cá nhân, chuẩn bị những phần học phí ít ỏi... Nếu phải có mùa xuân xa quê, cũng nên hiểu rằng cần lắm sự nghiêm túc với bản thân, sự thể hiện tình cảm với người thân và cả những kỹ năng sống mang tính ứng xử có chiến lược trong tâm trạng hoặc những cảm xúc cô đơn...
Mùa xuân, mùa của tình yêu. Điều quan trọng đó là hãy trải lòng ra để biết yêu thương. Dù ở xa hay ở gần, dù sum họp hay không nhưng nếu con người biết sống đúng nghĩa thì mùa xuân vẫn tỏa hương xuân ngọt dịu... Điều này sẽ đúng với phương châm là xuân vẫn là xuân... Xuân đem đến cho mỗi người những phút giây thư giãn và làm tâm hồn thăng hoa, xuân hướng đến sự hạnh phúc đích thực từ những điều giản dị, xuân thắt chặt tình thân của mọi người và mọi nhà nên hãy sum vầy dù rằng cuộc đời vẫn còn nhiều thách thức!
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn