Thứ tư, 14/11/2012, 09h11

“Bó” theo quy định, không đổi mới được

 Thay vì thực hiện chung một chương trình đào tạo thạc sĩ (ThS) như quy định của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thực hiện đào tạo ThS theo hai hướng: ThS khoa học và ThS kỹ thuật (ThS nghề nghiệp).
Điều này đã khiến dư luận băn khoăn về giá trị bằng ThS kỹ thuật khi không có trong quy chế, học viên lại có thể được đào tạo bên ngoài, chương trình đào tạo nhiều khác biệt so với chuẩn đào tạo ThS chung từ trước đến nay...
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Giảng - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, so với ThS khoa học, điểm khác biệt lớn của ThS kỹ thuật là người học không theo định hướng nghiên cứu, mà đang và sẽ làm việc trong các doanh nghiệp. ThS kỹ thuật sẽ “học là chính”, học viên nghe thầy dạy là chủ yếu và hiểu những điều được truyền thụ, còn ThS khoa học phải dành nhiều thời gian thảo luận, bổ sung kiến thức và tư duy phục vụ nghiên cứu.
“Việc thi tuyển đầu vào đối với người học ThS kỹ thuật chỉ gây tốn kém, lãng phí xã hội. Đối tượng người học chủ yếu là người đã đi làm trong các doanh nghiệp, các cơ quan, không định hướng theo nghiên cứu sâu. Nếu cứ yêu cầu ôn các môn thi như ThS khoa học để thi tuyển, họ rất khó bố trí thời gian”. (GS Nguyễn Trọng Giảng)

Trong quy chế đào tạo ThS hiện hành, Bộ GD-ĐT quy định việc tổ chức đào tạo phải được thực hiện tại cơ sở đào tạo, nơi đã được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo. Trường hợp cơ sở đào tạo có phân hiệu, việc tổ chức đào tạo tại phân hiệu cũng phải được bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép. Trong trường hợp cần thiết, bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định việc tổ chức đào tạo trình độ ThS ở ngoài cơ sở đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng quy định trách nhiệm của cơ sở đào tạo phải quản lý việc học tập và nghiên cứu khoa học của học viên, quản lý việc thi và cấp chứng chỉ, bảng điểm học tập. Tuy nhiên, với chương trình đào tạo ThS kỹ thuật, các lớp học này lại được tổ chức tại các cơ sở bên ngoài, không thuộc nhà trường.
Lý giải về điều này, GS.TS Nguyễn Trọng Giảng cho rằng quy chế của bộ chỉ là quy chế chung cho đào tạo ThS khoa học, còn các lớp học ThS được tổ chức bên ngoài nhà trường là những lớp ThS kỹ thuật nên không phải tuân theo quy chế của bộ. “Trường đã được Bộ GD-ĐT giao thí điểm tự chủ. Nếu cứ tuân theo luật, theo các quy định hiện hành thì làm sao đổi mới được. Trường có thể tổ chức các lớp ThS này theo diện địa chỉ, cho doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà trường, chủ yếu nhờ họ quản lý về mặt tổ chức lớp học, còn toàn bộ giảng viên thuộc nhà trường” - ông Giảng nói.
Trả lời câu hỏi ngay cả trong Luật giáo dục ĐH sắp có hiệu lực từ năm 2013 cũng không thấy đề cập “ThS kỹ thuật”, liệu bằng cấp của hệ đào tạo này có được công nhận, ông Giảng khẳng định theo cách đào tạo này đã có những lớp học viên ra trường. “Chính Bộ GD-ĐT đã duyệt cấp bằng cho học viên. Còn việc công nhận giá trị văn bằng thì vai trò quan trọng là ở xã hội” - ông Giảng nói.
Đề cập việc thông thường người học ThS kỹ thuật không học tiến sĩ (TS), nhưng nếu họ cầm tấm bằng đó dự tuyển nghiên cứu sinh ở cơ sở khác, có cách nào để các trường phân biệt ThS kỹ thuật và ThS khoa học, ông Giảng nói: “Để học tiếp TS, Trường ĐH Bách khoa quy định ThS kỹ thuật phải học bổ sung kiến thức. Còn học viên lại đăng ký làm TS ở trường khác? Chờ một thời gian nữa, mô hình này phổ biến hơn, các trường sẽ phân biệt được. Không thể chỉ vì các trường vô tư tiếp nhận đào tạo TS với ThS kỹ thuật mà trường dừng đào tạo” - GS Giảng khẳng định.
Theo TTO