Thứ sáu, 25/12/2009, 10h12

Đổi mới và phát triển GDCN: Thay đổi nhận thức từ phụ huynh

Phụ huynh Phan Như Thủy (đứng bên phải) có con học tại Trường TC KT KT Nam Sài Gòn phát biểu tại buổi tọa đàm

Sáng ngày 24-12, Sở GD-ĐT, Báo Giáo Dục TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến của phụ huynh học sinh (PHHS) về việc “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp” (GDCN). Tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến cho rằng: hiện nay, PHHS còn thiếu thông tin về các ngành nghề ở hệ TCCN, các chính sách trong việc học tập của con em mình... Đặc biệt, đa số PHHS đã nhận thức rằng việc ép buộc con chọn ngành nghề hay gây áp lực học tập lên con em mình như trước đã không còn phù hợp nữa.
Học mau, xin việc dễ
ThS.Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, hiện nay nhiều PHHS vẫn còn có tư tưởng coi trọng bằng cấp. Chính vì quan điểm có bằng cấp càng cao càng tốt nên PH đã bắt con em mình thi vào đại học bằng mọi giá. Vì vậy, PHHS gây áp lực học hành lên con cái, thậm chí không ít PHHS đã chọn trường, chọn nghề thay cho con em mình mà không biết con em mình có thích, năng lực có phù hợp hay không. Mặt khác, lực lượng lao động được đào tạo tay nghề hiện nay chỉ chiếm 31% còn lại chưa qua đào tạo. Trong khi đó nhiều sinh viên đại học ra trường chỉ làm công việc ở trình độ trung cấp hay làm trái ngành nghề dẫn đến tình trạng lãng phí rất lớn trong việc đào tạo. Việc nhiều phụ huynh cho con em mình học trung cấp là một bước vào đời vững chắc là rất phù hợp.
Chị Tô Thị Chánh có con học tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM thừa nhận: “Gia đình tôi phần lớn công tác trong ngành y, lúc đầu gia đình tôi cứ hướng cháu vào ngành y để thuận lợi xin việc cho cháu. Nhưng gia đình tôi đã phải bỏ ý tưởng đó vì sở thích của cháu là học trung cấp kinh tế. Đến bây giờ khi cháu sắp ra trường tôi mới thấy quyết định đó là đúng vì cháu học đạt loại giỏi và một công việc tốt đang chờ đợi cháu ở phía trước khi một công ty chuẩn bị nhận cháu vào làm việc”. Còn phụ huynh Nguyễn Thị Kiên, Trường Trung cấp Tây Bắc, Củ Chi tâm sự: “Cháu nhà tôi thi rớt tốt nghiệp THPT, sau đó cháu vào học Trường Trung cấp Tây Bắc, từ ngày được vào học cháu đã nỗ lực học tập, đến nay cháu đã có kết quả học tập rất tốt. Hứa hẹn có một công việc ổn định trong tương lai vì trên địa bàn rất thiếu nhân lực trình độ này”.
Phụ huynh Đoàn Duy Phùng, Trường Trung cấp KT KT Tây Nam Á, trao đổi ở góc độ khác: “Hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn “trọng thầy, khinh thợ”, ép buộc con em mình cố gắng vào học đại học. Tôi nghĩ tại sao không định hướng cho các cháu vào học các trường TCCN cho phù hợp với năng lực. Vì hệ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên… thì nhu cầu xã hội rất lớn, thời gian học ngắn. Với suy nghĩ như vậy nên khi cháu chọn học trung cấp gia đình tôi đã ủng hộ cháu rất nhiều. Cháu lớn nhà tôi đã tốt nghiệp ra trường có công việc ổn định, còn cháu nhỏ đang học năm 2 nhưng cũng đang khẳng định mình”. Phụ huynh Duy Phùng và nhiều phụ huynh khác có con em đang theo học tại các trường TCCN kiến nghị, hệ TCCN nên mở đào tạo liên thông lên các cấp học cao hơn ngay trong trường; nhà trường nên thông tin trao đổi thường xuyên với PHHS về tình hình học tập của học sinh. Nhà trường nên làm cầu nối để giới thiệu việc làm sau khi học sinh tốt nghiệp.
Anh Lý Văn Sang có con từng theo học Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức chia sẻ: “Nhiều người bảo với vợ chồng tôi học TCCN cơ hội việc làm thấp, cơ sở vật chất, máy móc cổ lổ xỉ. Nhưng khi con tôi học tại trường đã chứng minh điều ngược lại. Hiện nay cháu có công việc ngay trong trường và đang tiếp tục học đại học. Với trường hợp của con tôi thì học đại học chắc hẳn sẽ không bằng trung cấp. Điều cơ bản nhất là vẫn phải thay đổi nhận thức”.
Được hỗ trợ nhiều
ThS.Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM nhìn nhận: “Thực tế cho thấy rất nhiều em học sinh đã thành đạt từ các trường TCCN. Thậm chí không hiếm trường hợp có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, giám đốc… cũng từ các trường trung cấp. Hiện nay học trung cấp không còn bó buộc như trước nữa, học sinh muốn học liên thông thì có trường để liên thông, học sinh nghèo hay gia đình chính sách thuộc diện miễn giảm học phí của nhà nước thì sẽ được miễn giảm. Song song đó còn nhiều học bổng khác như học bổng “Nhất nghệ tinh”, học bổng Nguyễn Đức Cảnh… để hỗ trợ cho các em tiếp tục được học, trang bị tay nghề”.
Đồng quan điểm với ThS. Tạ Văn Doanh, phụ huynh Nguyễn Thị Kiên cho biết: “Học sinh hiện nay không thể nói rằng không có tiền đi học. Nghèo như gia đình tôi thì đã được miễn giảm học phí, rồi được vay mỗi năm 8 triệu đồng để cho cháu theo học, ra trường đi làm mới phải hoàn trả. Không những đủ tiền đóng học phí mà còn có tiền để mua sách vở để học tập. Còn vấn đề việc làm thì khỏi phải nói, con tôi mới ngồi trên ghế nhà trường nhưng cháu đã được mời đi làm vì công ty về đóng trên địa bàn rất thiếu lao động trình độ trung cấp”.
Phụ huynh Phan Như Thủy, Trường Trung cấp KT NV Nam Sài Gòn, hài lòng: “Hiện nay con tôi học trung cấp không những được học tập trong môi trường tốt, cháu còn được tạo điều kiện, khuyến khích tham gia sinh hoạt ngoại khóa của trường, đi dã ngoại về nguồn; đặc biệt tham gia hoạt động của các đội, nhóm, CLB… và những kỹ năng mềm khác. Điều đó đã tạo cho cháu một kiến thức tổng hợp mà không phải ở trường đại học nào cũng có”.
Kết thúc buổi tọa đàm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT ThS. Phạm Ngọc Thanh, tổng kết: “Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực của các phụ huynh học sinh về vấn đề: định hướng nghề nghiệp cho con em mình; về tư tưởng trong việc “trọng thầy, khinh thợ”, đặc biệt là nêu lên thực rạng về tình hình học tập của con em mình ở các trường. Từ đây Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp đưa ra giải pháp nhằm phát triển GDCN và kiến nghị cấp trên khắc phục những hạn chế nhằm đưa đến một môi trường học tập tốt nhất ở hệ TCCN”.
Văn Mạnh