Thứ sáu, 24/9/2010, 15h09

Những “danh hiệu” một thời vang bóng: Bài 11: “Tiếng hát liêu trai” Trang Mỹ Dung

Trang Mỹ Dung năm 1969 và Trang Mỹ Dung bây giờ (ảnh nhân vật cung cấp)

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp ca hát, nữ ca sĩ Trang Mỹ Dung đã tạo dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu mến nhạc trữ tình. Bất kỳ ai biết đến chị cũng đều phải công nhận một điều, chị là một người rất hiền lành, ít nói hay cười, có lẽ chính điều đó đã tạo cho chị một giọng ca trầm buồn, sâu lắng, không lẫn với bất cứ một ai. Khán giả và các bầu show thường gọi chị là “Giọng hát liêu trai” bởi họ giải thích rằng giọng hát của chị rất lạ, thu hút hồn người giống như có “ma quái” vậy.
Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung. Lúc đầu, chị lấy tên thật là Mỹ Dung đi hát. Được một thời gian, chị gia nhập vào Ban Tạp Lục của nghệ sĩ Tùng Lâm hát nhiều ca khúc phát sóng hằng tuần trên Đài phát thanh. Trong ban này có các học trò của Tùng Lâm như Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Trang Kim Phụng nên Tùng Lâm quyết định đặt luôn nghệ danh cho chị là Trang Mỹ Dung. Và chị đã giữ nghệ danh này cho đến ngày hôm nay.
Tạo nên thương hiệu với Hai mùa mưa
Ca sĩ Trang Mỹ Dung sinh năm 1951 tại Phan Thiết trong một gia đình không có ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Năm 6 tuổi, chị theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống và cũng từ đây, chị bắt đầu đam mê âm nhạc. Năm 1967 (16 tuổi), Đài Truyền hình Sài Gòn mở cuộc thi tuyển chọn ca sĩ, được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè, chị đã mạnh dạn dự thi. Cũng chính từ cuộc thi này mà nhạc sĩ Anh Bằng đã phát hiện ra chất giọng lạ của chị nên khuyên chị tham gia vào lớp nhạc Lê Minh Bằng (gồm Lê Vinh - Minh Kỳ - Anh Bằng) để phát triển nghề nghiệp. Cùng học với chị lúc đó có Giáng Thu, Tài Lương và nhiều bạn trẻ khác. Đang học, chị may mắn được nhạc sĩ Anh Bằng giới thiệu thâu cho hãng đĩa Asia Sóng Nhạc - một trong những hãng đĩa nổi tiếng thời đó. Ca khúc Hai mùa mưa của nhạc sĩ Anh Bằng là ca khúc đầu tiên chị trình bày trong băng đĩa nhưng đã trở thành một ca khúc làm nên tên tuổi của Trang Mỹ Dung bởi đĩa nhạc ấy bán chạy như tôm tươi. Gần như lúc ấy, đi đến đâu cũng nghe ca khúc Hai mùa mưa. Cũng từ đó, chị bắt đầu được các hãng băng đĩa “săn lùng” và thâu liên tiếp cho các hãng: Việt Nam, Continental, Nhạc Ngày Xanh, Hồng Hoa… với những ca khúc thành công vang dội như Hoa nở về đêm, Loài hoa không vỡ, Hoa đào thương nhớ, 8 điệp khúc, Hai chuyến tàu đêm… với hợp đồng rất cao. Đỉnh cao nghề nghiệp của chị là vào năm 1971, tên tuổi của chị rực sáng khắp cả nước, show diễn chạy không kịp. Nhiều năm liền, chị được khán giả và báo chí bình chọn là Nữ ca sĩ trẻ đẹp, hát hay trong năm.
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các nghệ sĩ nổi danh hầu hết đều đi định cư ở nước ngoài, riêng chị quyết định ở lại và xuất hiện trên sân khấu với các ca khúc Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Cô gái sông Hồng, Anh ở đầu sông em cuối sông, Câu hò bên bờ Hiền Lương… tạo nên một làn sóng hâm mộ của khán giả trong thời kỳ mới. Trong một lần đi lưu diễn ở Huế, suốt 10 ngày liền, khán giả cứ yêu cầu chị hát bài Câu hò bên bờ Hiền Lương và luôn được tán thưởng rất nồng nhiệt.
Những biến cố trong cuộc đời

Cuộc đời của nữ ca sĩ hiền lành, không vướng bất kỳ scandal cũng như không hề có một sự hiềm khích nhỏ nào với đồng nghiệp này những tưởng rất êm đềm. Nhưng thật ra, chị cũng gặp phải những biến cố tưởng như phải tạm ngưng sự nghiệp ca hát của mình. Cuối năm 1974, khi sự nghiệp ca hát đang ở đỉnh cao thì trong một đêm đi diễn ở Huế, chị bị tai nạn giao thông phải gián đoạn việc ca hát một thời gian. Năm 1997, đang diễn tại một phòng trà, chị nhận được tin mẹ mất trong lúc đang trình bày ca khúc Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt phúc hậu. Còn khán giả thì vỗ tay rần rần vì nghĩ chị quá cảm xúc với ca khúc. Mất mẹ, chị như mất đi một chỗ dựa tinh thần lớn lao. Không lâu sau đó, người chồng mà chị yêu thương cũng nói lời chia tay khi biết chị không thể có con do tai nạn trước đây. “Lúc ấy, tôi gần như tuyệt vọng, đã có lúc nghĩ đến cái chết, nhưng chính các khán giả tri âm đã giúp tôi nghị lực vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời…” - chị tâm sự.
Thời gian qua, Trang Mỹ Dung giống như một vì sao lặng lẽ, khép mình vào một thế giới riêng giữa một thị trường âm nhạc rộn ràng đầy sắc màu. Không hát nhiều, thỉnh thoảng chị chỉ nhận lời hát ở những phòng trà nghiêm túc, các chương trình được dàn dựng công phu. Nhưng nhiều nhất vẫn là các chương trình ca nhạc từ thiện, chương trình Phật giáo. Không một chương trình ca nhạc nào của Phật giáo tổ chức mà thiếu Trang Mỹ Dung, cho dù chương trình đó có tổ chức ở một nơi xa xôi, hẻo lánh cỡ nào. Nhà có xe hơi riêng nhưng chị vẫn đồng hành cùng các ca sĩ trẻ trên xe đoàn đi biểu diễn. Chị cũng đã góp mặt trong rất nhiều đĩa nhạc Phật giáo. Không một lời kêu ca, không một lời trách móc nếu có ca sĩ nào tới sau đòi hát trước. Nhưng cũng không ít ca sĩ ngôi sao vừa bước vào sân khấu thấy Trang Mỹ Dung là mời chị hát trước, nhưng chị vẫn nhẹ nhàng: “Em cứ hát theo sự sắp xếp của chương trình, chị có thể hát dù chỉ còn một khán giả xem”. Có được bản tính hiền lành này là từ lúc nhỏ, tại Bình Quang ni tự (Phan Thiết), chị đã gắn bó cùng đạo Phật với pháp danh Lệ Hạnh. Sau album Trả lại thời gian được khán giả đón nhận nồng nhiệt, vừa qua chị đã kỷ niệm cho cuộc đời ca hát của mình bằng album chủ đề Giọt buồn trong mưa do Nguyễn Long và Lâm Minh Chi biên tập, Trung tâm Rạng Đông phát hành tập hợp 10 ca khúc mà chị yêu thích và phù hợp với chất giọng của mình. Nghe Giọt buồn trong mưa thấy lòng xao xuyến bởi giọng hát Trang Mỹ Dung vẫn mượt mà, có khi còn sâu lắng hơn cả ngày xưa... Sau khi bán căn nhà gần ngã tư Phú Nhuận, chị xây căn nhà mới khá rộng và thoáng mát ở quận Gò Vấp sống cùng ba và các em cháu.
Minh - Nghĩa
“Một điều mà tôi không thể phủ nhận đó là người nghệ sĩ theo năm tháng vẫn phải dừng lại ở một thời điểm nào đó. Tôi hạnh phúc với những gì mình có được. Chỉ cần khán giả nhớ có một ca sĩ Trang Mỹ Dung trong làng âm nhạc Việt Nam, đối với tôi như thế cũng đủ rồi” - chị bộc bạch rất thật lòng.