Thứ sáu, 23/10/2009, 15h10

Trăm năm trồng người: Bài 9: Chuyện về một “hiệp sĩ” vùng quê

Thầy giáo Phạm Thanh Phương

Ngày qua ngày, cùng với những “đêm trắng”, những thất bại và những kinh nghiệm, thầy đã phát hiện dần dần ra những nét đẹp tuyệt vời của Cabri. Đây là một phần mềm quan trọng được ứng dụng trong dạy và học của Pháp và các nước châu Âu.
1. Vâng! Đó chính là thầy giáo Phạm Thanh Phương Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Dương Bạch Mai, huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một giáo viên vùng xa, vùng sâu của tỉnh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phần mềm để giảng dạy các môn toán và vật lý. Công trình của thầy đã được nhiều giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy các trường ĐH, CĐ, phổ thông ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước ứng dụng trong giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, không phải cái gì muốn là có! Thầy Phương cho biết: “Nếu đem những vốn hiểu biết “nông cạn” của mình về CNTT để ứng dụng vào giảng dạy môn toán, thì đúng là rất khó”. Do huyện Đất Đỏ là một huyện nghèo của tỉnh, điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp rất hạn chế, cuộc sống của giáo viên còn khó khăn, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu cho cá nhân bằng con số không. Được thầy Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (thầy Phương là giáo viên cũ của trường, năm 2006 mới chuyển qua Trường Dương Bạch Mai) động viên và hướng dẫn. Thầy Tú rất giỏi về CNTT, là người tiên phong của tỉnh tìm hiểu về phần mềm Cabri. Sau giờ dạy hai thầy đã ở lại mượn máy của trường để làm việc, nhiều khi đến khuya “bà xã” gọi điện tới cơ quan hai người mới chịu về. Sau này, do công việc quản lý quá bận thầy Tú phải tạm dừng. Ki cóp mãi đến năm 2002 thầy Phương mới mua được máy tính cho mình. Lúc này phát sinh lớn nhất khi nghiên cứu, đó là khả năng toán học của thầy còn hạn chế trong việc tìm hiểu về Cabri. Thầy sắp xếp công việc và lên thành phố, vừa mua tài liệu tham khảo, sách đĩa CD ứng dụng về thuật toán trên máy tính... Thầy kết hợp “Hệ tọa độ cực” với phần mềm Cabri và thật bất ngờ khi tạo nên những kết quả “rất đẹp” trên máy tính. Sau khi xây dựng xong cơ sở toán học để dựng hình trên Cabri, thầy hiểu rằng đây là một vấn đề khoa học nghiêm túc.
2. Thầy Phương sinh năm 1959 tại TP.HCM, trong một gia đình khá giả và được sự chăm lo dạy dỗ hết mực của cha mẹ. Ngay từ nhỏ thầy đã học rất giỏi, đặc biệt là toán và Anh ngữ. Sau này, số phận “se duyên” thầy đến với ngành sư phạm toán và tới năm 1983 thì xung phong về dạy học ở huyện Long Đất tỉnh Đồng Nai (cũ), nay là huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù là trường nông thôn, nhưng những năm qua cả 2 trường đã đào tạo được rất nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh và trong số đó có cả những thủ khoa của các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Ngay trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 vừa qua, em Lê Thị Hương học sinh Trường THPT Dương Bạch Mai đã đạt danh hiệu “Hoa trạng nguyên – thủ khoa Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại” là học sinh do thầy Phương làm chủ nhiệm trong ba năm bậc THPT. Thầy Phương tâm sự: “Chính tình người nơi đây đã “níu kéo” tôi với nghề, với vùng đất anh hùng này. Đây đã thực sự là quê hương thứ hai của tôi. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có được người vợ hết mực thủy chung, chia sẻ những ngọt bùi trong cuộc sống. “Bà xã” đã chấp nhận nghỉ dạy (cô giáo tiểu học) để bươn chải kiếm sống, nuôi chồng nuôi con. Cho tôi an tâm với công việc trồng người và niềm đam mê của mình”.
3. Hai năm vừa giảng dạy, vừa kiên trì, thầm lặng nghiên cứu, thầy đã áp dụng thành công các đề tài: “Hình học “động” trong mặt phẳng”, “Hình học không gian (biến 2D thành 3D)”, hình vật lý “động”… trong chương trình toán phổ thông, ĐH và đã xây dựng được cơ sở toán học dựng hình trên Cabri. Với mong muốn mọi người đến với phần mềm Cabri một cách dễ dàng, tránh được những khó khăn như mình đã mắc phải, thầy Phương mạnh dạn viết thành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng Cabri”. Bộ sách gồm 2 tập, đặc biệt được chính thầy biên dịch và chuyển qua giao diện tiếng Việt, phổ biến rộng rãi cho các giáo viên toán, vật lý trong tỉnh và các tỉnh, thành phía Nam. Đặc biệt trong năm 2005 thầy được tạp chí e-CHIP của Bộ Bưu chính Viễn thông phong tặng danh hiệu “Hiệp sĩ CNTT” và được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ GD-ĐT và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhớ lại, khi mới nghiên cứu xong được bạn bè, đồng nghiệp cổ vũ thầy mạnh dạn tham gia cuộc thi “Sáng tạo của tỉnh” và kết quả “rinh” được giải nhất. Tuy nhiên, khi đã giành được giải thưởng lại phát sinh hai luồng ý kiến trái ngược nhau, người khen cũng có người chê cũng nhiều. Thầy rất trăn trở, mình phải làm như thế nào để thật sự thuyết phục được những người “khó tính” nhất? Sau những dự định và quyết tâm, thầy Phương thấy chỉ có Khoa Toán – Tin của Trường ĐHSP TP.HCM mới có thể đánh giá và cho kết quả đúng, sai. Sau nhiều lần lên xuống thầy cũng may mắn được tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn khi đó là trưởng khoa tiếp chuyện và nhận tài liệu, hứa sẽ trả lời!? Như trút được gánh nặng, thầy ra về trong niềm vui khấp khởi. Nhưng những lời nói nặng tai đang đón đợi thầy: “Ôi dào, bày đặt, chưa thành ông nghè đã đe hàng tổng”… thầy ráng chịu đựng và đợi chờ, nhưng càng đợi chờ càng vô vọng. Rồi một hôm vào lúc hai giờ sáng, trong giá lạnh của những ngày giáp tết năm 2004 thầy chạy chiếc xe cub 79 cà tàng lên Sài Gòn để gặp cho được thầy Sơn. Tìm được nhà thầy Sơn lúc 6 giờ kém, môi răng “đánh nhau” chan chát cũng chỉ dám ghé vô uống ly cà phê nóng và lót dạ ổ bánh mì đợi đến 7 giờ mới vào gặp. Ra mở cửa, thầy Sơn “giật mình” nhận ra “người quen”. Sau một hồi thăm hỏi, thầy Phương được trình bày và biểu diễn những gì xuất sắc nhất trong “Mặt tròn xoay; đồ thị hàm số trong hệ trục tọa độ Descartes và hệ tọa độ cực…”. Qua ánh mắt và thái độ ngưỡng mộ, thầy Sơn chỉ nói được một câu: “Đề tài này của thầy hay quá có thể áp dụng ngay trong giảng dạy phổ thông nhưng một mình tôi không thể đánh giá hết được! Cần phải có một hội đồng thẩm định”. Những lời nói đó đã làm tan biến những hồi hộp, mệt mỏi trong một thời gian dài chờ đợi của thầy. Sau đó một tháng thầy đã được Khoa Toán – Tin của trường mời báo cáo “Giảng dạy phần mềm Cabri Greometry II” cho SV năm 4 và giảng viên của khoa. Tháng 9-2004, thầy được mời tham gia hội thảo quốc tế lần thứ 3 Cabriworld tại Roma, Italy… Từ đây đề tài của thầy Phương bắt đầu được ứng dụng trong dạy và học trên cả nước. Sau những thăng trầm đó, thầy đã chân tình: “Tôi dành tặng công trình nghiên cứu này cho tất cả những ai đam mê Cabri”.
Lê Quang Huy