Thứ hai, 30/1/2023, 14h13

Bài toán tái chế mẫu máy bay lớn nhất thế giới

Từng được coi là tương lai của ngành hàng không song hiện tại mẫu máy bay lớn nhất thế giới Airbus A380 đang chờ ngày trở thành phế liệu.
Airbus A380 - mẫu máy bay lớn nhất thế giới đang bị loại bỏ và tái chế.
Bắt đầu lăn bánh trên đường băng vào năm 2005, Airbus A380 được nhiều hành khách yêu thích bởi sự tiện nghi rộng lớn cùng tốc độ bay cao. Tuy nhiên, cuối năm 2021, sau khi chiếc máy bay khổng lồ thứ 251 được sản xuất, A380 đã chính thức bị khai tử.
Nhiều hãng hàng không nhận định, nhược điểm lớn nhất của mẫu máy bay khổng lồ nhà Airbus đó là nó cần tới 4 động cơ, dẫn đến việc hao phí nhiên liệu và giá thành quá cao. Chính vì vậy chỉ sau vài năm hoạt động, A380 nhanh chóng bị các máy bay phản lực 2 động cơ vượt qua.
Mặc dù vẫn tồn tại trong bối cảnh du lịch phát triển sau đại dịch nhưng một số chiếc A380 đã bị loại bỏ. Kích thước khổng lồ của chúng là nguyên nhân hàng đầu khiến thời gian tái chế kéo dài gấp nhiều lần so với những phương tiện thông thường.
Song hành với kích thước to lớn, A380 sở hữu những nhược điểm tiêu tốn nhiều chi phí.
Geoff Van Klaveren, nhà phân tích hàng không tại công ty tư vấn IBA nhận định: “A380 chắc chắn là một trong những máy bay có vòng đời ngắn nhất được tái chế. Thông thường, một chiếc máy bay thương mại có thể hoạt động trong 25 năm trước khi bị loại bỏ”.
Theo Lionel Roques, giám đốc bán hàng tại Công ty tái chế và bảo trì máy bay Tarmac Aerosave, bước đầu tiên để tái chế Airbus A380 là lấy ra một số bộ phận và sử dụng chúng trên những chiếc chuyên cơ khác. “Chúng bao gồm động cơ, thiết bị hạ cánh và một số hệ thống điện tử hàng không” - Roques chia sẻ.
Quá trình tách các bộ phận của máy bay thường kéo dài một vài tuần, sau khi hoàn thành, họ chuyển sang giai đoạn tiếp theo: Quản lý chất thải.
Roques thông tin: “Ở giai đoạn này, chúng tôi sẽ phân tách tất cả các loại vật liệu khác nhau từ nhôm, titan đến đồng. Từ đó đảm bảo rằng những vật dụng có thể tái sử dụng sẽ tiếp tục tồn tại”.
Quá trình tái chế A380 mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn những phương tiện thông thường.
Tương đương với kích thước khổng lồ, A380 chứa khoảng 120 tấn nhôm, do đó giai đoạn tái chế thứ 2 kéo dài hàng tháng và đặc biệt khó khăn. “Bởi vì A380 là chiếc máy bay lớn nên chúng tôi cần một cơ sở đủ rộng. Bên cạnh đó, những công nhân kỹ thuật cũng cần được đảm bảo môi trường làm việc an toàn để họ có thể điều chỉnh công cụ và phương pháp sao cho phù hợp” - Roques giải thích thêm.
Công ty tái chế và bảo trì máy bay Tarmac Aerosave cam kết sẽ xử lý đến con ốc cuối cùng và thu hồi hơn 90% trọng lượng của máy bay: “Chất thải còn lại chỉ nằm ở phần tối thiểu. Tất nhiên, một số vật liệu tổng hợp hoặc bộ phận nguy hiểm không thể tái chế sẽ vẫn còn, nhưng chúng ta đang nói về một tỉ lệ nhỏ, khoảng 1% đến 3% còn lại của máy bay được tiêu huỷ tại bãi rác”.
Roques chia sẻ, chi phí của việc tái chế Airbus A380 sẽ nằm trong khoảng vài trăm nghìn USD. Mức giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ số lượng bộ phận cần phải tháo khỏi máy bay đến theo yêu cầu của khách hàng.
Cuối năm ngoái, Airbus đã tiêu huỷ chiếc A380 bằng cách bán đấu giá hàng trăm bộ phận từ chiếc máy bay lớn nhất thế giới và gây quỹ từ thiện. Những người đam mê hàng không đều có cơ hội mua hầu hết mọi bộ phận từ những món đồ nhỏ như chốt cửa, dây an toàn đến bộ hàng ghế, cầu thang và các bộ phận của động cơ.
Quầy bar của A380 từng được bán đấu giá 50.000 USD.
Tuy nhiên, bộ phận đáng mơ ước nhất trong chiếc A380 là quầy bar cao hơn 2 mét trị giá khoảng 50.000 USD nằm trong khoang thương gia. Sở dĩ quầy bar trở nên đắt đỏ bởi nó là một trong những biểu tượng của chiếc máy bay lớn nhất mọi thời đại.
Roques cho rằng, trong tương lai có lẽ con người sẽ không bao giờ nhìn thấy chiếc máy bay lớn giống như Airbus A380. “Đó là một chiếc máy bay độc nhất vô nhị và tuổi thọ của nó đã được kéo dài hết mức có thể, đến hiện tại tôi không tìm được phương tiện nào có thể thay thế A380” - Roques nói.
PV (theo laodong)