Thứ hai, 20/11/2023, 12h32

Các thầy, cô đã mang hết tâm sức, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”

Dù trong hoàn cảnh nào, các nhà giáo vẫn luôn giữ trọng đạo nghề, dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp “trồng người” và kiến tạo nên các giá trị cao đẹp cho xã hội, cho cuộc sống.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận định điều này trong lễ tuyên dương, trao bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức.

Nghề giáo cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm

Bộ trưởng gửi lời chúc mừng tới tất cả các thầy, cô giáo nhân dịp ngày lễ trọng đại của ngành: Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11. Đặc biệt, Bộ trưởng chúc mừng 200 nhà giáo được tuyên dương và trao bằng khen nhà giáo tiêu biểu năm nay.

Theo Bộ trưởng, mỗi nhà giáo được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu, được lựa chọn trong hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước. Đây là các thầy, cô giáo ở những miền xa xôi của Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy; có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành giáo dục. Đặc biệt, nhiều nhà giáo đã vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong đó, nhiều thầy, cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; đã dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho học sinh thân yêu.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tặng bằng khen cho nhà giáo tiêu biểu năm nay

“Các thầy, cô đã mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao cả. Dù trong hoàn cảnh nào, các nhà giáo vẫn luôn giữ trọng đạo nghề, dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp “trồng người” và kiến tạo nên các giá trị cao đẹp cho xã hội, cho cuộc sống. Ngành giáo dục luôn trân trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những đóng góp của các thầy, cô giáo cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà” - Bộ trưởng ghi nhận.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, chúng ta luôn tâm niệm nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm, trước hết nhà giáo cần làm thật tốt công việc của mình; từ đó có tinh thần và ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp.

Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức với nhà giáo

Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục đang triển khai công cuộc đổi mới giáo dục - đào tạo một cách căn bản, toàn diện xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ mầm non tới ĐH. Trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, mà cụ thể là triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần đảm bảo nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định.

Bộ GD-ĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của giáo dục - đào tạo. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng lẫn về chất.

Bộ trưởng nhìn nhận, đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nhà giáo. Nhìn theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, đổi mới sáng tạo, trang bị và tích lũy kiến thức, kỹ năng mới tiến bộ hơn; triển khai thành công công việc dạy học, trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò.

“Trong quá trình ấy, thách thức và cũng là cơ hội lớn nhất chính là đổi mới bản thân, vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Bởi thế, sự đổi mới của các thầy, cô đạt được đến đâu thì sự đổi mới của ngành giáo dục đạt được đến đó” - Bộ trưởng khẳng định.

Người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ thêm, đổi mới là một quá trình, từ chính sách đến thực tiễn luôn còn một khoảng cách. Bộ GD-ĐT với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước ban hành chính sách sẽ lắng nghe các thầy cô để tiếp tục điều chỉnh.

Mê Tâm