Thứ sáu, 2/6/2023, 14h50

Cẩn thận chiêu lừa tuyển dụng tinh vi khiến nạn nhân mất hơn 240 triệu đồng

Ngày càng có nhiều chiêu lừa dưới vỏ bọc tuyển dụng việc làm xuất hiện và khiến không ít người "sập bẫy".

Cụ thể, nạn nhân thường nhận được lời mời làm việc giả thông qua các phần mềm chat như WhatsApp, yêu cầu họ hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ để kiếm tiền. Ban đầu họ vẫn được một số tiền nhỏ đúng như lời hứa, nhưng về sau họ buộc phải nạp tiền để lấy được tiền lãi, và đây chính là lúc họ "cắn câu". Một chàng trai ở Mumbai (Ấn Độ) đã bị lừa và mất trắng hơn 800.000 Rupees (hơn 222 triệu đồng). Chàng trai đã trình báo vụ việc với cảnh sát và cảnh sát bắt đầu vào cuộc.

Cẩn thận chiêu lừa tuyển dụng tinh vi khiến nạn nhân mất hơn 240 triệu đồng - Ảnh 1.

Một "công ty ma" mạo danh tuyển dụng để lừa tiền sinh viên bị phản ánh mới đây. XUÂN PHƯƠNG

Chàng trai cho biết có một người phụ nữ lạ mặt đã tiếp cận anh vào đầu tháng 5.2023 và mời làm việc cho một công ty quảng cáo. Đầu việc cực kỳ dễ dàng, đó là nhấn thích các video trên YouTube để đổi lấy một số tiền hứa hẹn mỗi ngày.

Nhằm thuyết phục nạn nhân, sau khi anh thực hiện một số thao tác, người phụ nữ kia thực sự chuyển cho anh một khoản tiền nhỏ vào ngân hàng. Chiếm được lòng tin rồi, người phụ nữ mời anh vào các nhóm Telegram khác, và bảo rằng sau này tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ảo trên Telegram.

Chàng trai đã kiếm được tiền nên tin tưởng và cứ thế tiếp tục công việc mà không cảnh giác. Tài khoản của chàng trai được thêm vào các nhóm có tên "nhiệm vụ VIP". Lúc này chàng trai được yêu cầu phải trả một số tiền nhất định để nhận tiền lãi lớn hơn, và khi nạp tiền rồi mới được nhận nhiệm vụ mới. 

"Vì đã lỡ làm rất nhiều công việc và không muốn bỏ dở giữa chừng nên tôi chấp nhận trả một khoản tiền. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, kẻ lừa đảo tiếp tục dùng lời lẽ ngon ngọt để thuyết phục tôi nạp thêm. Chỉ đến khi mất tổng cộng là 859.000 Rupees (hơn 240 triệu đồng) thì tôi mới biết mình đã bị lừa", chàng trai kể.

Trường hợp này không ngoại lệ vì đây không phải là vụ việc duy nhất được báo cáo trong thời gian gần đây. Các kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận với nạn nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội thông thường và "giăng bẫy". Nhưng ngay cả khi sử dụng những nền tảng tìm việc uy tín như LinkedIn, ứng viên xin việc vẫn có nguy cơ gặp kẻ lừa đảo.

Theo tờ FlexJobs, mỗi người trẻ khi đi tìm việc làm cần cảnh giác và hãy hoài nghi liên tục. Tờ FlexJobs cho những lời khuyên: Ngay lập tức cảnh giác nếu cảm thấy có gì không ổn hoặc không thoải mái (ví dụ: nhà tuyển dụng quá áp đặt hoặc đòi hỏi quá cao, hoặc không giải thích rõ ràng công việc). Có thể tinh ý để nhanh chóng nận diện dấu hiệu lừa đảo như kẻ lạ ở đầu dây bên kia có thể có những yêu cầu vô lý, như đòi cung cấp thông tin tài chính cá nhân, số nhà ngay từ đầu quá trình phỏng vấn. Hoặc họ sẵn sàng trả thật nhiều tiền cho một đầu việc đơn giản.

Ngoài ra, cũng nên chú ý đến tin tuyển dụng, kiểm tra xem có lỗi chính tả và nhiều sai phạm ngữ pháp không, địa chỉ email là cá nhân hay địa chỉ thực của công ty.

Hơn nữa, rất nhiều tin báo tuyển dụng đều khá mơ hồ, hoặc nếu có để tên công ty thì cũng không thể tìm được trên Google. Vì vậy hãy thử tìm kiếm và kết nối với nhân sự làm việc ở công ty đó để chắc chắn công ty sắp ứng tuyển không phải là "công ty ma".

Theo Ni Ni/TNO