Thứ bảy, 2/12/2023, 10h58

Cần Thơ: Tăng cường chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo

Ngày 1-12-2013, Sở GD-ĐT  tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ”. Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ và đại diện sở GD-ĐT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ  tham dự.


Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại hội thảo

Ông Huỳnh Thanh Lộc  - Trưởng phòng giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết, năm học 2023-2024, Cần Thơ có 467 cơ sở giáo dục. Trong đó 100% bậc mầm non và trung học có giáo viên tin học phụ trách giảng dạy môn tin học, bậc tiểu học là 87%. 100% lực lượng giáo viên, nhân viên có khả năng sử dụng các phần mềm phục vụ giảng dạy, quản lý, đánh giá học sinh (HS). 100% cơ sở giáo dục (CSGD)  có ít nhất 1 đường truyền internet băng thông rộng, đa số được trang bị từ 2 đường truyền internet trở lên (nhà cung cấp: Viettel, VNPT, Mobiphone). Sở GD - ĐT đã xây dựng được Trung tâm điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của ngành giáo dục. 100% CSGD, cơ quan quản lý giáo dục  sử dụng thanh toán điện tử.


Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số (CĐS) trong ngành GD-ĐT Cần Thơ còn những hạn chế như hệ thống đường truyền internet chưa ổn định; tính đồng bộ của hệ thống đôi lúc chưa  bảo đảm. Số phòng học được trang bị thiết bị thông minh còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và thực hiện kế hoạch CĐS, giáo dục thông minh; việc ứng dụng các phần mềm trong dạy học, quản lý nhà trường của một số cán bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị chưa hiệu quả… Dữ liệu thường được lưu trữ phân tán, chủ yếu trên các thiết bị thông dụng như ổ cứng, USB, đĩa CD-DVD, chưa có tài khoản lưu trữ dữ liệu điện tử, thiết bị lưu trữ dung lượng thấp, tính cơ động thấp… Chưa xây dựng được hạ tầng số đồng bộ ở tất cả các cơ sở giáo dục (CSGD); việc đầu tư hạ tầng, nền tảng số ở các cơ sở chủ yếu tự phát, trang bị theo nhu cầu sử dụng của đơn vị, chưa có quy chuẩn chung.


Ông Trần Huỳnh Tuấn - Giám đốc kinh doanh dự án giáo dụcTổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, giới thiệu phần mềm “Trục tích hợp dữ liệu ngành giáo dục và học bạ điện tử” 

Để thúc đẩy nhanh quá trình CĐS trong lĩnh vực GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện yêu cầu ngành GD-ĐT thành phố và các CSGD cần chủ động xây dựng lộ trình, phương án; đa dạng các nguồn kinh phí nhằm trang bị các phương tiện, thiết bị ứng dụng được công nghệ thông tin (CNTT) vào các phòng học. Qua đó giúp HS có môi trường học tập hiện đại, sáng tạo; hỗ trợ GV trong quá trình giảng dạy; tổ chức hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn. Xây dựng hệ thống thư viện điện tử của các trường trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển quy hoạch tổng thể của TP trong giai đoạn mới. Giúp cán bộ quản lý giáo dục, GV, HS nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT;  kỹ năng tìm kiếm dữ liệu, tài nguyên trên internet, kỹ năng làm việc theo nhóm,...


TS. Nguyễn Phúc Tăng - Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ,  nêu một số nhiệm vụ để ngành GD đẩy mạnh thực hiện CĐS

Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng: Hội thảo chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp, phát huy những thành tựu đã đạt được, từng bước thực hiện thắng lợi kế hoạch CĐS của ngành GD-ĐT thành phố.

Trong khuôn khổ hội thảo, các  đại biểu cùng các doanh nghiệp công nghệ,  tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, những ứng dụng hay; những nền tảng tiêu biểu có thể áp dụng, cũng như đề xuất phương pháp, chương trình để triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CĐS. Các đơn vị công nghệ cũng giới thiệu các ứng dụng, phần mềm,  giải pháp công nghệ liên quan đến lĩnh vực giáo dục thông minh  như: Mô hình phòng học thông minh và thư viện điện tử; giới thiệu nền tảng và các giải pháp CĐS cũng như ứng dụng phần mềm trong CĐS cho GD-ĐT, hệ sinh thái giáo dục thông minh VnEdu 4… Trong đó Công ty cổ phần Đa Minh cung cấp  các giải pháp về màn hình hiển thị thương hiệu Viewtouch và các nền tảng giáo dục MegaSchool (nền tảng dạy học trực tuyến) giúp người học phương tiện để học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel  chi nhánh Cần Thơ giới thiệu phần  mềm “Trục tích hợp dữ liệu ngành giáo dục và học bạ điện tử”. Theo đó ngành GD-ĐT có hàng ngàn dữ liệu được quản lý. Việc chia sẻ dữ liệu  đến các đối tượng rất quan trọng; phải vừa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị, người dân, cơ quan nhà nước; vừa đảm bảo an ninh thông tin dữ liệu. Trục dữ liệu giúp quản lý đối tượng được chia sẻ dữ liệu; quản lý dữ liệu nào được chia sẻ; giám sát việc liên thông dữ liệu có đúng theo theo tần suất được yêu cầu. Đặc điểm giải pháp tích hợp của trục gồm: Mô hình đáp ứng tiêu chuẩn CV631 về trục dữ liệu. Tích hợp với mọi nền tảng công nghệ. Chuẩn hóa các kết nối dữ liệu. Quản lý đến từng kết nối. Khả năng chia sẻ dữ liệu linh hoạt và tích hợp ứng dụng đơn giản…


Lãnh đạo TP.Cần Thơ cùng ban tổ chức tại hội thảo

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ,  đề nghị các phòng GD-ĐT, các CSGD tiếp phối hợp  với các sở, ban, ngành,  đoàn thể, các tổ chức xã hội, các nhà cung ứng giải pháp công nghệ trong  triển khai thực hiện kế hoạch CĐS, với  một số nhiệm vụ như: Xây dựng phòng học thông minh, phòng học đa phương tiện phục vụ công tác giảng dạy, học tập; tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến. Triển khai hệ thống quản lý tổng thể (ERP), các ứng dụng trên di động phục vụ các đối tượng tại các CSGD và cha mẹ HS. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT bảo đảm sạch, sống.  Tiếp tục khai thác, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin giáo dục giữa các cơ quan quản lý GD của địa phương với các CSGD, với Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đó, khai thác sử dụng hệ sinh thái giáo dục xung quanh cơ sở dữ liệu dùng chung.

Đan Phượng