Thứ tư, 29/5/2024, 13h41

Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành chỉ thị về công tác tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại TP.HCM

Ngày 29-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ban hành chỉ thị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024-2025 trên địa bàn TP.HCM.


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ban hành chỉ thị về công tác tổ chức các kỳ thi năm học 2024-2025 tại TP.HCM

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí từ ngân sách; bố trí nhân lực đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu, các hoạt động phục vụ công tác thi; đảm bảo an toàn tuyệt đối, thực hiện đầy đủ các quy định, biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các kỳ thi; thực hiện công tác thi và công tác tuyển sinh đúng quy chế thi, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, kế hoạch tuyển sinh của UBND TP.HCM.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác tuyển sinh; thống nhất một hệ thống tuyển sinh trên toàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đăng ký nhập học cho trẻ, quy trình công khai, minh bạch, đơn giản, rõ ràng.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các kỳ thi cho toàn ngành; chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương; thực hiện nghiêm công tác ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt tốt nghiệp và cấp phát văn bằng theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.

Chỉ đạo các trường, các điểm thi chuẩn bị tốt cho học sinh về kỹ năng làm bài thi và tâm lý trước, trong và sau kỳ thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thông báo công khai, đầy đủ, rõ ràng các quy định về kỳ thi (thời gian thi, môn thi, nội quy, quy chế thi...) và các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên và học sinh biết để thực hiện. Đảm bảo nhân sự cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia đầy đủ các nhiệm vụ theo phân công.

Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy nổ, phải tính toán đến phương án dự phòng đảm bảo cho mọi tình huống phát sinh.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để tổ chức kỳ thi. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức kỳ thi đảm bảo đúng quy định, chính xác, an toàn. Phối hợp với Công an Thành phố và các cơ quan liên quan phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.

Chủ động làm tốt công tác truyền thông. Trên cơ sở công bố kết quả của Bộ GD-ĐT, chủ động phân tích dữ liệu, đối chiếu với kết quả học tập của học sinh để báo cáo, đánh giá chất lượng dạy và học của các nhà trường trên địa bàn thành phố.

Căn cứ kết quả tuyển sinh thực tế vào lớp 10 tại các trường THPT, chủ động xây dựng phương án tuyển sinh bổ sung phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu thực tế của từng trường, đảm bảo quyền lợi của học sinh được học tại các trường công lập trên địa bàn.

Tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành xây dựng các cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định pháp luật cho 2 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THCS-THPT Trần Đại Nghĩa để tham mưu UBND TP, trên cơ sở đảm bảo tiếp tục giữ vững các thành tích đã đạt được trước đây, đảm bảo nguồn học sinh giỏi chất lượng cao cho thành phố.

Giám sát việc tổ chức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tại quận, huyện, TP.Thủ Đức; kịp thời hướng dẫn về chuyên môn, báo cáo và tham mưu Ban Chỉ đạo Thành phố xử lí đúng quy định những nội dung chưa phù hợp.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Y tế chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng phối hợp với các Điểm thi, tạo điều kiện ưu tiên cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cho học sinh; chứng nhận bệnh, thương tích chính xác và nhanh chóng khi có những bất trắc xảy ra trong quá trình thi.

Chỉ đạo lực lượng y tế địa phương phối hợp, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh tại các điểm thi, điểm in sao đề thi, điểm chấm thi.

Xây dựng các phương án đảm bảo an toàn, sức khỏe cho tất cả học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia. Xử lý kịp thời khi có các tình huống phát sinh.

Giao Sở An toàn thực phẩm phối hợp ngành GD-ĐT đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại điểm in sao đề thi, điểm coi thi, chấm thi trong suốt thời gian tổ chức thi và tuyển sinh diễn ra.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng rong phục vụ thí sinh tại các điểm thi và khu vực xung quanh điểm thi.

Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị cần thiết để giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm xảy ra (nếu có) để đảm bảo an toàn thực phẩm trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi.

Giao Công an Thành phố phối hợp bảo đảm tính bảo mật, an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi.

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông có kế hoạch trực chốt và phối hợp với các lực lượng của Sở Giao thông vận tải, Lực lượng thanh niên xung phong thành phố giải tỏa nhanh các khu vực kẹt xe trong các ngày diễn ra kỳ thi, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh đến trường đúng giờ quy định.

Chỉ đạo lực lượng phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có kế hoạch kiểm tra an toàn cháy nổ tại các hội đồng thi; bố trí trực 24/24 trên các địa bàn có điểm thi để kịp thời giải quyết khi có sự cố xảy ra; bố trí lực lượng hỗ trợ công tác an ninh trật tự trước cổng các điểm thi. Xây dựng các phương án, kịp thời xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra.

Nắm và phối hợp xử lí sự cố (nếu có) thông tin liên quan đến các kỳ thi, công tác tuyển sinh đầu cấp tại thành phố trên không gian mạng.

Chỉ thị cũng giao trách nhiệm cho các sở, ban ngành khác, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cùng phối hợp thực hiện tốt nhất các kỳ thi trên địa bàn thành phố.

Yến Hoa