Thứ tư, 22/3/2023, 13h32

Dạy đọc hiểu kịch bản văn học

Chương trình ng văn 2018 ch trương dy cách đc kch bn văn hc cho hc sinh ngay t cui bc tiu hc (lp 4, lp 5) và THCS (lp 8, lp 9) cho đến 3 lp bc THPT.


Cô Nguyn Th Hương Thy (giáo viên Trưng THPT Chu Văn An, TP.Hà Ni) trong gi dy văn bn “Th Mu lên chùa” - sách Ng văn 10 b Cánh diu

Theo đó, yêu cầu cơ bản như sau: Việc nhận biết và phân tích nội dung cũng như các yếu tố hình thức văn bản được nêu từ dễ đến khó; từ đơn giản đến phức tạp... Chẳng hạn, với lớp 4: “Nhận biết được lời thoại trong văn bản kịch”; lớp 5: “Nêu những điều học được từ màn kịch”. Nhưng với lớp 8 và lớp 9 trở đi cần: “Nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc; tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thông qua một số yếu tố như xung đột, hành động, nhân vật, lời thoại, thủ pháp trào phúng...”. Lớp 10: “Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của văn bản chèo hoặc tuồng như đề tài, tính vô danh, tích truyện, nhân vật, lời thoại, phương thức lưu truyền...”. Ngoài ra, lớp 10 còn có chuyên đề tự chọn: sân khấu hóa tác phẩm văn học. Tiếp sau là lớp 11 học đọc văn bản bi kịch và lớp 12 học đọc văn bản hài kịch với những yêu cầu cao hơn. Khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu kịch bản văn học, giáo viên cần chú ý:

Thứ nhất, cần phân biệt và giúp học sinh nhận biết hình thức của một kịch bản văn học khác với hình thức trình bày của các loại văn bản khác (thơ, truyện, ký, văn bản nghị luận…). Hình thức kịch bản văn học thường nêu theo chương, hồi, cảnh… với những chỉ dẫn sân khấu (phần tác giả kịch bản ghi các chỉ dẫn về bối cảnh, đạo cụ, nhân vật, hành động, lời đế trong các vở chèo, tuồng…) và phần chính nêu tên các nhân vật (thường viết in hoa) kèm lời thoại (đối thoại, độc thoại, bàng thoại)...

Thứ hai, cần giúp học sinh hiểu đọc kịch bản văn học không phải là học toàn bộ về kịch; cũng không phải là xem biểu diễn kịch trên sân khấu, mà chỉ là đọc hiểu một văn bản trên giấy. Nghĩa là học sinh cũng phải tuân thủ các yêu cầu chung của việc đọc hiểu một văn bản. Dù văn bản kịch có những điểm khác trong hình thức trình bày nhưng vẫn là một văn bản viết; do đó giáo viên và học sinh đều phải tiếp xúc với văn bản, dựa vào câu chữ và hình thức của văn bản để đọc ra các thông điệp nội dung trong đó.

Thứ ba, hướng dẫn học sinh đọc hiểu một văn bản kịch, giáo viên cũng cần tuân thủ quy trình dạy đọc hiểu văn bản, với các bước cụ thể: khởi động, tìm hiểu chung, đọc hiểu văn bản và tổng kết. Trong bước đọc hiểu văn bản có kết hợp luyện tập, vận dụng. Không biến giờ dạy đọc hiểu kịch bản văn học thành toàn bộ giờ sân khấu hóa, chỉ có thể sử dụng hoạt cảnh ngắn (3-5 phút) nào đó trong bước khởi động hoặc vận dụng cuối bài để có “không khí sân khấu”, tạo hứng thú cho học sinh. Hoạt động sân khấu hóa đã có chuyên đề riêng và chỉ nên thực hiện ở các buổi ngoại khóa, chuyên đề, bài tập dự án…, không thay cho giờ đọc hiểu kịch bản văn học được.

Thứ tư, yêu cầu cơ bản của giờ dạy đọc hiểu kịch bản văn học gồm: Đầu tiên là hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nhận biết hình thức trình bày khác biệt của văn bản kịch so với các loại khác như đã nêu ở trên. Phân tích và chỉ ra ý nghĩa và tác dụng của các yếu tố hình thức đó. Ví dụ những “tiếng đế” trong kịch bản chèo (Thị Mầu lên chùa) là tiếng của người xem chèo đáp lại lời nhân vật; đối thoại với nhân vật… Những tiếng đế ấy vừa thể hiện thái độ của nhân dân lao động, vừa giúp nhân vật giới thiệu, bộc lộ mình là ai, vừa như kéo người xem nhập cuộc chơi, tham gia trực tiếp vào câu chuyện, vào chiếu chèo… Người xem và người diễn cùng trong cuộc, cộng cảm, đồng cảm, không phân biệt rạch ròi sân khấu và cuộc đời thực nữa. Tương tự các chỉ dẫn sân khấu giúp người đọc hình dung ra bối cảnh xảy ra câu chuyện, tưởng tượng ra nhân vật rõ nét hơn (trang phục, hành động và các yếu tố phi ngôn ngữ…). Ngôn ngữ nhân vật là yếu tố trọng tâm của kịch bản văn học cần hướng dẫn học sinh khai thác lời thoại để làm rõ phẩm chất, tính cách nhân vật. Nhận biết và chỉ ra được tác dụng của mỗi loại lời thoại (đối thoại, độc thoại và bàng thoại). Tiếp theo là hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung kịch bản văn học từ đề tài, cốt truyện, nhân vật, đặc điểm thể loại và các yếu tố hình thức. Với những văn bản kịch ra đời từ xa xưa (tuồng, chèo, hài kịch hoặc bi kịch cổ điển….) cần vận dụng bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để hiểu thêm nội dung. Cần chú ý khai thác cả hai phương diện: nội dung gắn với bối cảnh lịch sử khi tác phẩm ra đời, và nội dung ấy đặt trong bối cảnh thời hiện đại; tìm ra sự kết nối xưa và nay. Chèo “Quan âm Thị Kính” là một ví dụ: Trước hết, nhìn nhận, đánh giá các nhân vật Thị Mầu, Thị Kính trong những bối cảnh văn hóa và thời đại khác nhau sẽ thấy sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Ở đây giáo viên cần cho học sinh trao đổi, thảo luận để nhận xét về nhân vật và các vấn đề xã hội, văn hóa, triết lý nhân sinh đặt ra trong tác phẩm. Chẳng hạn, nên nhìn nhận thế nào về nhân vật Thị Mầu. Trong tâm thức nhiều người xem xưa nay, Thị Mầu luôn để lại ấn tượng xấu, là biểu tượng của sự lẳng lơ, dơ dáng; là đáng trách, đáng phê phán… Nhưng một cách nhìn khác, Thị Mầu là biểu tượng của sự “nổi loạn”, dám phá vỡ những “khuôn vàng thước ngọc”, dám bất chấp, tung hê tất cả chuẩn mực của xã hội phong kiến để sống theo bản năng tự nhiên khỏe khoắn, mạnh mẽ của mình; để lớn tiếng “tuyên bố” quyền được sống, quyền được yêu bằng cả tâm hồn lẫn thể xác… Có phải vì thế mà nhân vật Thị Mầu vẫn hấp dẫn, lôi cuốn, được nhiều người đồng tình yêu mến, say mê như nhà thơ Anh Ngọc từng viết: “Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo/ Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng/ Người trung thực đến không cần giấu giếm/ Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa/… Người đi qua nghiêng ngả những trận cười/ Chấp tất cả lời ong ve mai mỉa/ Người chịu hết mọi thói đời độc địa/ Chiếc quạt màu khép mở vẫn ung dung/ Người sống trong hơi thở của nhân dân/ Mấy trăm năm ai để thương để giận/ Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn/ Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời/ Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người/ Được sống đúng với lòng mình thực chất/ Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức/ Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Mầu”. Cũng trong giờ học này, giáo viên có thể nêu vấn đề cho học sinh bàn luận, chẳng hạn: Từ văn bản “Thị Mầu lên chùa”, em có ý kiến gì về lời “Tâm sự với Thị Kính” qua đoạn thơ sau: “Thời chúng tôi chẳng có chị đâu/ Sự nhẫn nhịn đến thành Tiên hóa Phật/ Nỗi oan ức chất chồng, chồng chất/ Vẫn bình yên gõ mõ, áo sồng nâu/ Thời chúng tôi chỉ có những Thị Mầu/ Và những cô gái táo tợn nhiều hơn thế/ Chẳng phải đợi táo sân đình rụng nữa/ Họ tự giành trên cây mặc máu tứa gai cào/ Ông bà xem chèo thương nhiều cho Thị Kính/ Còn chúng tôi thấy tức bởi chị hiền/ Người xưa cười Thị Mầu sàm sỡ/ Chúng tôi vui xem lơi lả mắt tình” (Kim Anh - Tâm sự với Thị Kính)*.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Nhân dịp dự giờ dạy đọc hiểu văn bản “Thị Mầu lên chùa” tại Trường THPT Chu Văn An, TP.Hà Nội