Thứ hai, 4/12/2023, 14h08

Đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày 4-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã quán triệt chuyên đề về Nghị quyết 43 (Ảnh: VGP)

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã quán triệt chuyên đề về Nghị quyết 43 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 liên quan tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 lý do quan trọng để Trung ương ban hành nghị quyết 43.

Thứ nhất, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu cơ bản, giải pháp mà nghị quyết đã đề ra. Theo Chủ tịch nước, lúc đó Đảng đánh giá bên cạnh những mặt làm được, có bốn vấn đề cần quan tâm.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa nước và nhân dân chưa được bền chặt. Tình hình lúc đó còn khó khăn, GPD bình quân đầu người chưa tối 500USD/người. Nhiều việc còn xảy ra làm cho mối quan hệ giữa Đảng với dân, dân với nhà nước, chính quyền chưa thật sự bền chặt, không giải quyết thấu đáo thì đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp hơn.

Lòng tin vào Đảng nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc, tình trạng tham nhũng, quan liêu lãng phí còn khá phổ biến, nghiêm trọng… Kỷ cương phép nước nhiều lúc nhiều nơi không nghiêm, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp. Các vụ khiến kiện đông người vẫn còn nhiều, có lúc có nơi rất gay gắt, đặc biệt liên quan đến đất đai.

Những vấn đề phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề xuyên suốt, lâu dài nên chúng ta phải tính toán nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cho vấn đề này trong tình hình mới. 

Việc tập hợp nhân dân vào mặt trận, các tổ chức đoàn thể và tổ chức xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề xuyên suốt nên phải tính toán nội dung, nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ hai, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, Trung ương đánh giá còn một số hạn chế, khuyết điểm và rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. 

Thứ ba, thực tiễn sau 20 năm thực hiện nghị quyết 23 và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thì tình hình thế giới, khu vực, trong nước đã có nhiều thay đổi. So với 20 năm trước, nhận thức về đoàn kết, đại đoàn kết có nhiều yếu tố mới, không chỉ ở Việt Nam, mà trong khu vực, thế giới cũng thấy rõ. 


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TP.HCM

“Giữa đoàn kết và chia rẽ thì đoàn kết sẽ mạnh hơn, sẽ phát triển. Không đoàn kết hay tệ hơn là chia rẽ sẽ kiềm chế sự phát triển, thậm chí kéo thụt lùi sự phát triển của một số quốc gia… Vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết hiện nay có nhiều yếu tố mới, đòi hỏi cao hơn”, Chủ tịch nước cho hay.

Chủ tịch nước cũng thông tin về kết quả của sự phát triển thực chất trong 20 năm qua, thể hiện rõ nhất ở con số phát triển về GDP bình quân đầu người. Ông cũng dẫn chứng theo Tạp chí World Economist (tạp chí Kinh tế thế giới), tính theo sức mua tương đương, GDP Việt Nam hiện nay tầm 23 thế giới. Dự kiến 2030, Việt Nam có thể xếp thứ 15. “Điều này cho thấy đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao rất nhiều”, Chủ tịch nước nhìn nhận.

Chủ tịch nước nhấn mạnh Nghị quyết 43 cũng có cách tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, với bốn quan điểm, trong đó khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đó, nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Đó còn là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Nghị quyết 43 cũng xác định mục tiêu chung của dân tộc để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời, Nghị quyết 43 nhấn mạnh quan điểm đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Muốn đại đoàn kết phải phát huy dân chủ. Đoàn kết mà không có dân chủ là đoàn kết xuôi chiều. Đoàn kết mà không lắng nghe các ý kiến khác nhau là đoàn kết “một chiều”, Chủ tịch nước  nói.

Theo Chủ tịch nước, một quan điểm nữa được Nghị quyết 43 nhấn mạnh, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Trong đó, đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.

N.Trinh