Thứ sáu, 24/3/2023, 10h19

EU tranh cãi xoay quanh quy định quản lý AI

Những tiến bộ nhanh chóng của các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) làm phức tạp thêm nỗ lực đạt đồng thuận về luật AI của các nhà lập pháp EU.
Ủy ban châu Âu đã dự thảo đề xuất các quy tắc quản lý lĩnh vực này từ gần 2 năm trước nhằm bảo vệ người dân khỏi nguy cơ từ những công nghệ mới nổi đang bùng bổ về đầu tư và phổ biến gần đây.
Nguồn tin của Reuters cho biết cuộc họp của EU vào tháng trước đã không đạt được sự đồng thuận khi các nhà lập pháp bất đồng về nhiều khía cạnh khác nhau của đạo luật.
“Tốc độ phát hành các hệ thống mới khiến việc xây dựng luật trở thành một thách thức thực sự”, Daniel Leufer, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao tại Access Now cho hay. “Đó là một mục tiêu di chuyển nhanh nhưng chúng ta cũng có các biện pháp phù hợp bất chấp tốc độ phát triển, chẳng hạn như tính minh bạch, kiểm soát chất lượng và đảm bảo quyền cơ bản công dân”.
Ông Thiery Breton, Ủy viên phụ trách Thị trường Nội khối cho biết Đạo luật AI nhằm giải quyết các nguy cơ gây ra bởi những ứng dụng mới nổi như ChatGPT và đảm bảo EU có thể tin tưởng công nghệ này.
Brando Benifei, thành viên nghị viện người Ý, là một trong hai nhà lập pháp dẫn đầu trong các cuộc đàm phán về Đạo luật AI nhận định: “việc đàm phán khá phức tạp do có nhiều uỷ ban khác nhau tham gia. Các cuộc thảo luận kéo dài khi mỗi lần phải trao đổi với khoảng 20 thành viên nghị viện”.
Theo đó các công cụ AI sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro: từ tối thiểu đến hạn chế, cao và không thể chấp nhận. Các công cụ rủi ro cao sẽ không bị cấm song những công ty phát triển phải đảm bảo minh bạch cao trong hoạt động của họ.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận không còn nhiều chỗ để giải quyết những công nghệ AI đang mở rộng mạnh mẽ như ChatGPT hay Stable Diffusion. Hầu như tất cả các gã khổng lồ công nghệ đều đã tham gia vào cuộc đua này, bao gồm Microsoft, Alphabet hay Meta.
Công nghệ lớn, vấn đề lớn
Những cuộc thảo luận gần đây của EU khiến các công ty cảm thấy lo ngại khi quy định có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ và đặt ra nguy cơ gặp bất lợi trong cạnh tranh với các đối thủ từ châu lục khác.
Phía sau hậu trường, Big Tech đẩy mạnh vận động hành lang để đảm bảo những đổi mới của họ không rơi vào danh mục rủi ro cao vốn đồng nghĩa phải tuân thủ nhiều hơn, tốn kém hơn và nhiều trách nhiệm hơn.
Một cuộc khảo sát gần đây của cơ quan công nghiệp ứng dụng AI cho thấy 51% số người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển trong lĩnh vực này sẽ chậm lại do Đạo luật AI.
Trong khi đó, để giải quyết các công cụ có ứng dụng... vô tận như ChatGPT, các nhà lập pháp dự thảo danh mục “Các hệ thống AI tổng quát” (GPAIS), chỉ ra những công cụ có thể được sử dụng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu tất cả GPAIS có bị coi là rủi ro cao hay không.
Đại diện các doanh nghiệp công nghệ đã phản đối những động thái như vậy, khẳng định hướng dẫn nội bộ đủ sức đảm bảo công nghệ được triển khai an toàn, thậm chí họ còn đề xuất Đạo luật AI nên có điều khoản chọn tham gia, đồng nghĩa các công ty có thể tự quyết định liệu có áp dụng quy định hay không.
DeepMind, hãng AI thuộc sở hữu Google, hiện đang thử nghiệm chatbot AI Sparrow cho rằng quy định với các hệ thống đa mục đích rất phức tạp.
“Việc tạo ra khuôn khổ quản lý xung quanh GPAIS phải là một quá trình toàn diện, tất cả cộng đồng và xã hội bị ảnh hưởng đều phải tham gia”, Alexandra Belias, người đứng đầu bộ phận chính sách công quốc tế của DeepMind nói. “Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể đảm bảo khuôn khổ quản lý rủi ro được tạo hôm nay vẫn phù hợp vào ngày mai hay không?”.
Daniel Elk, Giám đốc điều hành nền tảng phát trực tuyến âm nhạc Spotify, công ty vừa ra mắt “DJ AI”, nhận định công nghệ này có thể là “con dao hai lưỡi”.
“Có nhiều điều chúng ta phải tính đến. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý để đảm bảo công nghệ này mang lại lợi ích nhiều nhất và an toàn nhất có thể”, CEO Spotify nói.
Đáp lại, các thành viên nghị viện cho biết Đạo luật sẽ được đánh giá thường xuyên, cho phép cập nhật khi nhiều vấn đề mới về AI nảy sinh. Nhưng trước cuộc bầu cử ở châu Âu sắp diễn ra trong năm sau, họ đang chịu áp lực phải có “sản phẩm” ngay từ bây giờ.
Thế Vinh (theo vietnamnet)