Thứ ba, 30/1/2024, 16h50

Hạnh phúc là bản chất của một nhà trường

Trong năm hc này B GD-ĐT có ch trương xây dng nhà trưng hnh phúc, S GD-ĐT TP.HCM đ ra tiêu chí nhà trưng hnh phúc đ các cơ s giáo dc (GD) phn đu thc hin. Như vy, s không hnh phúc phi chăng đang tr thành vn đ ca nhà trưng chúng ta hin nay!


Trưng hc hnh phúc là thy ra thy, trò ra trò (Trong nh: Cô và trò Trưng THPT Ngô Quyn, TP.HCM)

Mỗi học sinh đi học, các em có điều kiện đến trường là hạnh phúc; mỗi thầy cô giáo có lớp, có trường, có học sinh để dạy, để thực hiện thiên chức của mình là hạnh phúc; mỗi phụ huynh có điều kiện cho con em đến trường là hạnh phúc; mỗi cộng đồng dân cư có trường lớp cho trẻ em học tập là hạnh phúc; mỗi cấp chính quyền đầu tư mở được trường lớp cho con em nhân dân không bị thất học là hạnh phúc… Nhà trường từ đó là nơi hội tụ những niềm hạnh phúc của mọi thành viên đúc kết lại trở thành bản chất thiêng liêng, cao cả của sự nghiệp trồng người, đào tạo cho xã hội những thế hệ học sinh tinh anh, phát triển nguồn nhân lực dồi dào, giàu sức sống.

Bản chất của nhà trường là hạnh phúc. Những hành vi phi hạnh phúc, theo tôi, nó không xuất phát từ nhà trường nếu chúng ta thực hiện đầy đủ tính chất của từng thành viên nhà trường theo phương châm: “Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò” như nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhắc nhở.

1.Ngày xưa lúc còn khó khăn, “Trường ra trường” là nội dung đề cập chủ yếu đến cơ sở vật chất. Ngày nay cơ sở vật chất trường lớp được cải thiện hơn nhiều, vấn đề còn lại là quản lý nhà trường cần phải được quan tâm đặc biệt. Nói đến nhà trường là nói đến môi trường mô phạm, ở đó được quản lý chặt chẽ an toàn hơn nơi nào hết, từng động thái của thầy, trò, hệ thống quản lý nhà trường đều được ghi nhận một cách sâu sát và kịp thời.

Hệ thống quản lý bao gồm bộ máy nhân sự được phân công phụ trách rõ ràng đều khắp, có chế độ giao ban định kỳ chất lượng, không những nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề xảy ra mà còn xây dựng lực lượng mỗi ngày một hoàn hảo hơn và dự đoán, phòng ngừa được những tình huống bất trắc xảy ra. Việc phụ huynh vào trường hành hung cô giáo hay việc tất cả học sinh trong lớp phản ứng, tẩy chay cô giáo khó có thể xảy ra với một nhà trường được quản lý như vậy.

Giao ban là một loại công cụ quản lý, nơi cung cấp thông tin và xử lý thông tin kịp thời, hiệu quả và sống động. Nếu người quản lý biết sử dụng công cụ quản lý này sẽ không bỏ sót một tình huống cần xử lý nào từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Giao ban này sẽ giúp quản lý nắm chắc tình hình nhà trường và nắm chắc cộng sự của mình về năng lực nhận thức, năng lực xử lý công việc, năng lực quan sát, năng lực nhận xét, tổng hợp, đánh giá và diễn đạt. Tùy theo đặc điểm tình hình đơn vị, giao ban quản lý có thể được tổ chức định kỳ theo quý, theo tháng hay theo tuần và có cả theo ngày nếu đơn vị mới thành lập, hoạt động thực tế chưa có nề nếp.

2.“Thầy ra thầy” là nội dung đề cập đến thầy cô giáo - nhân vật trung tâm của hệ thống GD nhà trường. Nhà trường chúng ta đã có khá nhiều khẩu hiệu nêu cao vai trò trách nhiệm của thầy cô giáo như “Tình thương và Trách nhiệm”, “Làm gương cho học sinh noi theo”… Tuy nhiên những hoạt động cá thể tác động đến chuyên môn của từng thầy cô giáo chưa được quan tâm đến nơi đến chốn, điều kiện làm việc, hệ thống chế độ chính sách giáo viên chưa được giải quyết kịp thời để thúc đẩy quá trình học tập rèn luyện của nhà giáo.

Ngày xưa người ta hay nói, phải học tập rèn luyện công phu và có tố chất phù hợp mới được làm thầy, ý nói không phải ai cũng có thể làm thầy dạy học được.

Quá trình đào tạo thầy cô giáo ngày nay đã được thiết lập hoàn chỉnh từ đào tạo sư phạm đến tuyển dụng và đặc biệt là bồi dưỡng thường xuyên trong quá trình thực thi nhiệm vụ trước học sinh. Những khó khăn, vướng mắc của từng thầy cô giáo luôn được tổ/ nhóm chuyên môn và đồng nghiệp trong trường theo dõi hướng dẫn, giúp đỡ. Đồng nghiệp ở đây là tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, bạn cùng dạy và giáo viên chủ nhiệm của lớp. Bỏ qua một khâu nào ở đây, người giáo viên lập tức gặp phải những khó khăn. Một cô giáo bị cả lớp tẩy chay, thật là một điều quá hi hữu.

Một người dù đã được đào tạo đầy đủ bằng cấp nhưng luôn nóng nảy, hơn thua với học sinh từng lời, ứng xử với học sinh theo kiểu tay đôi… thì làm sao trở thành nhà giáo được!

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp là rất quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm lớp nếu làm đúng chức năng của mình, giáo viên ấy sẽ lắng nghe được ý kiến chân thật của học sinh để phối hợp với đồng nghiệp, với nhà trường giải quyết kịp thời và thỏa đáng những nguyện vọng chính đáng của học sinh và của lớp; không để mâu thuẫn kéo dài tạo thành những trắc ẩn bộc phát đi đến đổ vỡ khó hàn gắn.

Ở lĩnh vực này, một số trường hợp lệch chuẩn đang bị công luận phê phán là tình huống cá biệt, số đông còn lại là những nhà giáo chân chính không những thực hiện tốt nhiệm vụ chức năng của mình mà các thầy cô đã không ngừng sáng tạo cải tiến phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận vấn đề giúp học sinh học tập nhẹ nhàng, hiệu quả, tiến bộ.

Những tấm gương nhà giáo tiêu biểu ngày nay là thầy cô giáo biết quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý học sinh trong quá trình dạy học; biết động viên, hướng dẫn thúc đẩy tạo niềm vui và lòng đam mê học tập, khám phá cho học sinh; không áp đặt với những hình thức kỷ luật hành chính khô cứng làm học sinh nhàm chán khi đến trường, đến lớp, thậm chí đối phó hay thiếu trung thực trong quá trình học tập rèn luyện của mình.

3.“Trò ra trò”, đây là vấn đề đang được quan tâm, chú ý nhiều nhất trong công cuộc đổi mới GD của nhà trường hiện nay. Chúng ta phải phân biệt cho được giữa việc tôn trọng học sinh, lấy học sinh làm trung tâm của quá trình dạy học với việc tự do, vô tổ chức, mất trật tự và vô lễ với thầy, cô của học sinh. Kinh nghiệm của những giáo viên tài năng đã chỉ ra rằng, để giải quyết tốt mâu thuẫn này, trước hết phải xây dựng cho được nề nếp học đường ngay từ đầu, trên cơ sở nề nếp căn cơ ấy nhà giáo dục gần gũi, cởi mở, dân chủ sẽ phát huy tốt vai trò trung tâm học tập của học sinh.

Nề nếp học đường là nền tảng hình thành nhân cách cho học sinh, chúng ta có thể tạo điều kiện để học sinh cùng nhau xây dựng nội quy hoạt động của trường, của lớp và của bản thân; qua đó mà các em trưởng thành, sống có tổ chức, có trách nhiệm, biết đối nhân xử thế, học tập phải chuyên cần, phải chăm chỉ, phải đúng giờ, phải học bài làm bài đầy đủ, không gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng, không làm tổn thương người khác, biết tôn trọng lẽ phải, tôn trọng thầy cô, biết hợp tác với bạn bè…

Vấn đề bạo lực học đường trong học sinh gây bao nỗi lo âu cho phụ huynh và cho cộng đồng xã hội, thực chất cũng từ những vấn đề mang tính chất tâm lý của lứa tuổi và ảnh hưởng phần nào tính cách của gia đình. Nếu các nhà giáo từ quản lý nhà trường đến giáo viên chủ nhiệm phát hiện kịp thời, giải quyết tận gốc sẽ ngăn chặn được tốt, trả lại môi trường hạnh phúc cho nhà trường.

Có một đồng nghiệp nói với tôi rằng, các em nữ sinh độ tuổi lớp 7, lớp 8 thường gây gổ đánh nhau vì ghen ghét với bạn trước đây chơi thân với mình bây giờ lại thân với người khác. Một tình huống khác là học sinh lớp 10, khi từ lớp 9 các nơi về học chung trường có những xích mích nên rủ bạn cũ về gây sự để tạo thanh thế… Đây là những tình huống thường xảy ra như một quy luật, nếu nhà trường và chủ nhiệm lớp nhanh chóng tổ chức những hoạt động giao lưu gắn kết kịp thời sẽ giải quyết được những bất đồng của các em dù rất nhỏ, đôi khi chỉ vì cảm tính nông cạn nhất thời.

4.Hạnh phúc là niềm vui, là sự toại nguyện của con người trong cuộc sống. Vì thế hạnh phúc thường là lời chúc đầu năm mới cho những người thân yêu của mình. Một năm mới sắp bắt đầu, năm Giáp Thìn 2024, là nhà giáo - chúng ta càng quan tâm đến niềm hạnh phúc thiêng liêng của nhà trường; chúng ta phải phát huy tốt bản chất hạnh phúc của nhà trường trong suốt quá trình hoạt động, không chỉ cô lập, loại bỏ những điểm đen lệch chuẩn nói trên mà còn phải làm nổi bật môi trường hạnh phúc qua cách tổ chức, quản lý khoa học, hiệu quả, qua hoạt động sáng tạo của từng giờ dạy với phương pháp dạy học tân tiến, với cách giao tiếp văn minh, thân thiện với học sinh và đồng nghiệp của mình. Đó cũng chính là lời chúc mừng cho nhau của những nhà giáo thân yêu nhân dịp đón xuân về.

TS. Hunh Công Minh