Thứ tư, 21/4/2010, 10h04

Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30-4-1975/30-4-2010: Những cuộc chiến sinh tử

Bài 2: Gửi số phận mình cho cách mạng

Đại tá Hoàng Đạo

“Khi xác định làm nghề điệp báo thì coi như đã gửi số phận mình cho lý tưởng cách mạng rồi. Không ai có thể nói được gì về tương lai khi mà cuộc sống có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Những người làm nghề điệp báo luôn sống trong lòng địch, họ thường phải “đóng” nhiều vai khi làm nhiệm vụ. Vì vậy người điệp báo phải chuyên nghiệp hóa, hợp pháp hóa, quần chúng hóa và đặc biệt phải thấm nhuần lý tưởng cách mạng mới có thể hoàn thành tốt công việc”, Đại tá Hoàng Đạo, Trưởng ban Điệp báo Miền thuộc Phòng 2, Bộ tham mưu Miền thời kháng chiến chống Mỹ chia sẻ.
Điệp báo Hoàng Đạo là ai?
Đại tá Hoàng Đạo nói, ông có khoảng 10 cái tên và biệt danh khác nhau. Những cái tên như Hoàng Đạo, Tư Sắc, Nguyên Sa… gần như đã gắn với ông trong suốt quá trình hoạt động điệp báo. Còn tên thật của mình thì cách đây hơn 10 năm, ông mới chính thức bổ sung vào giấy tờ cho các con ông với tên là Võ Văn Bình.
Sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Trị, trong gia đình có bốn anh em trai, năm 1945 Võ Văn Bình tròn 18 tuổi chính thức trở thành anh lính Cụ Hồ. Những ngày đầu gia nhập quân ngũ, Bình đóng quân tại tỉnh Quảng Trị, sau đó được biên chế về lực lượng quân báo và chuyển sang vùng Hạ Lào hoạt động. Đầu năm 1953 ông Võ Văn Bình được phân công giữ chức Trưởng ban Quân báo tại vùng Hạ Lào. Do phải hoạt động bí mật nên trong thời gian ở Hạ Lào ông có bí danh Tư Sắc. Đến năm 1955, Tư Sắc được lệnh vào Sài Gòn làm Trưởng phòng 2 Điệp báo viên chiến trường - Cục 2 Quân báo (thuộc Bộ tham mưu Miền - B2).
Đại tá Hoàng Đạo kể: “Để về Sài Gòn hoạt động, trước tiên tôi đóng vai anh nông dân xin vào làm việc tại một trang trại của gia đình viên trung tá Ngụy trên Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc). Do làm việc tích cực, chỉ một thời gian ngắn tôi đã lấy được cảm tình của viên trung tá. Lúc này tôi xin ông ta cho đi Sài Gòn để học nghề và được ông giới thiệu vào học nghề sửa chữa vô tuyến điện tại Trường Công nhân kỹ thuật Sài Gòn”. Khi học nghề đã thành thạo, Đại tá Hoàng Đạo quay lại trang trại ở Buôn Mê Thuột một thời gian, nhưng thấy có dấu hiệu bị lộ nên ông đã quay trở lại Sài Gòn vào đầu năm 1959. Thời gian làm việc ở trang trại và đi học ông Hoàng Đạo vẫn dùng giấy tờ tên Tư Sắc.
Trở lại Sài Gòn hoạt động, để tránh bị phát hiện ông lại làm giấy tờ giả với tên khác. “Để có giấy tờ hợp pháp tại Sài Gòn, tôi làm quen với viên cảnh sát trưởng quận 7 tại một bữa tiệc. Sau nhiều lần qua lại, cảm thấy đã thân nên tôi có mang biếu anh ta 1kg thuốc phiện và ngỏ lời giúp làm giấy căn cước. Được viên cảnh sát này đồng ý và khoảng 3 tháng sau tôi chính thức có giấy tờ thật mang tên Nguyễn Hoàng Đạo (đến nay tên này vẫn được ông giữ - PV)” - ông Đạo kể. 
Vào những năm 1960, ngoài nhiệm vụ xây dựng, cài biệt động vào các cơ sở Đại tá Hoàng Đạo còn tìm kiếm, tuyển mộ thêm nguồn lực. Theo ông Lê Nguyên Nga (cựu điệp báo viên chiến dịch hoạt động trong Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy) thừa nhận: “Chính ông Nguyễn Hoàng Đạo đã đi tìm và tuyển chọn từng sĩ quan trong lực lượng điệp báo và đào tạo. Nguyên tắc hoạt động của điệp báo viên là không được biết nhau, khi cần liên lạc với ai ông Hoàng Đạo sẽ trực tiếp đến gặp người đó. Thỉnh thoảng ông Đạo mới cử người liên lạc của ông đi thay. Chính vì vậy, mạng lưới điệp báo viên chiến trường thuộc P2 lên đến cả ngàn người, hoạt động rộng khắp các tỉnh thành miền Nam”.
Hoạt động trong lòng địch
Từ khi có thẻ căn cước là Nguyễn Hoàng Đạo, để thuận lợi hoạt động ông mở một xưởng sản xuất, sửa chữa radio - tivi và thiết bị vô tuyến điện tại số 238 đường Lê Văn Duyệt - gần Sở Mật vụ - Bộ chỉ huy hành quân Ngụy (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 - PV). Ông Đạo cho biết: “Với vỏ bọc chủ xưởng sản xuất có đến hơn 200 công nhân làm việc, nên tôi khá thuận lợi trong việc hoạt động công khai. Để vỏ bọc chắc hơn tôi đã mời được bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Đề về hợp tác. Sở dĩ tôi mời bà Đề vì biết được bà là một người tốt và có đến 3 người em ruột (trong số đó có vị mang quân hàm cấp tướng của chính quyền Sài Gòn là Tôn Thất Đính, Tôn Thất Tướng, Tôn Thất Sứng) và một người nữa làm Trưởng ty Cảnh sát của Ngụy”.
Kể từ khi bà Đề về ở ngay tại xưởng sản xuất của ông Đạo, thỉnh thoảng mấy đứa em của bà Đề có ghé lại chơi. Trong những lần đến chơi như vậy, ông Đạo bố trí cho những sĩ quan này được ăn nhậu. Ông Hoàng Đạo cho biết, chính vì có những sĩ quan này nên vỏ bọc của ông ngày càng thêm vững không sợ phía mật thám nhòm ngó. Trong những lần tổ chức ăn nhậu như thế, ông Đạo cũng làm quen được nhiều sĩ quan Ngụy khác, trong đó có viên Trung tá Phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Long cùng các vị sĩ quan cao cấp khác ở Tổng nha Cảnh sát hay Bộ chỉ huy hành quân Ngụy… Từ sự quen biết này, nhiều thông tin có giá trị như: chuyển quân, tăng quân, tăng tiền cho các chiến dịch nhằm bình định miền Nam của Mỹ - Ngụy… được ông Hoàng Đạo gửi về Bộ tham mưu Miền kịp thời. “Để an toàn, không bị lộ mỗi khi chuyển thông tin, máy điện tín không để ở xưởng trên đường Lê Văn Duyệt mà cất giấu tại một tiệm sửa chữa, lắp ráp radio khác tại số 23 đường Cống Quỳnh. Với những thông tin quan trọng hơn, tôi trực tiếp lái xe hơi chuyển những thông tin này đến cho các kỹ thuật viên để họ chuyển ra căn cứ vào lúc 3 giờ sáng mỗi ngày” - ông Hoàng Đạo nhớ lại.
Với nhiệm vụ chuẩn bị cho các chiến dịch lớn, mạng lưới điệp báo do ông nắm còn có nhiệm vụ cung cấp các thông tin để Bộ chỉ huy Miền nắm tình hình trong các cuộc đánh đồn, bốt địch. Mặt khác còn giúp cấp trên kiểm chứng thông tin do tình báo chiến lược cung cấp để có phương án tác chiến. Điều đặc biệt của điệp báo là tin tức phải chuẩn 80-100% mới dám báo ra Miền. Để có được thông tin đã có một vài điệp báo của ta bị bắt nhưng do hoạt động đơn tuyến nên những người khác không bị lộ. Ông kể, có lần ông hẹn với cậu liên lạc tên Thành tại một hẻm trên đường Nguyễn Huệ (Q.1), khi đến nơi thấy người liên lạc bị bọn mật thám bắt, ông không bỏ đi mà tới thẳng trước mặt anh liên lạc ra ám hiệu, sau đó ung dung vào quán phở ven đường vừa ăn vừa theo dõi diễn biến tình hình. Sau đó người liên lạc bị bọn mật thám tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung không khai ra ông và những đội khác.
Bài, ảnh: Văn Mạnh