Thứ tư, 22/7/2015, 15h39

Kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7-1947/ 27-7-2015: Kỳ 2: Nhà giáo thương binh học tiến sĩ

Trở về từ chiến trường Tây Nam bộ mang theo mảnh đạn còn nằm sâu trong bả vai, TSKH - nhà giáo Phạm Ngọc Uyển tiếp tục bước lên giảng đường và sau đó tự học thêm ngoại ngữ để đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Dù trong hoàn cảnh nào, thầy giáo thương binh Phạm Ngọc Uyển vẫn vươn lên bằng nghị lực phấn đấu của chính bản thân mình.

Đi gieo hạt giống giáo dục vùng kháng chiến

Đồng đội vẫn còn nhớ khi thầy vào chiến trường tuổi đã tròn 30 với cương vị là giảng viên khoa tâm lý của một trường ĐHSP nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội nên nhìn chững chạc hơn anh em khác. TSKH. Phạm Ngọc Uyển nhớ lại: “Tốt nghiệp cử nhân, tôi được giữ lại trường giảng dạy và  nghiên cứu. Đây là điều may mắn vì tôi được công tác chung với các thầy giáo của mình rất nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý giáo dục như GS. Nguyễn Lân, Phạm Minh Hạc, Phạm Tất Dong”.  Cũng theo lời kể của thầy Uyển, hành lý của ban giáo dục vào Nam lúc bấy giờ chủ yếu là sách vở tài liệu để phục vụ cho công tác mở trường dạy học vùng giải phóng nên ai cũng chở nặng ba lô. Tuy nhiên, không thể mang toàn bộ tài liệu gốc trên giấy thường mà tất cả đều được đánh máy lại bằng giấy pơ-luya cho nhẹ bớt. Thế mà con đường hành quân bằng đường bộ từ các tỉnh miền Trung qua Ngã ba Đông Dương rồi sau đó vào tận Trung ương cục ở biên giới Tây Ninh vẫn nhiều vất vả. Gặp những trận mưa rừng hay bão lũ dù áo quần và thân mình ướt sũng nhưng họ vẫn tìm mọi cách lấy nilon hoặc tăng bạt để giữ cho ba lô tài liệu khỏi ướt và bị nước cuốn trôi. Chương trình, tài liệu còn quý hơn cả gạo cơm và vũ khí. Là cán bộ cao cấp nên nhà giáo Phạm Ngọc Uyển chịu trách nhiệm lớn đối với toàn bộ tài liệu mang theo: “Với chức vụ C trưởng nên tôi được cấp một khẩu súng ngắn K54. Đây là chuyện hiếm ở các đoàn cán bộ dân-chính-Đảng lúc vào chiến trường”.

TSKH. Phạm Ngọc Uyển (chính giữa) cùng vợ viếng thăm đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tháp 

Khi vào đến tận Lò Gò, Xa Mát thầy mới thấy nhu cầu cần cán bộ giáo dục đến chừng nào. Không chỉ ở vùng mới giải phóng mà ngay vùng căn cứ cũng thiếu giáo viên, trường lớp rất nhiều. Vì thế có đoàn giáo dục nào vào là được phân công ngay xuống các cơ sở. Cũng tại cơ sở các thầy cô bắt đầu củng cố lại trường lớp và đi tới đâu tiếp tục mở trường tới đó. Vốn là giảng viên của trường sư phạm nên sau đó thầy giáo Uyển được phân công ngay về tỉnh Long An để mở lớp sư phạm đào tạo giáo viên cấp tốc. Sau 3 tháng các giáo sinh trẻ của cách mạng lại xuống trường tiếp sức với các đồng nghiệp từng kiên cường “cắm chốt” nơi đây. Kết thúc khóa đào tạo giáo viên, thầy lại khoác ba lô trở lại Mỹ Tho để mở trường. Bom đạn quanh người nhưng không ngăn được bước chân của những thầy cô giáo cách mạng: “Thời kỳ ác liệt nhất là khi chúng tôi vượt sông sang Bến Tre để mở lớp. Đây là vùng chiến sự rất nguy hiểm nên giáo viên bị trúng bom đạn hy sinh rất nhiều”.

Không ngừng học tập

Theo nhà giáo Phạm Ngọc Uyển, khó khăn của việc xây trường là kinh phí mua sắm nguyên vật liệu dù chỉ là tranh tre nứa lá: “Nhiều lần mở trường mà trong tay không có tiền bạc gì cả, bộ phận giáo dục phải liên hệ với Ban Kinh tài để xin được cấp kinh phí bằng USD vận chuyển về từ nước ngoài”. Không chỉ đứng trên bục giảng mà các thầy cô lúc đó cũng phải tự sản xuất và xắn tay vào việc sửa chữa và xây mới trường học. Thầy Uyển vẫn không quên những đêm cùng bộ đội địa phương đi gài mìn chống giặc dù biết hiểm nguy mà vẫn không ngại. Cũng vì thế mà ông đã bị một mảnh đạn ghim vào người mà mãi sau này mới biết. Đây cũng là thời kỳ các cán bộ giáo dục được người dân chăm lo mọi thứ: “Chúng tôi thật sự mát lòng khi nghe các má gọi mình là “thằng Hai, thằng Ba” rất trìu mến. Có tuần các má cho chúng tôi ăn mỗi ngày mỗi loại bánh tự làm. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất”.

Năm 1975, đất nước thống nhất nhưng bước chân của nhà giáo Phạm Ngọc Uyển vẫn chưa dừng. Thầy cùng đồng nghiệp về tỉnh Mỹ Tho công tác tại Sở Giáo dục Khu 8 để chỉ đạo các tỉnh bắt tay vào việc xây dựng mạng lưới giáo dục vào những ngày đầu giải phóng. 3 năm sau tạm yên ổn, thầy mới trở ra Bắc đoàn tụ với gia đình. Khi trở lại Trường ĐHSP Hà Nội dù lúc đó tuổi đã gần 50 nhưng thầy vẫn theo lớp thực tập sinh cao cấp sang Liên Xô cũ làm nghiên cứu sinh để nhận bằng tiến sĩ khoa học ngành tâm lý. Vợ thầy - cô giáo dạy Trường CĐSP Nam Hà - lại xa chồng thêm mấy năm nữa dù chiến tranh đã đi qua. Việc học có nhiều vất vả với các chương trình nghiên cứu sâu bằng tiếng nước ngoài nhưng với ý chí, thầy đã hoàn thành tốt mục đích học tập của mình trên nước bạn, xứng đáng là đứa cháu nội TS. Phạm Nghi - một quan huấn học giỏi có tiếng trước năm 1945 trên xứ Nam Định.

Bài, ảnh: Quang Phan  

Gặp lại TSKH. Phạm Ngọc Uyển trong một lần quay lại chiến trường xưa, bạn bè thật sự ngạc nhiên dù đã tròn 75 tuổi nhưng thầy vẫn còn tráng kiện và hoạt bát. Thầy cho biết sống thanh thản và luyện tập thể thao đều đặn là bí quyết giữ gìn sức khỏe tuổi già.