Thứ ba, 30/5/2023, 14h02

Nguy cơ bị bóc lột khi trẻ em là ngôi sao mạng xã hội

Với điểm mạnh về độ tuổi và sự hồn nhiên, các kidfluencer (những đứa trẻ có ảnh hưởng) có thể hợp tác cùng những thương hiệu để tiếp thị sản phẩm cho trẻ em và người lớn khác.

Phát biểu với Forbes vào năm 2019, Eyal Baumel - Giám đốc điều hành của Yoola (một công ty quản lý các ngôi sao nhí trên môi trường kỹ thuật số) - đã mô tả YouTube như “người trông trẻ nổi tiếng nhất thế giới”.

Trong đại dịch COVID-19, thời lượng sử dụng thiết bị điện tử của trẻ em đã tăng đột biến, kéo theo sự bùng nổ tiếp thị đồ chơi cũng như các sản phẩm khác vốn thường dành cho người lớn.

Vào năm 2021, thị trường đồ chơi toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ khoảng 141 tỉ USD lên 230,6 tỉ USD vào năm 2028. Giờ đây, mọi người dễ dàng tìm thấy các kidfluencer trên YouTube, tiếp thị đồ chơi cho những đứa trẻ khác thông qua các bài đánh giá về đồ chơi. Những kênh đánh giá đồ chơi phổ biến nhất có hàng triệu người đăng ký và đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. 

Sự vô tư, hồn nhiên của đứa trẻ khi chơi đùa có thể trở thành công cụ quảng cáo của các thương hiệu nhờ ảnh hưởng từ mạng xã hội - Ảnh: Getty Images 

Ngoài nền tảng YouTube, một lượng lớn trẻ em cũng đang dành thời gian cho Instagram. Pixie Curtis (11 tuổi) là “chủ” cửa hàng bán nơ cài tóc Pixie's Bows và đồ chơi trực tuyến Pixie's Pix dưới sự hỗ trợ quản lý từ mẹ, cô Roxy Jacenko. Tài khoản Instagram của Pixie - có khoảng 136.000 người theo dõi - chuyên dùng để quảng cáo đồ chơi cũng như các sản phẩm khác.

Mặc dù gần đây Pixie đã “nghỉ hưu” khỏi công việc kinh doanh cửa hàng đồ chơi, cô bé vẫn tiếp tục quảng cáo các sản phẩm, bao gồm cả mỹ phẩm chăm sóc da và thời trang. Tiến sĩ Catherine Archer - Đại học Edith Cowan, Úc - cho rằng: sự phát triển của mạng xã hội đã mang đến cho các nhà tiếp thị một cách tiếp cận trẻ em 24/7. Cô cảnh báo, kiểu gây ảnh hưởng này có thể khiến người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em bối rối, bởi vì những kidfluencer đang làm mờ đi ranh giới giữa đồ chơi truyền thống với sản phẩm dành cho người lớn như đồ trang điểm, ô tô và quần áo.

Trong đại dịch, cô bé 13 tuổi Shreya Nallamothu - ở bang Illinois, Mỹ - nhận thấy có nhiều đứa trẻ bằng hoặc nhỏ tuổi hơn mình đã trở thành những ngôi sao trên mạng xã hội. Tuy nhiên sau khi xem nhiều bài viết đánh giá sản phẩm của các đứa trẻ, nữ sinh này băn khoăn: "Tôi nhận ra rằng có rất nhiều hành vi bóc lột lao động có thể xảy ra trong thế giới của những đứa trẻ tạo ảnh hưởng mà pháp luật không đủ sức bảo vệ".

Tại Mỹ, đạo luật Coogan ban hành vào năm 1939 giúp bảo vệ lao động trẻ em trong ngành giải trí nhưng không có luật tương tự nào được ban hành đối với các ngôi sao nhí trên mạng xã hội. Bang Illinois đã sẵn sàng thông qua một dự luật cấp tiểu bang, cho phép trẻ em có ảnh hưởng trên mạng xã hội được hưởng một phần thu nhập mà cha mẹ chúng thu được, nhưng luật này chỉ dựa vào "tinh thần tự nguyện”. 

Cho đến nay, Pháp dường như là quốc gia duy nhất có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho kidfluencer. Tại Pháp, trẻ em dưới 16 tuổi chỉ có thể làm việc trong thời gian giới hạn, đồng thời thu nhập của chúng phải được giữ trong tài khoản cho đến khi chúng đủ 16 tuổi và có quyền tự quyết. Ngoài ra, những kidfluencer cũng có quyền yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ hình ảnh của mình khỏi internet mà không cần sự đồng ý của cha mẹ.

Ngọc Hạ/PNO (theo The Conversation, Newsweek, AP)