Thứ sáu, 10/3/2023, 15h37

Những giáo viên đặc biệt

Khoác lên mình bộ áo dài cách điệu; sơ mi đóng thùng thắt cà vạt, nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đầy tự tin, chuyên nghiệp đứng trên bục giảng sắm vai giáo viên đứng lớp ngay lớp học của mình.


Phạm Thanh Xuân An tự tin đứng lớp

Trải nghiệm ý nghĩa này nằm trong chương trình “Một ngày làm giáo viên” do Trường THPT Nguyễn Du tổ chức suốt nhiều năm nay.

Sắm vai giáo viên mỹ thuật, hôm nay, Nguyễn Huỳnh Nhật Minh (lớp 10A6) đến lớp với sơ mi trắng đóng thùng, thắt cà vạt, thay vì bộ đồng phục học sinh như mọi khi. Với giờ dạy vẽ tĩnh vật, để “tròn vai” 45 phút làm thầy giáo, Nhật Minh mất mấy đêm soạn bài.

“Mỹ thuật là môn học mới ở khối 10. Tại trường, giáo viên giảng dạy là giảng viên đại học, cách truyền đạt môn học mang tính chuyên sâu, học thuật đôi khi khiến cả lớp khó hiểu. Qua giờ dạy, em muốn mang cách nhìn của em về môn học, truyền đạt đến các bạn để kiến thức tiếp cận một cách dễ dàng hơn. Em khá bất ngờ khi cách dạy này được các bạn đón nhận” - Nhật Minh chia sẻ.

Dù chưa có định hướng theo đuổi ngành sư phạm song với Nhật Minh, trải nghiệm đứng lớp là trải nghiệm quý giá để bạn quyết định lựa chọn nghề nghiệp sau này.

“Khi đứng lớp, em thấy có bạn lo ra, có bạn lại chăm chú. Cảm nhận này giúp em hiểu hơn về cảm giác của thầy cô mình” - Minh nói thêm.

Mong chờ hoạt động “Một ngày làm giáo viên” từ đầu năm, Phạm Thanh Xuân An (lớp 11A5) cho biết, để chuẩn bị cho tiết dạy toán hôm nay bạn đã phải mất mấy ngày để soạn bài, đứng trước gương diễn xuất.

“Em rất muốn sau này trở thành một cô giáo dạy toán nên với em đây là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa cho định hướng nghề nghiệp của mình sau này. Theo em, điều khó nhất khi đứng lớp không hẳn là kiến thức mà là phương pháp truyền đạt, làm sao giúp các bạn hiểu nhất và yêu thích môn học của mình” - Xuân An bày tỏ.

ThS. Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ, Một ngày làm giáo viên là hoạt động giáo dục hướng nghiệp truyền thống của trường. Sau 7 năm tổ chức, năm nay hoạt động thu hút 238 học sinh tham gia ở tất cả các môn học, từ kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, thể dục và học thuật.


Nguyễn Huỳnh Nhật Minh kiểm tra các bạn vẽ tĩnh vật trong giờ dạy mỹ thuật của mình

Chia sẻ về mục tiêu của hoạt động, ThS. Phú cho hay, công tác hướng nghiệp trước hết là trách nhiệm của nhà trường. Việc đổi mới hoạt động hướng nghiệp bằng những trải nghiệm thực tế là hết sức cần thiết để giúp học sinh có thêm thông tin, hiểu biết, nhìn nhận đúng đắn về nghề.

Với riêng ngành sư phạm là ngành đang rất khó khăn trong tuyển dụng, chương trình trước hết mong muốn trang bị cho học sinh thêm những trải nghiệm, hình dung về nghề, ươm mầm và khơi lên trong các em đam mê theo đuổi nghề cao quý này.

“Từ con số 150 học sinh trong năm đầu tiên tổ chức, đến nay số học sinh đăng ký trải nghiệm nghề giáo đã gần gấp đôi. Từ chỗ, nhiều năm liền nhà trường không có học sinh nào đăng ký theo ngành sư phạm, đến nay mỗi năm thống kê đều có vài em theo ngành học này. Dù còn khiêm tốn nhưng đây được xem là sự thành công của chương trình, từng bước ươm mầm tình yêu sư phạm đối với học sinh thông qua việc đổi mới công tác hướng nghiệp” - ThS. Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Trải nghiệm giáo dục ý nghĩa

Hồi hộp không kém những giáo viên “đặc biệt”, anh Ngô Nhật Phương Tùng - phụ huynh học sinh Ngô Nhật Phương Khanh (lớp 11A6) đến trường thật sớm để tham dự giờ dạy của con. Ngồi phía cuối lớp xem con giảng bài, chốc chốc người cha này lại nhoẻn cười.

Anh xúc động chia sẻ: Tôi thấy tự hào về con. Con có thể chưa xuất sắc tiếng Anh như nhiều bạn nhưng con dám vượt qua giới hạn bản thân, đứng trước cả lớp để thiết kế một bài giảng như một giáo viên thực thụ. Giờ dạy dù vẫn còn nét ngây thơ trẻ con nhưng tôi mừng vì con đã cố gắng hết sức.

“Với tôi đây là hoạt động rất ý nghĩa, giúp con có thêm những trải nghiệm giáo dục thú vị khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi sắm vai giáo viên, con học thêm nhiều về kiến thức, lời ăn tiếng nói, sự kiên trì, nhẫn nại; hiểu thêm về những tâm huyết của thầy cô khi đứng trên bục giảng để thêm phấn đấu trong học tập, khơi lên trong con định hướng chọn lựa nghề nghiệp sau này…” - anh Ngô Nhật Phương Tùng bày tỏ.

Không chỉ định hướng nghề nghiệp cho học sinh, theo ThS. Phú, tất cả những trải nghiệm khi “sắm vai” giáo viên từ việc thức khuya soạn giáo án, thiết kế bài giảng, tương tác với học sinh trong lớp… sẽ mang đến cho mỗi học sinh hình dung rõ ràng, chân thực nhất về nghề giáo để các em biết trân quý hơn mỗi giờ dạy của thầy cô, thấu hiểu được những khó khăn của nghề giáo, từ đó thêm ý thức học hành…

Điều đặc biệt trong hoạt động một ngày làm giáo viên là thầy cô sẽ trải nghiệm cảm giác của học sinh. Trước khi học sinh đứng lớp, thầy cô sẽ góp ý, chỉnh sửa giáo án, hỗ trợ học sinh phương pháp giảng dạy song khi học sinh đứng lớp, thầy cô sẽ trở thành “học sinh” ngồi dưới lớp quan sát, nghe học sinh giảng bài.

“Khi “đảo vai” làm học sinh ngồi dưới lớp nghe học sinh của mình giảng bài trên bục giảng cũng sẽ giúp thầy cô phần nào đánh giá thêm về năng lực học sinh, phương pháp giảng dạy của mình để từ đó điều chỉnh theo hướng giúp cho bài giảng tốt hơn” - ThS. Huỳnh Thanh Phú nói thêm.

Yến Hoa