Thứ sáu, 2/2/2024, 16h46

Quan niệm về văn bản trong môn ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay

1. Thuật ngữ văn bản được dịch từ tiếng Anh là text (hoặc texte trong tiếng Pháp), có nghĩa là “đan, dệt”. Xuất phát từ nguồn gốc này, văn bản thường được xem như một cấu trúc được “đan dệt” bởi nhiều yếu tố ngôn ngữ và ký hiệu, theo logic và mục đích nhất định. Tuy nhiên, từ những góc độ và quan điểm tiếp cận khác nhau, cách hiểu về khái niệm văn bản không hoàn toàn thống nhất. Từ góc độ của ngôn ngữ học văn bản, văn bản được hiểu là đơn vị cơ bản của lời nói và ngôn ngữ, “thể hiện một phát ngôn hoàn chỉnh”. Văn bản bao gồm cấu trúc hình thức lẫn cấu trúc nghĩa, có đề tài (hoặc chủ đề), biểu đạt chủ yếu bằng kênh ngôn ngữ, ở cả hai dạng nói và viết. Từ góc độ của lý thuyết giao tiếp và diễn ngôn, văn bản được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý ở mục đích giao tiếp và nhân tố văn hóa. Từ góc độ của lý thuyết văn học, văn bản (cụ thể là văn bản văn học) được quan niệm là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, có cấu trúc chỉnh thể bao gồm các lớp yếu tố ngôn từ, hình tượng và hàm nghĩa cấu thành.


Hc sinh đang đc văn bn trong sách giáo khoa ng văn. Ảnh: Y.Hoa

Trong nhà trường phổ thông Việt Nam trước đây, văn bản được quan niệm: Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, nói phải nói thành lời, viết phải viết thành bài. Lời nói và bài viết đó là văn bản. Xuất phát từ quan niệm này, phân loại văn bản cơ bản dựa trên kênh biểu đạt ngôn ngữ (chữ viết) và chủ yếu là văn bản in trên giấy (tĩnh). Văn bản thông tin với tư cách là một loại văn bản lớn, với nhiều tiểu loại đa dạng, cập nhật đời sống, chưa xuất hiện chính thức trong chương trình và các tài liệu học tập hữu quan. Văn bản hết sức đa dạng, nó có thể là thơ, truyện ngắn hoặc sơ đồ, bảng biểu, thậm chí cả hình ảnh chuyển động, miễn sao có thể đọc được nội dung, ý nghĩa từ trên hệ thống ký hiệu đó. Cùng với sự đổi mới trong quan điểm tiếp cận, xây dựng chương trình môn ngữ văn và các phương diện tương ứng như tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá, quan niệm về văn bản trong nhà trường phổ thông Việt Nam đã có những thay đổi, mở rộng so với trước đó. Nhìn chung, sự thay đổi trong quan niệm về văn bản và dạy học văn bản này gắn với mục tiêu phát triển năng lực người học, trong đó nhấn mạnh năng lực giao tiếp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học, các khoa học liên ngành và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đi đến định nghĩa: Văn bản là sản phẩm đồng thời là phương tiện giao tiếp của con người. Văn bản sử dụng phương tiện ngôn ngữ hoặc kết hợp ngôn ngữ với các phương tiện khác như hình ảnh, âm thanh, màu sắc, sơ đồ…, để tạo thành một đơn vị nghĩa, nhằm đạt mục đích giao tiếp. Có thể chia văn bản thành nhiều loại theo những tiêu chí khác nhau. Ví dụ, xét theo mục đích giao tiếp, có văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin; xét theo hình thức thể hiện, có văn bản viết và văn bản nói; xét theo hệ thống phương tiện sử dụng, có văn bản đơn phương thức và văn bản đa phương thức; xét theo hình thức định dạng, có văn bản in và văn bản kỹ thuật số... Trong môn ngữ văn, văn bản là đối tượng của hoạt động tiếp nhận và tạo lập của học sinh, đồng thời là nội dung và phương tiện, ngữ liệu dạy học.

2. Để phục vụ những mục đích và yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy khác nhau, người ta phân chia văn bản thành nhiều loại, theo những tiêu chí nhất định. Trong môn ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, văn bản được phân loại như sau: Thứ nhất, theo đối tượng và nội dung đọc hiểu: văn bản văn học (thơ, truyện ngắn, kịch, ký, văn bản nghị luận…) và văn bản nhật dụng. Thứ hai, theo hình thức thể hiện: văn bản nói và văn bản viết. Thứ ba, theo phương thức biểu đạt: văn bản tự sự, văn bản miêu tả, văn bản biểu cảm, văn bản điều hành (hành chính - công vụ), văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận. Thứ tư, theo lĩnh vực và mục đích giao tiếp: văn bản sinh hoạt, văn bản hành chính, văn bản khoa học, văn bản báo chí, văn bản chính luận, văn bản nghệ thuật.

Như vậy, văn bản chủ yếu được nhìn từ kênh biểu đạt ngôn ngữ (chữ viết) và chủ yếu là văn bản in trên giấy. Văn bản thông tin với tư cách là một loại văn bản lớn, với nhiều tiểu loại đa dạng, cập nhật đời sống, chưa có mặt trong chương trình và các tài liệu học tập. Mặt khác, tiêu chí phân loại chưa bao quát và có những chỗ thiếu nhất quán (trường hợp văn bản văn học bao gồm văn bản nghị luận, văn bản nhật dụng đặt cạnh văn bản văn học trong phần đọc hiểu).

Môn ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kế thừa một số điểm trong cách phân loại văn bản trên và bổ sung, mở rộng theo xu hướng phân loại quốc tế, cụ thể như sau: Thứ nhất, theo mục đích giao tiếp: văn bản văn học (truyện, thơ, kịch, ký, sử thi…); văn bản nghị luận (nghị luận xã hội, nghị luận văn học, nghị luận nghệ thuật); văn bản thông tin (biên bản, bản tường trình, văn bản tóm tắt, văn bản nội quy, văn bản hướng dẫn, văn bản thuyết minh, báo cáo nghiên cứu, thư trao đổi công việc…). Thứ hai, theo hình thức thể hiện: văn bản nói, văn bản viết. Thứ ba, theo phương thức biểu đạt: văn bản tự sự, văn bản miêu tả, văn bản biểu cảm, văn bản thuyết minh, văn bản nhật dụng, văn bản nghị luận. Thứ tư, theo hệ thống phương tiện sử dụng: văn bản đơn phương thức (chỉ sử dụng phương tiện ngôn ngữ); văn bản đa phương thức (sử dụng kết hợp nhiều phương tiện: ngôn ngữ, tranh, ảnh, sơ đồ, âm thanh…). 

Quan niệm về văn bản trong nhà trường phổ thông hiện nay đã có sự thay đổi, mở rộng theo xu hướng giáo dục hiện đại của thế giới. Văn bản được hiểu là một đơn vị nghĩa, sử dụng nhiều hệ thống ký hiệu (bao gồm ký hiệu ngôn ngữ và phi ngôn ngữ), hướng tới mục tiêu giao tiếp nhất định. Theo đó, tiêu chí và cách phân loại văn bản cũng đa dạng hơn. Theo mục đích giao tiếp chủ yếu, văn bản được chia thành ba loại (type): văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Theo đối tượng, phạm vi và phương thức phản ánh, văn bản văn học được chia thành các thể loại (genre), bao gồm truyện, thơ, kịch, ký… Văn bản dùng trong viết, được phân chia theo phương thức biểu đạt chính, gọi là kiểu văn bản, bao gồm văn bản tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh, nghị luận… Bên cạnh dạng văn bản đơn phương thức (biểu đạt bằng ký hiệu ngôn ngữ), chương trình chú ý đưa vào các văn bản đa phương thức (sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, âm thanh, chuyển động, sơ đồ…).

Theo quan điểm giáo dục hiện đại, dạy học là dạy cách học, dạy cách để học sinh tự học. Cùng những thay đổi trong quan niệm về văn bản, dạy học ngữ văn trong nhà trường phổ thông được quan niệm là dạy học sinh cách tiếp nhận văn bản (đọc hiểu) và tạo lập văn bản (viết, nói và nghe), thông qua/bằng hệ thống văn bản. Với quan điểm dạy học này, các văn bản sẽ được đặc biệt chú ý với tư cách là các ngữ liệu tiêu biểu về mặt thể loại, hoặc nói cách khác - các ví dụ mẫu - để qua đó, học sinh học được các tri thức về văn bản và phương pháp tiếp cận, lý giải cũng như tạo lập chúng theo đặc trưng thể loại. Hệ thống ngữ liệu này phải phong phú, đa dạng, đủ để phát triển các năng lực cần thiết, do đó, phải là một hệ thống ngữ liệu mở, được giáo viên, học sinh chủ động mở rộng, cập nhật, chứ không chỉ đóng khung ở các văn bản đã có trong chương trình và sách giáo khoa ngữ văn. Đây là những điều mà người giáo viên cần phải hết sức lưu ý khi tổ chức, thực hiện dạy học môn ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TS. Lê H Quang