Thứ ba, 28/5/2024, 14h32

Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai công cụ lắng nghe mạng xã hội

Trong năm 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ triển khai công cụ lắng nghe mạng xã hội (Social Listening) nhằm phục vụ công tác điều hành và quản lý giáo dục.


Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ triển khai công cụ lắng nghe mạng xã hội

Đây là một trong những giải pháp được Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra trong khi triển khai Chương trình chuyển đổi số, Đề án 06/QĐ-TTg của Chính phủ của ngành GD-ĐT TP.HCM 2024.

Cụ thể, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ sử dụng công cụ lắng nghe mạng xã hội (Social listening) nhằm tổ chức định hướng truyền thông trong ngành GD-ĐT, phân tích dữ liệu theo nhóm chủ đề, nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị và phản hồi từ học sinh, phụ huynh, đồng thời đề xuất các hình thức, nội dung truyền thông phù hợp.

Thường xuyên rà soát các thông tin trên mạng xã hội nhằm nắm bắt xu hướng và dư luận xã hội về các vấn đề liên quan đến GD-ĐT, phân tích và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục, lắng nghe ý kiến phản hồi của học sinh, phụ huynh và cộng đồng về các vấn đề giáo dục, xác định các vấn đề cần quan tâm và giải quyết.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng triển khai thực hiện giải pháp học bạ số kết hợp ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong lưu trữ dữ liệu giúp đảm bảo tính đúng đắn và toàn vẹn các thông tin thể hiện trong học bạ.

Về việc xây dựng chính quyền số khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục, Sở GD-ĐT cho hay sẽ triển khai các nền tảng trợ lý ảo, xây dựng hệ thống Chatbot hỗ trợ người dân phục vụ công tác cải cách hành chính, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trong ngành GD- ĐT theo hướng cung cấp dịch vụ qua API, được chia sẻ để các hệ thống, ứng dụng khác có thể kết nối và sử dụng.

Phối hợp với Đại học Sài Gòn xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục Thành phố; tập trung xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vào quản lý và giảng dạy phục vụ triển khai bồi dưỡng, đào tạo theo yêu cầu của đề án.

Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, triển khai thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng lộ trình theo kế hoạch.

Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan căn cứ khả năng ngân sách tham mưu UBND TP xem xét, bố trí kinh phí hàng năm theo phân cấp để triển khai thực hiện đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Xây dựng cơ chế tài chính huy động kinh phí thực hiện đề án từ nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Đảm bảo lộ trình trong năm 2024 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thành phố được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị; 30% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phố được tham gia đào tạo, bồi dưỡng chủ đề nâng cao phù hợp với từng đối tượng…

Yến Hoa