Thứ hai, 5/12/2022, 08h18

TP.HCM: Hơn 2.000 học sinh, sinh viên tham gia ngày hội Toán học mở

Sáng ngày 4-12-2022, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán phối hợp với Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức thành công Ngày hội Toán học mở với chủ đề "Toán học kết nối - Mathematics Unites", thu hút hơn 2.000 học sinh sinh viên tham dự.


Nhiều kiến thức toán học được ứng dụng vào thực tế qua các mô hình thú vị, khiến học sinh thích thú

Ngày hội là một chuỗi các hoạt động mở về Toán và STEM nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, phụ huynh, các nhà toán học và những nhà giáo dục cùng nhau trải nghiệm và giao lưu hướng về mục tiêu phát triển bền vững Toán học Việt Nam. Sự kiện tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2015 sau đó được mở rộng ra nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Sự kiện năm nay được chủ trì tổ chức bởi Khoa Toán - Tin học của nhà trường, khoa cũng là 1 trong 3 khoa toán được tập trung hỗ trợ trong chương trình phát triển toán học Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Chương trình cũng nhận được sự đồng hành của các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành toán, các trường phổ thông và các trung tâm, tổ chức đào tạo về toán và STEM.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh sự kiện sẽ thúc đẩy thêm các chương trình giáo dục về toán của thành phố. Đồng thời hhy vọng các trường THPT sẽ đồng hành để giúp các em học sinh có thêm đam mê về toán học để vận dụng giải quyết các bài toán thực tiễn.

PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Ngày hội là dịp để tất cả phụ huynh, học sinh, thầy cô, các trường, viện, tổ chức, doanh nghiệp và các thế hệ kết nối với nhau, hy vọng sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy thêm niềm đam mê toán học của thế hệ trẻ".

Chia sẻ tại tọa đàm trong "Ngày hội toán học mở - MOD HCM năm 2022", Giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ trăn trở về thực trạng việc dạy toán hiện nay khi sinh viên rất ít theo học toán. Khoa toán các trường đại học "gặp khó" khi tuyển sinh sinh viên, đặc biệt là toán ứng dụng.

Giáo sư cho biết, ở Việt Nam với hơn 400 trường đại học nhưng chỉ có không dưới 5 khoa toán hoạt động một cách đúng nghĩa, có nhiều sinh viên. Đâu đó các khoa toán hoạt động lèo tèo... Trong khi đó, thực tế việc sử dụng toán học đang càng ngày càng sâu, rộng, kiến thức toán học rất cần thiết ngay trong lĩnh vực chuyên môn, kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng...  đòi hỏi các em kiến thức toán chắc chắn. Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ cùng nhau tìm ra giải pháp, làm sao giúp thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.


Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tại ngày hội

"Có rất nhiều vấn đề. Các em sinh viên không theo ngành toán chúng ta không thể đổ lỗi cho các em được, mà trách nhiệm thuộc về chúng ta. Một trong những vấn đề cơ bản ở đây là việc dạy của chúng ta còn quá chậm bắt nhịp với tốc độ phát triển của xã hội. Ví dụ đơn giản là giáo trình môn toán được viết từ những năm 1970, được viết dựa theo giáo trình của Nga từ những năm 1940. Giáo trình đó về mặt toán học thì khá ổn nhưng vô cùng nặng nề. Nếu giáo trình này dạy cho những người làm toán cơ bản thì hơi thiếu song dạy cho người làm toán ứng dụng thì lại quá thừa, không đáp ứng được nhu cầu" - Giáo sư Ngô Bảo Châu phân tích.

Ông đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là cần cập nhật chương trình toán, dạy cho toán lý thuyết khác với những người dạy toán kỹ sư, công nghiệp. Việc nghiên cứu thay đổi giáo trình dạy toán đáp ứng yêu cầu hiện nay là vô cùng quan trọng. Dạy học đúng những cái cần thiết, không phải cứ mua nguyên phần mềm của nước ngoài về...

Ngoài ra, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nhìn nhận, trong việc học toán chúng ta thường học chỉ áp dụng công thức nhưng lại ngại hiểu tại sao lại như thế, yên tâm rằng không cần hiểu. Thực ra như thế là sai. Bởi lẽ, chuyện học công thức thì ai cũng học được, chỉ cần tra Google cũng ra công thức. "Trong cuộc sống cạnh tranh, hơn nhau chỉ hiểu hơn 1 chút thôi chứ không phải là việc mình Google nhanh hơn. Ngoài việc làm như thế nào, chúng ta phải hiểu ra sao - đây là điều mà người học toán phải nắm" - Giáo sư Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.

Yến Hoa