Thứ năm, 30/5/2024, 09h09

TP.HCM tính hỗ trợ 50 triệu đồng cho giáo viên tiểu học các bộ môn khó tuyển ngay năm đầu tuyển dụng

Sở GD-ĐT TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo đề nghị ban hành nghị quyết về chính sách thu hút đối với giáo viên các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mĩ thuật tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn TP.HCM.


Sở GD-ĐT TP.HCM đang lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết chính sách thu hút đối với giáo viên các môn khó tuyển

Cụ thể, chính sách thu hút, hỗ trợ cho giáo viên tiểu học bộ môn mĩ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, ngoại ngữ tại các trường tiểu học công lập được Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong dự thảo Nghị quyết:

Giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu trong năm đầu là 50 triệu đồng/năm, trong đó:

- Hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở: 25 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ phương tiện, đi lại: 5 triệu đồng/năm;

- Hỗ trợ khuyến khích động viên: 15 triệu đồng/năm;

- Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu 5 triệu đồng/năm.

Mức chi hỗ trợ này chỉ thực hiện một lần duy nhất cho một người khi được tuyển dụng lần đầu. Những lần tham gia tuyển dụng sau ở đơn vị khác sẽ không được nhận khoản hỗ trợ này.

Giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu trong 2 năm kế tiếp là 40 triệu đồng/năm, trong đó:

- Hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở: 20 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ phương tiện, đi lại: 5 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ khuyến khích động viên: 10 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu: 5 triệu đồng/năm.

Mức chi hỗ trợ này chỉ thực hiện một lần duy nhất cho một người khi được tuyển dụng lần đầu. Những lần tham gia tuyển dụng sau ở đơn vị khác sẽ không được nhận khoản hỗ trợ này.

Giáo viên đã được tuyển dụng và công tác tại trường từ 3 năm trở lên và giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu sau khi kết thúc mức hỗ trợ trong 3 năm đầu tại khoản 1, khoản 2 Điều này là 30 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở: 15 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ phương tiện, đi lại: 5 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ khuyến khích động viên: 5 triệu đồng/năm.

- Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu: 5 triệu đồng/năm.

Mức hỗ trợ cho giáo viên được thực hiện thành 2 đợt trong năm, được chi trả vào thời điểm cuối tháng 12 và cuối tháng 5 hằng năm. Không áp dụng cho giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.

Kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo và dạy nghề) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Sở GD-ĐT TP.HCM dự tính, mức kinh phí dự trù thực hiện nghị quyết là 181 tỷ  812 triệu đồng. Trong đó, mức hỗ trợ giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu là 13 tỷ 350 triệu đồng cho 267 giáo viên đã trúng tuyển trong năm học 2023-2024; Mức hỗ trợ giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu trong 2 năm kế tiếp là 29 tỷ 240 triệu đồng, với 487 giáo viên đã trúng tuyển trong năm học 2022-2023 và 244 giáo viên đã trúng tuyển trong năm học 2021-2022; Mức hỗ trợ giáo viên đã được tuyển dụng và công tác tại trường từ 3 năm trở lên và giáo viên mới được tuyển dụng lần đầu sau khi kết thúc mức hỗ trợ trong 3 năm đầu là 139 tỷ 230 triệu đồng.

Đảm bảo nhu cầu sống cơ bản cho giáo viên

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc ban hành nghị quyết nhằm tạo động lực thu hút giáo viên các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mĩ thuật tại các trường tiểu học công lập có thu nhập ổn định khi đăng kí ứng tuyển làm giáo viên, đảm bảo có học sinh là có giáo viên nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục thành phố. Góp phần phát triển kinh tế xã hội, đồng thời giúp đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên vững chắc, có chất lượng, có năng lực và khát khao cống hiến, giữ chân được đội ngũ giáo viên và thu hút được nhân lực có trình độ, khả năng, có chất lượng.

Với giải pháp hỗ trợ không chỉ cho giáo viên mới ra trường trong 3 năm đầu mà còn hỗ trợ cho cả đội ngũ giáo viên có thâm niên, theo Sở GD-ĐT nhằm giúp giáo viên có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến lâu dài và ổn định trong ngành giáo dục.

Sở phân tích: Trong 3 năm đầu, giáo viên mới ra trường gặp nhiều khó khăn khi phải làm quen với công việc, lại lo gánh nặng về kinh tế sinh hoạt, dễ dẫn đến chán nản, bỏ việc. Việc hỗ trợ sẽ tạo động lực cho giáo viên mới ra trường có động lực phát huy tài năng, trí tuệ, cố gắng hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Nếu sau 3 năm dừng hỗ trợ cho giáo viên, cũng như giáo viên cũ không có chế độ gì, sẽ có sự so sánh khập khiễng với giáo viên mới. Để giáo viên cũ và giáo viên mới ổn định tâm lý, toàn tâm, toàn ý với công việc.

“Việc đề xuất cho giáo viên thâm niên và giáo viên mới ra trường sau khi kết thúc mức hỗ trợ trong 3 năm đầu sẽ tạo động lực không nhỏ cho toàn thể đội ngũ giáo viên dạy mĩ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, ngoại ngữ tại các trường tiểu học công lập. Đồng thới có khả năng tạo tác động lớn đến học sinh, sinh viên khi định hướng nghề nghiệp, tạo nguồn lực lớn để phát triển giáo dục thành phố” - Sở GD-ĐT đánh giá.

Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc đề xuất chính sách hỗ trợ đối với viên chức là giáo viên dạy các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mĩ thuật tại các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM sẽ giúp giáo viên tiểu học nói chung và giáo viên dạy các môn này nói riêng đảm bảo nhu cầu sống cơ bản, toàn tâm, toàn ý cho việc giảng dạy; khắc phục tình trạng nghỉ, bỏ việc; đồng thời thu hút nguồn lực sinh viên, giáo viên tham gia vào ngành nghề này nhiều hơn để ngành giáo dục có một đội ngũ đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình GDPT 2018 và thực hiện thành công trong sự nghiệp phát triển giáo dục thành phố.

Yến Hoa