Thứ ba, 22/11/2022, 16h21

Trường chuyên hay trường năng khiếu?

1. Trong Hội nghị tổng kết năm học do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hè năm 2005, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT của một tỉnh ở phía Bắc nói rằng: “Tôi đề nghị xóa trường chuyên vì không hiệu quả. Tỉnh tôi hàng năm đầu tư cho trường chuyên kinh phí rất lớn có thể xây được một trường cấp 1 hoặc cấp 2 nhưng chỉ thu về vài cái giải học sinh giỏi quốc gia. Những em này rồi cũng đi học nước ngoài không về tỉnh, thậm chí không về nước. Thật lãng phí, thà để tiền đó xây dựng trường mới khang trang cho học sinh học thì tốt hơn!”. Đây là điều làm tôi suy ngẫm hơn mười năm nay.


Theo tác gi, đ gim chi phí đu tư và tăng cht lưng, hiu qu giáo dc mũi nhn nên chuyn “trưng chuyên” thành “trưng năng khiếu”; đng thi có nhng điu chnh hp lý v chương trình hc, chế đ khen thưng hc sinh đt gii… (nh minh ha)

Ý kiến này có phần cực đoan nhưng cũng có những điều cần phải suy nghĩ. Nhiều năm qua, bên cạnh những đóng góp rất đáng trân trọng của hệ thống trường chuyên còn có một số điều hạn chế cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Quả là có lý khi thực tế hiện nay trường chuyên không còn hiệu quả. Trước đây trường chuyên nhắm đến hai mục tiêu: Đậu đại học và giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Nay thì đại học xét học bạ, em nào mà chẳng đậu? Không trường công thì trường tư; không chính quy thì tại chức, từ xa… Hơn nữa, trừ các trường có truyền thống, một số trường có được giải quốc gia là do tỉnh đầu tư kinh phí mời thầy ở Hà Nội về dạy. Vậy thì chưa khách quan lắm: Em đạt giải cao có chắc là thực sự giỏi hơn, thông minh hơn em giải thấp hơn hoặc em không đạt giải ở trường khác? Nếu để chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thì làm như trước kia: Tổ chức thi chọn trong toàn quốc, trường nào có học sinh xuất sắc cứ tham gia thi cấp tỉnh, rồi tỉnh chọn đội tuyển tham gia thi cấp quốc gia; từ đó chọn một đội tuyển quốc gia rồi tập trung lại bồi dưỡng một thời gian, sau đó đi thi, vẫn đạt giải quốc tế đó thôi.

Nhiều học sinh đạt thủ khoa vào các trường đại học, đạt giải cao trong kỳ thi “Đường lên đỉnh Olympia”… đâu có phải học tại các trường chuyên, thậm chí có em học ở các trường huyện và không học thêm! Đó mới thực sự là năng khiếu. Mặt khác, học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và kỳ thi “Đường lên đỉnh Olympia”, được học bổng ra nước ngoài học rồi liệu có mấy em về nước phục vụ Tổ quốc? Mà có về nước thì vị trí có xứng đáng không hay lại đi làm thuê, giúp việc cho bạn ngày xưa học kém nó?

2. Đã có số liệu thống kê có bao nhiêu nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà kinh doanh giỏi học trường chuyên ra? Thêm nữa, hiệu trưởng trường chuyên chịu rất nhiều áp lực: Giải học sinh giỏi, tỷ lệ đậu đại học, thủ khoa và tỷ lệ tốt nghiệp phải 100%… Cho nên, theo tôi, cần phải xem lại tính hiệu quả của vấn đề giáo dục mũi nhọn sao cho hợp lý. Nên chăng dùng từ “trường năng khiếu” thay cho từ “trường chuyên” và có những điều chỉnh như sau: Trước hết, thực tế cho thấy tỷ lệ học sinh đạt giải so với số lượng học sinh học chuyên rất thấp. Mỗi lớp có khoảng 35 học sinh chuyên nhưng cả trường mỗi năm chỉ có một vài em đạt giải quốc gia, thậm chí có năm không có giải nào. Vì sao vậy? Bởi vì các em vào học chuyên nhưng thực sự chỉ là giỏi chứ chưa phải là xuất sắc, thông minh đặc biệt hay nói cách khác các em chỉ là giỏi so với mặt bằng chung chứ chưa phải là năng khiếu. Trong lúc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thì đòi hỏi các em có năng khiếu thực sự thì mới mong đạt giải được. Cũng giống như thể thao, văn nghệ, những người đạt giải phải thực sự có năng khiếu về lĩnh vực dự thi, cho nên người ta chỉ mở các lớp năng khiếu chứ không phải là chuyên. Vì thế, theo tôi, chỉ tuyển học sinh có năng khiếu thực sự của các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, ngoại ngữ; số lượng này chỉ chiếm khoảng 1/5 số học sinh chuyên hiện tại và định hướng nghề nghiệp của các em là nghiên cứu khoa học - kỹ thuật; 4/5 học sinh còn lại học tại các trường phổ thông đại trà để các em không bị “hành hạ” bởi chương trình “quá siêu” dẫn đến một số em mất căn bản chương trình phổ thông, đuối sức. (Tôi đã từng dạy kèm cho một học sinh học lớp chọn môn toán không theo nổi đến lớp 8 phải ra học đại trà, rất bất ngờ là: 7 hằng đẳng thức đáng nhớ thì… không nhớ cái nào!). Số 4/5 này sẽ làm nòng cốt cho phong trào học tập của các trường. Chỉ giữ lại những trường chất lượng tốt, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường, có thể cả khu vực chỉ có một trường năng khiếu. Cách làm này sẽ giảm được kinh phí đầu tư cho giáo dục mũi nhọn, tuyển chọn chính xác học sinh năng khiếu, tập trung bồi dưỡng tăng chất lượng, tăng hiệu quả. Lúc đó, mới xứng đáng là trường năng khiếu.

Kế đến, phải có chương trình riêng phù hợp cho học sinh năng khiếu, không học đại trà như hiện nay, vất vả cho các em và cũng hạn chế việc phát huy năng khiếu. Cũng giống như những học sinh năng khiếu thể thao phải tập trung về trung tâm huấn luyện của tỉnh để luyện tập chỉ riêng môn thi đấu rồi một thời gian sau mới thi đấu đạt giải được. Tiếp theo, một số trường chuyên hiện nay tuyển thêm hệ cận chuyên bên cạnh hệ chuyên để tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc này cũng làm giảm chất lượng luyện “gà chọi”. Nếu thế này thì không nên mở trường chuyên mà chỉ để các trường tự bồi dưỡng học sinh giỏi có khi lại phù hợp hơn!

Một điều quan trọng nữa là thầy cô giáo dạy chuyên cũng phải thực sự xuất sắc về môn đó và có phụ cấp xứng đáng so với những người chỉ dạy đại trà những môn không chuyên. Cuối cùng là chế độ khen thưởng cho giáo viên và học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế phải tương xứng với các giải thể thao, văn nghệ… để động viên, khích lệ các em.

Tóm lại, để giảm chi phí đầu tư và tăng chất lượng, hiệu quả giáo dục mũi nhọn nên chuyển “trường chuyên” thành “trường năng khiếu”; tinh chọn những học sinh thật sự năng khiếu vào các trường năng khiếu; đồng thời có những điều chỉnh hợp lý về chương trình học, chế độ khen thưởng học sinh đạt giải, chế độ chọn và đãi ngộ đội ngũ giáo viên dạy trường này.

Nguyn Viết Li (Khánh Hòa)