Thứ bảy, 4/1/2020, 21h30

Việt Nam trước kỷ nguyên 5G

Theo khái niệm đơn giản nhất, 5G là thế hệ mạng di động thứ năm, sau 4G, 3G, 2G và 1G. Thế hệ mạng mới luôn có tốc độ kết nối mạnh hơn thế hệ trước và thường có sức ảnh hưởng trong khoảng một thập niên. Về mặt lý thuyết, 5G có thể nhanh gấp 100 lần 4G. Trong thử nghiệm thực tế, tốc độ của mạng di động thế hệ mới cao hơn khoảng 20 lần so với thế hệ cũ.

Tuy nhiên so với 4G, 5G không chỉ nhanh hơn về tốc độ truyền mà có thể tái định nghĩa lại các kết nối truyền thống và định hình tương lai của thế giới công nghệ. Khi đặt trong kỷ nguyên IoT, AI, 5G sẽ phát huy sức mạnh không tưởng và các chuyên gia vẫn đang tìm cách khai thác tiềm năng của công nghệ này.

5G sẽ định hình tương lai công nghệ và có những tác động mạnh mẽ đến mọi ngóc ngách cuộc sống và trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển mạnh mẽ về CNTT chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc trước cuộc cách mạng công nghệ này.

Sức mạnh của 5G không đơn thuần nằm trên những chiếc smartphone giống 4G hay 3G. Trong bối cảnh 4.0 với sự phát triển theo chiều dọc là sản xuất thông minh. 5G sẽ góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc ngành vận tải, tự động hóa trong công nghiệp và kiến tạo những thành phố thông minh.

5G đang phủ bóng toàn cầu và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Lợi thế của Việt Nam là có sẵn nền tảng 4G, có thể triển khai nhanh mạng 5G bằng tiếp cận DSS (Dynamic Spectrum Sharing) thời gian đầu và những nỗ lực nghiêm túc của Chính phủ cũng như các công nghệ hàng đầu trong nước.

Trong năm 2019, Viettel, VNPT đã thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên. Các nhà sản xuất smartphone như BKAV, VinSmart hay IoT Homa Techs cũng cho thấy những động thái cụ thể trong việc đón đầu công nghệ 5G. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới trong cuộc đua 5G, không còn độ trễ 7-8 năm như với 3G, 4G. Việt Nam cũng dự định tắt sóng 2G để tập trung nguồn lực cho 5G và sẵn sàng để thương mại hóa trong 2020.

N.Đ