Thứ hai, 28/12/2009, 14h12

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Gom hệ thống đào tạo chuyên nghiệp về một mối

Học sinh tìm hiểu thông tin tại ngày hội “Việc làm và hướng nghiệp 2009” tổ chức ở Trường Cao đẳng CN Thủ Đức

Để phát triển hệ thống giáo dục chuyên nghiệp thì giải pháp cốt lõi là đào tạo theo nhu cầu xã hội. Hiện nay có ba nhóm nhu cầu là Nhà nước, doanh nghiệp và người học. Ba nhóm này thường xuyên biến động, thay đổi theo từng giai đoạn. Để có thể đào tạo theo nhu cầu xã hội, trước hết phải dự báo được số lượng theo ngành nghề và trình độ đào tạo ở tất cả các cấp từ quốc gia cho đến các địa phương.
Từ nhiều năm nay, ở cấp thành phố và kể cả cấp quốc gia chưa đưa ra được thông tin tin cậy về dự báo thị trường lao động và nhu cầu xã hội. Mặt khác, tại TP HCM theo tôi biết cũng không có cơ quan nào nắm bắt được một cách tổng thể thực tế ngành nghề, số lượng đào tạo của các cơ sở. Bởi lẽ, việc đào tạo nghề bị phân tán và manh mún theo ba đầu mối quản lý. Một là 40 trường ĐH và 28 trường CĐ thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT tham gia đào tạo TCCN. Hai là hệ thống trường CĐ và TCCN do Sở GD-ĐT quản lý trực tiếp. Ba là hệ thống trường CĐ nghề và TC nghề do ngành lao động thương binh xã hội quản lý. Các hệ thống trường này cạnh tranh với nhau theo từng lợi thế riêng biệt của mình. Hiện tượng chồng chéo, giẫm đạp và tuyển sinh theo xu thế xã hội và theo lợi nhuận riêng của các trường làm mất tính kế hoạch phát triển tổng thể và hạn chế sự phát triển chung, không đánh giá chính xác nhu cầu xã hội.
Hiện nay việc tuyển sinh chồng chéo theo xu thế xã hội và lợi nhuận riêng của các trường đã làm mất tính kế hoạch phát triển tổng thể nên không đánh giá chính xác nhu cầu xã hội.
Với thế mạnh là trường ĐH, CĐ học sinh sẽ được học liên thông và thỏa mãn tâm lý vào trường ĐH, CĐ học oai hơn nên nhiều trường đã tuyển sinh đào tạo như một phương cách giải quyết nguồn thu và bỏ quên nhiệm vụ nghiên cứu của mình. Hệ CĐ và TCCN trực thuộc Sở GD-ĐT cũng được lợi thế là học sinh được học liên thông, tuy có khó khăn hơn nhưng bù lại được Sở GD-ĐT hỗ trợ trên sân nhà, được hướng dẫn sát về chuyên môn nghiệp vụ, được tạo những cơ chế, chính sách và tạo điều kiện quảng bá thương hiệu nhà trường, cũng như được gắn bó với các quận huyện trong việc phân luồng, tuyển sinh... Hệ CĐ nghề và TC nghề thì lại được Nhà nước đầu tư kinh phí rất cao để phát triển, CĐ nghề còn được lợi thế là chỉ đăng ký là được học mà không cần thi tuyển, không chịu khống chế về điểm sàn của Bộ GD-ĐT, nhưng hệ này sẽ không được học liên thông lên ĐH.
Do đó, muốn phát triển giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM, theo tôi cần thống nhất sự quản lý toàn bộ hệ thống đào tạo nghề nghiệp cho toàn thành phố. Trong khi chưa thay đổi được cơ chế từ cấp trung ương (vì muốn thay đổi cũng phải có thời gian) thì tại sao TP.HCM không thử làm thí điểm giao một đầu mối quản lý, đó là Sở GD-ĐT. Đầu tiên là chỉ tiêu tuyển sinh theo các ngành nghề, phân bổ ngân sách đào tạo của các trường thuộc thành phố, bố trí nhân sự, quy hoạch mạng lưới trường lớp.
Sở LĐTB&XH có trách nhiệm dự báo yêu cầu nguồn nhân lực, Sở GD-ĐT có trách nhiệm quản lý các cơ sở đào tạo để đáp ứng. Có như vậy tôi tin rằng các sở sẽ có kế hoạch và định hướng giúp các cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Lam Nhựt (TP.HCM)
Trường nghề khó tuyển sinh
Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng nghề (CĐN) thật sự gặp nhiều khó khăn. Có rất nhiều lý do khách quan nhưng theo tôi, có một số lí do chính như sau.
1. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, phụ huynh và học sinh về giáo dục nghề nghiệp chưa sâu sắc. Họ vẫn cho rằng điều kiện học lên và cơ hội tìm kiếm việc làm của học sinh sau khi tốt nghiệp là khó khăn. Đa phần học sinh muốn học ĐH hoặc có tấm bằng đại học cho “oai” mà chưa xét đến những điều kiện cơ bản của bản thân và gia đình (chưa đáp ứng và chưa phù hợp). Cũng phải thấy rằng sau tốt nghiệp ở bậc học này, họ làm việc ở các doanh nghiệp lương không cao, điều kiện lao động nặng nhọc hơn so với khi tốt nghiệp ở bậc học cao hơn. Điều đó khiến phụ huynh suy tư, không muốn chọn cho con em mình học nghề ở các trường TCCN, TCN thậm chí kể cả CĐN.
2. Cạnh tranh trong tuyển sinh: Những năm gần đây số trường và TCCN, TCN và CĐ nghề không ngừng tăng lên nên việc tuyển sinh vào các bậc học này, ngay trong từng địa phương đã có sự cạnh tranh hết sức gay gắt. Hơn nữa, những trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo bậc TCCN, TCN đã thu hút khá lớn học sinh phổ thông vào học. Theo nhìn nhận của học sinh, điều kiện cho họ học liên thông ở các trường này dễ hơn và kèm theo thương hiệu của trường ĐH, CĐ hấp dẫn hơn các trường TCCN, TCN. Một số trường ĐH, CĐ được tăng qui mô tuyển sinh bậc trung cấp đã vô tình “bóp chết” nguồn tuyển sinh của các trường TCCN, TCN. Đặc biệt bậc TCN trong các trường này tuyển sinh hết sức khó khăn.
3. Thực tế trong nhiều năm qua, chương trình đào tạo của các trường TCCN, TCN với hai hệ thống quản lý khác nhau có những quy định khác nhau, không thống nhất cũng khiến học sinh không yên tâm để theo học. Và các trường vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ chế đào tạo, chưa liên thông nên chưa hấp dẫn người học.
Th.S Nguyễn Trọng Quế
(Phó trưởng phòng GD chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế)