Thứ hai, 27/9/2010, 14h09

Những “danh hiệu” một thời vang bóng: Bài 12: “Lolita” Mỹ Châu

Lolita Mỹ Châu năm 20 tuổi. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Năm 1965 (15 tuổi), NSƯT Mỹ Châu bước lên ngôi vị đào chánh của Đoàn cải lương Thủ Đô rồi đến Kim Chung. Ngoài giọng ca hấp dẫn, thời gian này chị còn có gương mặt, vóc dáng, diễn xuất trẻ trung, sôi động nên được công chúng mệnh danh là Lolita (một nhân vật hấp dẫn trong bộ phim cùng tên của Pháp do diễn viên Brigitte Bardot đóng). Năm 1967, Mỹ Châu đoạt HCV giải Thanh Tâm và vinh quang tiếp tục trải rộng với chị cho đến ngày tạm ngưng hoạt động sân khấu.
“Ghét của nào trời trao của nấy”
Trường hợp này rất đúng với nghệ sĩ Mỹ Châu. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thủ Thừa - Long An, cha mất sớm, một mình má tảo tần mua gánh bán bưng nuôi bốn anh em chị ăn học. Má cực kỳ mê cải lương còn chị thì ngược lại, rất ghét cải lương mà chỉ thích hát tân nhạc. Năm 7 tuổi, Mỹ Châu được tuyển vào Ban văn nghệ của thầy Tấm Chấn - một thầy thuốc Đông y rất mê âm nhạc ở Thủ Thừa. Năm 1957, trong Hội thi văn nghệ thiếu nhi các tỉnh miền Tây tổ chức tại Long An, chị đã đoạt giải nhất với bài Chia tay mùa phượng đỏ. Nhưng má chỉ muốn chị trở thành nghệ sĩ cải lương nên tình cờ có anh Chấn, bạn của anh Hai chị vốn là một cây văn nghệ tài tử đến nhà chơi, má bảo chị nên “thọ giáo” anh ca vọng cổ. Chị kể: “Lúc đầu, tôi rất bực tức nhưng không muốn làm má buồn nên nghe theo. Từ ngày rành 6 câu vọng cổ và một số bài bản nhỏ, tôi được tuyển vào Ban ca nhạc kịch cải lương Thủ Thừa, chuyên hát về các đề tài xóa nạn mù chữ ở nông thôn. Một hôm, ban này hát ở Rạp Hoa Huệ, ông bầu Cang (Đoàn cải lương Tiếng Chuông) có đến xem và nhã ý mời tôi theo đoàn hát. Đêm đó về nhà má tôi mừng không ngủ được. Sáng hôm sau, tôi vẫn đi học bình thường, đến giờ ra chơi bất ngờ má tôi vào lớp nói với cô giáo: “Thưa cô, tôi xin cho con Châu nghỉ học để theo đoàn hát”. Cô giáo và tôi đều ngỡ ngàng, dù rất buồn vì phải xa thầy cô, bạn bè, từ giã ước mơ làm bác sĩ nhưng tôi cũng nghe theo lời má. Năm đó, tôi 11 tuổi, học lớp 5, hai má con tôi xách giỏ theo gánh Tiếng Chuông của bầu Ba Cang…”.
 Thời gian đầu, hai má con chị gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực. Ở đoàn này, thỉnh thoảng chị mới được đóng vai đào con, còn lại phải làm quần quật từ giặt giũ, gánh nước, ủi quần áo, nấu cơm… để được học nghề. Chị còn nhớ năm 13 tuổi, đoàn hát ở Rạp Hưng Đạo, bụng đói cồn cào, thấy có một người bán mì gõ đi ngang, má chỉ dám kêu một tô cho chị ăn, nhưng chị nhất định hai má con phải chia mỗi người một nửa. Chị bảo: “Trong nghề hát đâu phải ai cũng tốt bụng truyền đạt hết kinh nghiệm cho đàn em. Vì thế tôi học nghề bằng cách học lóm. Một màu son, một phấn má hồng người ta còn giấu mình huống hồ gì chỉ cách hát, cách diễn. Nhưng tôi được cái sáng dạ, càng giấu tôi càng theo dõi và cố gắng tìm cho ra bằng được ngón nghề đó mới thôi”. Năm 1964, Mỹ Châu may mắn được về Đoàn Út Bạch Lan - Thành Được, chính nghệ sĩ Út Bạch Lan đã giúp đỡ, rèn luyện, chị tiến bộ rất nhanh trong nghề. Tuổi 15 nhưng cơ thể chưa phát triển, chị phải độn nhiều lớp quần áo vào để đóng đào, vậy mà chị đã thành công với vai đào chính Thùy Dương trong vở Hai lần thu hẹn và nổi tiếng trên Sân khấu Thủ Đô. Tiếp theo là Đoàn Kim Chung diễn với Minh Cảnh, sau đó diễn cùng Minh Phụng tạo nên “mối liên doanh” được khán giả yêu mến nồng nhiệt. Trong chuyện tình cảm, nhìn hạnh phúc tràn ngập của Mỹ Châu và ông xã Đức Minh hiện tại, không ai có thể ngờ rằng, đã từng có lúc, chị “ghét cay ghét đắng” Đức Minh, ghét đến nỗi dù hát chung trên một sân khấu Sài Gòn 2 và Văn Công thành phố, có khi chị cũng không nói chuyện với anh. Trong nghệ thuật, Mỹ Châu nghiêm túc đến độ khó tính. Còn Đức Minh ca hay, diễn giỏi, hiền lành nhưng chỉ mỗi “tội” là say mê bóng đá đến cuồng nhiệt. Cũng vì quá mê bóng đá mà anh thường xuyên đến tập tuồng trễ, lên sân khấu diễn không thuộc tuồng và không hiếm lần… bỏ cả hát vì bóng đá khiến Mỹ Châu tức giận vô cùng. Nhưng rồi dần dần, chính chị đã “cải thiện” được bản tính bê trễ của anh và tình yêu đã đến với họ lúc nào không hay. Năm 1990, họ đã chính thức kết hôn và sống hạnh phúc cho đến ngày hôm nay.
Người mang nhiều “danh hiệu”
Ngoài Lolita, báo chí Sài Gòn trước năm 1975 còn tặng Mỹ Châu danh hiệu Nữ hoàng màu sắc, Nữ hoàng kiếm hiệp bởi trên sân khấu, chị thường mặc những bộ trang phục lộng lẫy diễn các vở Gió giao mùa, Băng Tuyền nữ chúa, Bình rượu nhiệm mầu, Tiêu Anh Phụng… Trong băng đĩa, chị cũng góp mặt trong hàng loạt các vở kiếm hiệp mà cho đến bây giờ khán giả trong nước và ngoài nước vẫn còn rất say mê: Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Kiếm sĩ dơi, Người tình trên chiến trận, Khi rừng mới sang thu, Bóng hồng sa mạc, Tâm sự loài chim biển, Kiếp nào có yêu nhau… Thành công rực sáng nhất của Mỹ Châu là giọng ca. Chị có chất giọng nữ trầm (alto), cải lương gọi là giọng thổ, âm điệu buồn. Các nhạc sĩ cho rằng giọng hát của chị mới nghe qua thấy khàn đục chất thổ, nghe kỹ lại thấy trong ấm chất kim, thích hợp với những vai sầu thương, nội tâm trắc ẩn.
Nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) đã sáng tác thể loại “Tân cổ giao duyên” cho Mỹ Châu ca vì ông biết chị có khả năng ca tân nhạc rất tốt. Bài hát đầu tiên chị thu đĩa là tác phẩm của Viễn Châu kết hợp với bản tân nhạc Duyên kiếp của nhạc sĩ Lam Phương được các đĩa hát Asia, Việt Hải, Tân Thanh, Continental… mời thu liên tục. Sau đó, cô Sáu Liên đã ký hợp đồng độc quyền với chị cho Hãng đĩa Việt Nam - hãng đĩa nổi tiếng nhất thời đó. Trong giới cổ nhạc cũng thường nói về một dây đờn mang tên dây Mỹ Châu. Theo chị, sự kiện này có từ năm 1976, khi đó chị đang tập vai Lan trong vở Tìm lại cuộc đời trên Sân khấu Sài Gòn 2, lớp diễn Lan thuyết phục người yêu là đại úy Huy Bình (Thanh Tuấn đóng) quay đầu về với cách mạng. Chị có tật lúc tập tuồng thì hát rất nhỏ để dưỡng giọng cho ngày phúc khảo, chính vì vậy mà chị thường hát dây kép (tông hát dành cho nam). Nghe lạ tai nên đạo diễn Huỳnh Nga gợi ý cho chị nên nghiên cứu cách ca đó cho lạ. Nhờ nhạc sĩ Hoàng Thành sáng tạo ra việc chêm vào cần đờn một dây chặn và điều chỉnh dây đàn theo tông “hò tư” rất thấp, độ trầm rung động lòng người. Từ đó, chị sáng tạo bằng cách xuống vọng cổ bằng hai dấu huyền, ví dụ Bước tha phương lưu lạc đến… Sài Gòn (vở Khách sạn hào hoa) trong khi lâu nay người ta thường xuống vọng cổ bằng một dấu bằng và một dấu huyền. Chị tâm sự: “Tôi vào nghề đặt ra cho mình các nguyên tắc: không uống cà phê, hút thuốc, uống rượu nhưng tôi thích ăn đồ nóng như hạt dưa, sầu riêng, nước đá cục… vì giọng tôi càng khàn thì càng hát hay”. Năm 2003, Mỹ Châu cùng chồng sang Mỹ định cư để lại sự luyến tiếc của biết bao khán giả hâm mộ. Thỉnh thoảng, chị về Việt Nam và chỉ tham gia công tác dàn dựng một số vở cải lương kinh điển cho Đài Truyền hình Cần Thơ.
Lê Quang Thanh Tâm

“Ngày trước tập một vở cải lương rất cực nhọc, nhiều vở “sống” đến ba năm trời. Còn bây giờ, diễn viên tập tuồng đến trễ 2-3 tiếng đồng hồ do bận chạy show, tuổi thọ của một vở diễn rất ngắn. Mỗi thời mỗi khác, cảm thấy không còn phù hợp thì mình tự rút lui…” - Mỹ Châu tâm sự.