Thứ hai, 26/10/2009, 15h10

Trăm năm trồng người: Bài 10: Gia đình thầy giáo Trai

Thầy giáo Trần Văn Trai đang dạy cháu nội học bài

Đến Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long hỏi nhà thầy giáo Trai hầu như ai cũng biết bởi gia đình thầy có đến 3 thế hệ theo nghề “gõ đầu trẻ”- nghề mà theo thầy Trai là nghề cao quý, lương thiện. Với nhận thức ấy, suy nghĩ ấy thầy đã truyền nghề từ đời con đến đời cháu...
“Nghề giáo là cuộc sống của mình”
Thầy giáo Trai (Trần Văn Trai) sinh năm 1931 tại ấp An Trung, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm trong gia đình nông dân nghèo. Thầy kể: “Cha tôi rất thông minh nhưng do nhà nghèo quá phải làm lụng vất vả để kiếm sống nên không thể đi học. Vì vậy, cha muốn tôi phải học hành đàng hoàng. Cha luôn nói: muốn tôi làm thầy giáo vì đó là nghề lương thiện và làm thầy giáo để giúp đỡ những đứa trẻ giống như cha ngày xưa nghèo khó”. Lời dạy của cha ăn sâu vào nhận thức của cậu học trò nhỏ. Đến khi học hết lớp 5 (chương trình của Pháp), thầy quyết định về Trung Trạch mở lớp dạy học. Không có phòng học, thầy phải mượn 2 phòng học cây lá tạm bợ của một ngôi chùa ở ấp Trung Trạch. Thầy giáo trẻ, lớp học nghèo nàn nhưng mong muốn được học tập, được hiểu biết của người dân nghèo khó nơi đây không vì thế mà giảm sút. Ngay năm học đầu tiên đã có đến 80 học sinh theo học và phải chia ra làm 2 lớp. Do chiến tranh, cuộc sống nghèo khó nên nhiều học sinh bằng tuổi của thầy và sự thân thiết, chân thành của học sinh làm thầy giáo trẻ càng thấy yêu nghề hơn. Nhiều hôm bom đạn làm phòng học cháy xém, thầy trò lại cùng nhau dựng lại lớp học. Thầy Trai kể: “36 năm theo nghề, thời gian được dạy ở quê hương cả trước và sau 1975 là quãng thời gian tôi hạnh phúc nhất vì có cảm giác bản thân làm được điều gì đó có ý nghĩa cho quê mình”.
Tôi biết và tìm đến nhà thầy giáo Trai bởi một người bạn đang công tác tại Vĩnh Long và là một giáo viên giỏi nhiều năm của tỉnh. Bạn tôi kể: “Sau giải phóng nhà tôi khó khăn lắm, cha hy sinh, mẹ một mình nuôi mấy chị em tôi ăn học. Nhiều lúc muốn bỏ học để giúp mẹ thì thầy Trai lại động viên, khuyên nhủ, thăm nom. Lúc ấy, nhà thầy cũng khó khăn không kém nhà tôi nhưng chính những động viên, gần gũi và chia sẻ của thầy giúp 5 chị em tôi từng bước vượt khó. Và từ thầy, 2 chị em tôi mơ ước được làm giáo viên để được giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn của học sinh giống như thầy”. Cuộc sống của nhà giáo những năm sau giải phóng rất khó khăn nhưng thầy giáo Trai kiên quyết không bỏ dạy, thầy cười: “Lúc ấy mình lại nghĩ, mình bỏ dạy sẽ tội nghiệp học sinh lắm mà cái nghề giáo là cuộc sống của mình rồi, bỏ dạy thì coi như mình không còn “sống” nữa”. Để có thể cùng vợ nuôi 5 người con đến tuổi ăn học, thầy Trai tranh thủ thời gian để làm ruộng. Người nhỏ nhắn nhưng hết giờ dạy là thầy lại lao vào ruộng rẫy để có thể “nuôi” nghề của mình.
Truyền lửa nghề cho con
Nhiệt huyết, tình yêu nghề của thầy giáo Trai như một nguồn nhựa nóng truyền cho năm người con. Ba trong số năm người con của thầy giáo Trai cũng là giáo viên. Hiện con trai thứ ba của thầy đang là Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Việt Hùng; con gái là giáo viên dạy văn của Trường THCS Trung Thành. Do yêu cầu công việc, 3 người con còn lại làm việc tại Hội đồng Nhân dân huyện Vũng Liêm và Phòng Văn hóa Thông tin huyện. Ba trong số bốn cô con dâu của thầy Trai cũng là giáo viên dạy ở các trường THCS, mầm non, tiểu học ở huyện nhà. Điều đặc biệt, con trai thứ ba của thầy Trai là gia đình thầy Trần Minh Chánh có vợ và con gái đều là giáo viên. Thầy Chánh chia sẻ: “Ngay khi còn nhỏ hình ảnh một thầy giáo mẫu mực thương học trò như thương con của cha khắc sâu vào tâm trí của tôi. Từ đó, tôi quyết tâm học thật giỏi để trở thành thầy giáo như cha mình”. Vợ chồng làm giáo viên, khó khăn trăm bề nhưng thầy Chánh và vợ là cô Nguyễn Thị Kim Phượng vẫn quyết tâm theo đuổi nghề. Cô Phượng kể: “Những năm 1980, hai đứa con nhỏ bệnh liên tục trong khi lương thì thấp. Nhiều người cùng trang lứa bỏ nghề nhưng vợ chồng tôi cương quyết bám trường, bám lớp”. Theo lời cô Phượng thì ngoài giờ dạy, hai thầy cô lao vào chăn nuôi, trồng trọt, hết trồng rau, củ, họ lại trồng hoa cúc, hoa vạn thọ để mang ra chợ bán vào những ngày rằm. Hai đứa con lần lượt lớn lên, chi phí ngày càng nhiều, hai nhà giáo lại nuôi heo nái để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống vất vả không kể xiết, nhiều lúc cô Phượng phải đi bộ hơn 5km vừa bồng con trai nhỏ, vừa dắt theo con gái lớn để đi dạy vì không có tiền mua được một chiếc xe đạp cũ.
Các con lớn lên trong khó khăn về vật chất nhưng rất hãnh diện vì là con của thầy Chánh - cô Phượng. Học hết lớp 12, cô con gái lớn của họ quyết định thi vào Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành sư phạm văn. Trần Nguyễn Phượng Loan - con gái thầy Chánh hiện là giáo viên dạy văn, Trường THPT Võ Văn Kiệt, tỉnh Vĩnh Long. Thầy Chánh phấn khởi: “Ngay sau khi hết tập sự là cháu tham gia thi giáo viên giỏi liền. Năm đó, cháu đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp I tỉnh. Cha tôi và tôi rất hài lòng vì cháu rất yêu nghề, tâm huyết”. Khi vào nghề, hai cha con thầy giáo Trai đã gặp phải những khó khăn nhất định nhưng bằng lòng đam mê, ý chí quyết tâm họ đã sống trọn vẹn với nghề, với cái nghiệp gõ đầu trẻ. Và nhiệt huyết ấy được truyền từ đời này sang đời khác. Cô Trần Nguyễn Phượng Loan tâm sự: “Nghề dạy học là một truyền thống của gia đình rồi, tôi chỉ nối tiếp truyền thống ấy bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng một tình yêu sâu sắc với nghề giáo. Sau này, tôi sẽ không ép buộc con theo nghề giáo nhưng nếu con tôi chọn nghề giáo, chắc chắn tôi sẽ hạnh phúc và hãnh diện vô cùng”.
 “Gia đình thầy giáo Trai” - là từ ngữ quen thuộc mà người dân xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm nói về gia đình nhiều người, nhiều đời theo đuổi nghiệp dạy học của thầy giáo Trần Văn Trai. 78 tuổi - sống gần hết đời người, thầy Trai cảm thấy hài lòng về việc “sống chết” theo nghề giáo mà thầy đã chọn khi còn trẻ. Thầy nói: “Thầy cảm thấy rất hãnh diện, rất vui khi bỗng nghe ai đó gọi “thầy ơi...”, hãnh diện vì nhiều con, cháu theo nghề”. Và không riêng thầy Trai mà tất cả các con của thầy cũng thế, họ rất tự hào về nghề giáo. Cô Nguyễn Thị Kim Phượng nói: “Cách sống của cha với mọi người xung quanh, với học trò của mình luôn là tấm gương để chúng tôi phấn đấu. Chúng tôi luôn cố gắng ngày một sống tốt hơn nữa để xứng đáng với tấm lòng của bà con khi gọi gia đình mình là “gia đình nhà giáo”.
Khi tôi ra về, cậu cháu nội Trần Lý Anh Quân, học sinh lớp 4 đang nhờ ông nội giải thích thêm về bài học của mình. Thầy khoan thai giải thích cho cháu, giọng hiền từ. Hình ảnh một người thầy mẫu mực, một gia đình sống thanh bạch bằng nghề giáo ăn sâu vào tâm trí tôi đến tận bây giờ...
Bảo Ngọc