Thứ ba, 21/5/2024, 14h31

Học sinh đưa Adruino vào cuộc sống qua các mô hình thực tế

Sử dụng AI nhận diện khuôn mặt; hệ thống giữ xe thông minh; băng chuyền phân loại sản phẩm… là các sản phẩm ấn tượng với tính ứng dụng thực tiễn cao lần đầu tiên được học sinh lớp 10, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) thiết kế tranh tài trong Cuộc thi Arduino - Ứng dụng vào cuộc sống.


Sản phẩm “Hệ thống giữ xe thông minh” giành giải nhất trong hội thi

Mô hình Băng chuyền phân loại sản phẩm, nhóm 4 bạn nữ đến từ lớp 10A16 đạt giải nhất hội thi đã khiến nhiều bạn nam phải “thán phục”.

Trần Ngọc Ánh Dương - đại diện nhóm thiết kế cho hay, mô hình được chế tạo trong vòng 1 tuần, ứng dụng kiến thức tin học về mạch arduino cùng kiến thức về cơ khí, vật lý… Trong đó, khó nhất ở khâu viết code, do băng chuyền hoạt động theo cơ chế nhận diện theo màu sắc nên chỉ số của code có thể bị ảnh hưởng…


Mô hình nhà thông minh do 6 thành viên nữ lớp 10A15 thiết kế

“Mô hình hiện có thể dùng để phân loại bưu phẩm, thực phẩm. Nếu cải tiến code thì có thể phân loại theo đặc tính sản phẩm, ứng dụng trong nhiều ngành nghề, từ đó giúp giảm nhân lực, tăng năng suất. Cùng nhau thiết kế sản phẩm, chúng em thấy tin học không còn khô khan mà trái lại rất thú vị và gần gũi với cuộc sống” - Ánh Dương chia sẻ.

Tương tự, mô hình Nhà thông minh của nhóm 6 bạn nữ lớp 10A15 cũng gây ấn tượng trong cuộc thi bởi tính sáng tạo và ứng dụng cao. Mô hình gồm hệ thống quạt, đèn và hệ thống đồ bơm. Hệ thống quạt, đèn kết nối với wifi điều khiển bằng hệ thống web, hỗ trợ bật tắt từ xa; Hệ thống đồ bơm hoạt động hoàn toàn tự động dựa trên độ ẩm của đất.

Thùy Trang - đại diện nhóm thiết kế cho biết, qua mô hình nhóm mong muốn tin học được ứng dụng nhiều hơn nữa trong cuộc sống, giúp cuộc sống trở nên tiện ích hơn…

Đạt giải nhì trong cuộc thi, mô hình camera hành trình do nhóm 6 thành viên lớp 10A15 thiết kế gồm camera, bộ dây mạch, hộp pin và mô tơ. Là học sinh lớp 10 chỉ mới bắt đầu học về lập trình, nhóm thiết kế cho biết khó khăn nhất khi chế tạo là khâu viết code do đây là kiến thức vẫn còn khá mới mẻ. Trong khi mô hình đòi hỏi phải tích hợp nhiều kiến thức phức tạp hơn…


Mô hình băng chuyền phân loại sản phẩm có tính ứng dụng cao trong sản xuất kinh doanh

“Cách học bằng ứng dụng giúp môn học trở nên thú vị, chúng em có thể làm ra các sản phẩm, học hỏi và lập trình nhiều trang web, ứng dụng hay. Mô hình của nhóm em có thể hỗ trợ dò đường ở những khu vực góc hẹp hoặc khu vực thiếu an toàn cũng như tìm kiếm đồ thất lạc” - Nguyễn Vũ Phương Diệp (đại diện nhóm thiết kế) giới thiệu.

Sử dụng AI để nhận diện khuôn mặt qua mô hình Súng laze, nhóm của Hán Quân - lớp 10A15 đạt giải nhất. Mô hình có thể ứng dụng hỗ trợ trong an ninh, quân sự… Theo Hán Quân, cuộc thi đã tạo ra sân chơi ý nghĩa cho học sinh được thử sức. Các mô hình của các bạn rất sáng tạo, dù thiết kế sản phẩm cũng rất khó nhưng bạn nào cũng háo hức…

Với thiết kế Hệ thống giữ xe thông minh, nhóm 5 thành viên nam lớp 10A15 đã xuất sắc giành giải đặt biệt trong hội thi. Điểm khác biệt của hệ thống so với những bãi giữ xe tự động hiện nay là tính tự động hóa, cho phép bãi giữ xe không cần sử dụng thêm nhân lực bảo vệ. Đồng thời hệ thống có thể báo cho người gửi xe chỗ để xe còn trống thông qua hệ thống đèn led, giúp người gửi xe dễ dàng tìm được chỗ đỗ xe an toàn…


Thiết kế máy dò đường giúp tìm đồ thất lạc và kiểm tra tính an toàn của các cung đường

Dương Minh Khôi - thành viên nhóm thiết kế cho biết, đây là lần đầu tiên cả nhóm được tự mình thiết kế ra một mô hình như thế này. Môn tin học trong Chương trình 2018 khá thú vị, chúng em được học những kiến thức lập trình mới, hiểu được cách thức hoạt động của máy tính cũng như ứng dụng trong đời sống.

Các mô hình có tính ứng dụng cao

Theo cô Lưu Hải Yến - Tổ trưởng tổ Tin học, Trường THPT Phú Nhuận, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức cuộc thi dành riêng cho học sinh 3 lớp 10 học tin học theo định hướng khoa học máy tính. Với mong muốn học sinh ứng dụng kiến thức đã học, sáng tạo để đưa vào thực tế, giải quyết được những vấn đề của thực tiễn.


Mô hình Súng laze ứng dụng AI để nhận diện khuôn mặt có thể ứng dụng trong quân sự, an ninh

Cô Yến cho biết, đây là năm đầu tiên nhà trường dạy tin học theo định hướng khoa học máy tính. Các lớp học tin học theo định hướng khoa học máy tính sẽ học chuyên đề về điều khiển arduino, về robot học. Do vậy, các em có điều kiện để nghiên cứu, cùng với sự định hướng của giáo viên để thiết kế ra các sản phẩm…

“20 thiết kế tranh tài trong hội thi đều thể hiện sự sáng tạo của học sinh và có tính ứng dụng thực tế rất cao. Không chỉ ứng dụng các kiến thức tin học từ ghế nhà trường, mỗi sản phẩm còn thể hiện sự tìm tòi, đam mê của các em. Nhiều sản phẩm còn được các em ứng dụng AI để nhận diện khuôn mặt, thiết mô hình tưới tiêu tự động; điều khiển âm thanh, ánh sáng; kết nối IoT dùng điều khiển từ xa đến nhà và các thiết bị khác để phục vụ cuộc sống… Đây là những kiến thức không có trong chương trình, buộc các em phải tự mình tìm tòi, học hỏi, vận dụng để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế của mình” - cô Hải Yến đánh giá.

Yến Hoa