Thứ năm, 29/12/2022, 16h47

Học sinh được tập huấn sơ cứu tai nạn thương tích

Phần lớn những trường hợp tử vong trong giờ đầu sau tai nạn là do hậu quả của việc tắc nghẽn đường thở và chảy máu ngoài. Nếu được huấn luyện và tổ chức tốt, 75% nạn nhân ngưng tim có thể được cứu sống.


Hc sinh Trưng Trung hc Thc hành ĐH Sư phm TP.HCM thc hành công tác sơ cu nn nhân

Thông tin này được ThS.BS Đỗ Ngọc Chánh (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM) chia sẻ với học sinh, giáo viên Trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM.

Bác sĩ Chánh còn là giảng viên y học cấp cứu - y học gia đình; giảng viên nguồn “ứng phó thảm họa” -  châu Á Thái bình Dương; giảng viên nguồn “tăng cường chăm sóc chấn thương trước viện” (WHO/Cục Quản lý môi trường y tế). 

Theo bác sĩ Chánh, tai nạn thương tích với những di chứng không mong muốn có thể đem đến những mất mát cho gia đình, thậm chí cũng là gánh nặng cho xã hội. Phần lớn những trường hợp tử vong trong giờ đầu sau tai nạn là do hậu quả của việc tắc nghẽn đường thở và chảy máu ngoài. Nếu được huấn luyện và tổ chức tốt, 75% nạn nhân ngưng tim có thể được cứu sống.

“Khả năng sống còn của bệnh nhân ngưng tim ngoài bệnh viện phụ thuộc phần lớn bởi hành động của người chứng kiến. Những người chứng kiến càng nhanh chóng thực hiện đúng các thao tác sơ cứu này thì xác suất sống còn càng tăng lên nhiều. Các thao tác đó là: Bất động cột sống cổ; khai thông đường thở; ép tim thổi ngạt; chèn ép trực tiếp vào vết thương” - bác sĩ Chánh nói.

Nhưng để thực hiện sơ cứu, người chứng kiến cần nhận diện được tình trạng của nạn nhân thông qua các thao tác: Lay gọi; quan sát; lắng nghe; cảm nhận đáp ứng của nạn nhân (tỉnh hay bất tỉnh). “Nếu nạn nhân còn tỉnh, nên đứng ở phía bên hoặc dưới chân nạn nhân để thăm hỏi, đánh giá nhận thức của họ. Tránh đứng ở phía trên đầu nạn nhân khiến họ phải ngước cổ lên trả lời, đôi khi sẽ khiến tình trạng chấn thương thêm nặng nề hơn” - bác sĩ Chánh lưu ý.

Bác sĩ Chánh cũng chỉ ra những dấu hiệu ngừng tim như: Bất tỉnh, ngưng thở, vô mạch. Còn để nhận biết chấn thương đầu và cột sống cổ, có thể dựa vào các dấu hiệu như: Có lực tác động vào vùng đầu - cổ; bất tỉnh, thay đổi nhận thức; đau vùng cột sống cổ; than đau, cảm giác tê, liệt hoặc mất kiểm soát về vận động tứ chi, rối loạn tiểu tiện; đầu - cổ ở tư thế bất thường.

Nhằm tăng hiệu quả sơ cứu, người chứng kiến cần tuân thủ nguyên tắc an toàn như: Cố định nạn nhân; tránh lật, vác, cõng, bế vì có thể làm thương tổn nặng thêm. Luôn giữ đầu và cột sống nạn nhân trên trục thẳng; giữ ấm toàn thân; gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu hiện trường an toàn, để bệnh nhân tại chỗ; ôm giữ đầu cổ; chèn bất động đầu cổ; gọi và chờ lực lượng cấp cứu đến xử lý.

“Để thực hiện đúng kỹ thuật và vận hành nhóm một cách phù hợp, các học sinh, sinh viên cần luyện tập trên mô hình chuẩn dưới sự hướng dẫn trực tiếp bởi các giảng viên trải nghiệm công tác cấp cứu ngoại viện” - bác sĩ Chánh nhấn mạnh.

Thc Trân