Thứ tư, 15/3/2023, 10h28

Làm gì khi biết ngành nghề yêu thích bị đánh giá là vô dụng nhất?

Theo chuyên gia, vì thông tin hướng nghiệp trên TikTok đôi khi mang tính phiến diện, 'câu' tương tác nên học sinh cần xây dựng 'màng lọc' trước khi tiếp nhận, đồng thời tham khảo các phương pháp chọn ngành nghề phù hợp.

Đây là những video mang chủ đề "Những bằng ĐH vô dụng nhất Việt Nam" trên TikTok, có chung nội dung là khuyên người học từ bỏ các ngành học kể trên, thu hút từ vài trăm nghìn đến gần 5 triệu lượt xem.

Nguy hiểm với học sinh

Từng học cử nhân, thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Đài Loan và Trung Quốc, anh Nguyễn Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH Du học Hoa Ngữ (Hà Nội), nhìn nhận những quan điểm tiêu cực về ngành nghề trên TikTok đều phiến diện, cố tình chỉ nêu mặt chế với mục đích tạo ra tranh cãi để "câu" lượt xem, tương tác. "Chúng không hề có giá trị hướng nghiệp nhưng trớ trêu thay, các bạn trẻ hiện nay vì thiếu kinh nghiệm nên rất dễ bị dẫn dắt, sau đó có nhận thức sai lầm về ngành", anh Việt bày tỏ lo lắng.

Làm gì khi biết ngành nghề yêu thích bị đánh giá là vô dụng nhất? - Ảnh 1.

Những thông tin hướng nghiệp trên TikTok thu hút lượng lớn lượt xem. CHỤP MÀN HÌNH

Theo thạc sĩ Việt, chương trình đào tạo của ngành quản trị kinh doanh tuy không chuyên sâu nhưng trải rộng nhiều lĩnh vực cần thiết để vận hành công ty như kinh doanh, marketing, truyền thông, nhân sự, kế toán... Đó là mặt hạn chế nhưng đồng thời cũng là ưu điểm khi có thể giúp người học đảm nhận nhiều vị trí khác nhau sau khi ra trường, chứ không nhất thiết phải đi quản lý doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, thạc sĩ Nguyễn Nhật Quang, Trưởng khoa Ngoại ngữ-Hợp tác quốc tế Trường CĐ Nova (TP.HCM), "nói thẳng" rằng TikToker đang cố tình tạo scandal để thu hút dư luận thông qua những phát ngôn thiếu hiểu biết, có tính ngụy biện và chỉ dựa trên nhận thức cá nhân như "ngành ngôn ngữ Anh vô dụng, nên học ngành khác rồi thi IELTS là được"."Nói như thế chẳng khác gì người Việt nào cũng có thể dạy ngữ văn vì ai cũng giỏi tiếng Việt", thầy Quang ví von.

"Đương nhiên, điều đó là không thể. Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu học trái ngành, người lao động muốn hành nghề giáo viên tiếng Anh phải có bằng ĐH liên quan và bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp bởi Bộ GD-ĐT hoặc các tổ chức quốc tế. Nhưng không thể phủ nhận rằng thị trường ngoại ngữ nước ta đang còn dễ dãi. Chẳng hạn, một số trung tâm nhỏ châm chước cho các thầy cô có điểm IELTS cao được đứng lớp, dẫn đến nhận định sai lầm của TikToker", thầy trưởng khoa phân tích.

Làm gì khi biết ngành nghề yêu thích bị đánh giá là vô dụng nhất? - Ảnh 2.

Những video về ngành học vô dụng được chuyên gia cảnh báo có hại cho học sinh. CHỤP MÀN HÌNH

Cũng theo thạc sĩ Quang, ngành ngôn ngữ Anh ở các trường CĐ, ĐH Việt Nam thường chia thành các chuyên ngành biên-phiên dịch, thương mại, quan hệ đối ngoại, sư phạm tiếng Anh. Trong mỗi lĩnh vực, sinh viên phải học thêm các môn đặc thù khác ngoài kiến thức về tiếng Anh, như ở sư phạm là phương pháp giảng dạy, tâm lý học giáo dục... Đây là những kỹ năng nghề nghiệp mà chứng chỉ IELTS không thể dạy cho thí sinh.

Có thể tham khảo từ TikTok, nhưng...

Với chuyên môn tiếp thị trên nền tảng số, thạc sĩ Dư Tiểu Dương, Chủ nhiệm bộ môn quản trị kinh doanh Trường ĐH FPT TP.HCM, khẳng định TikTok đang trở thành công cụ tìm kiếm thông tin của thế hệ trẻ theo các báo cáo của Google. "Việc tham khảo thông tin trên TikTok cũng không sai. Tôi đã xem được rất nhiều nội dung do bạn trẻ làm nhưng rất chuẩn xác", thầy Dương kể.

Tuy nhiên, để tránh nội dung xấu, độc khi tìm hiểu thông tin hướng nghiệp như "ngành học vô dụng" trên TikTok, thầy Dương khuyên người dùng trang bị "màng lọc" cho bản thân thông qua việc phân tích, xử lý thông tin tiếp nhận.

"Ta có thể dựa trên các từ khóa để tìm thêm nội dung tương tự trên cùng nền tảng hoặc đa nền tảng để so sánh. Bên cạnh đó, tìm ngược lại nguồn trích dẫn được các nhà sáng tạo nội dung đề cập trong video để tìm hiểu thêm. Một cách khác là mang thông tin vừa tiếp nhận đến xác nhận với những người có kinh nghiệm như bạn bè hoặc chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, việc xem một lượt các nội dung đã sản xuất cũng phần nào cho biết độ tin cậy của kênh TikTok", thạc sĩ Dương hướng dẫn.

Làm gì khi biết ngành nghề yêu thích bị đánh giá là vô dụng nhất? - Ảnh 3.

Chuyên gia khuyên người học cần có 'màng lọc' thông tin trước khi tiếp nhận nội dung hướng dẫn nghề nghiệp trên TikTok. CHỤP MÀN HÌNH

Còn anh Nguyễn Duy Việt nhìn nhận, nếu muốn tìm thông tin hướng nghiệp trên TikTok, người trẻ cần tìm hiểu kỹ về nhân vật phát biểu. Nếu từ tổ chức, đây nên là công ty hướng nghiệp hợp pháp với những chuyên viên được đào tạo bài bản. Còn nếu là cá nhân, phải đào sâu vào bối cảnh của nhân vật như độ uy tín, kinh nghiệm đối với quan điểm đưa ra... "Quan trọng nhất, bạn trẻ phải xác định tất cả thông tin nhận được đều chỉ mang tính tham khảo chứ không phải để dựa theo hoàn toàn", anh Việt lưu ý.

Cách chọn ngành phù hợp

Để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, thạc sĩ Dương gợi ý học sinh tham gia các bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách như MBTI. Ngoài ra, không ít trường ĐH cho học sinh đăng ký tham quan cũng như tham gia vào lớp học trải nghiệm của từng chuyên ngành. "Không chỉ vậy, với lợi thế vốn có của mạng xã hội, học sinh có thể tìm đến những tài khoản uy tín, sẵn sàng chia sẻ để các bạn có những nhận thức đúng đắn, định hướng phù hợp trước khi nộp hồ sơ", thầy Dương nói.

Thầy chủ nhiệm bộ môn quản trị kinh doanh lưu ý thêm việc học ĐH ở bất kỳ ngành nghề nào cũng cung cấp khả năng tư duy, tìm ra giải pháp cho các vấn đề mới chứ không chỉ học nghề, "vì nghề dễ bị thay thế và những bí kíp sẽ không còn hữu hiệu khi có sự thay đổi".

Làm gì khi biết ngành nghề yêu thích bị đánh giá là vô dụng nhất? - Ảnh 4.

Sinh viên ngành ngoại ngữ thi nói thông qua việc lồng tiếng phim, một hoạt động có sự hỗ trợ từ công cụ AI. NHẬT QUANG

"Một mẹo nhỏ cho học sinh là gõ tên ngành học vào công cụ tìm kiếm để xem nội dung chương trình đào tạo nhằm biết rõ hơn mình sẽ được học những gì, đồng thời xem thêm những bài giảng công khai của các giảng viên trên toàn thế giới", thạc sĩ Dương cho hay.

Trong khi đó, thạc sĩ Quang đề xuất việc chọn ngành cần dựa trên 3 trụ cột chính. Thứ nhất là năng lực bản thân, trong đó gồm nhiều nguồn phối hợp như năng lực học thuật, năng lực tài chính, năng lực gia đình... Thứ 2 là sở thích và đam mê, những yếu tố "giữ lửa" giúp sống lâu dài với nghề. "Để 'khơi' được đam mê, sở thích, các em cần tự trải nghiệm thực tế và nghe chia sẻ từ những người trong nghề", thầy Quang nói. Cuối cùng là thị trường lao động và nhu cầu việc làm, những thông tin có thể tham khảo thông qua tư vấn từ các trường cũng như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Thông tin "đúng một phần"

Tốt nghiệp ngành báo chí và hiện là chuyên viên sáng tạo nội dung tại Công ty CP YouNet (TP.HCM), T.V.M.P (23 tuổi) nhìn nhận quan điểm "thời buổi này không cần có bằng marketing cũng có thể ra làm marketing được" do TikToker nói có một phần đúng. "Điều này xuất phát từ thực tế nhiều nhân sự là kỹ sư, giáo viên nhưng 'đá chéo sân' và đã thành công trong ngành marketing", P. phân tích.

Tuy nhiên, nữ chuyên viên nhận định thiếu bằng ĐH không đồng nghĩa với thiếu kiến thức liên quan. "Ngành nào chẳng có người học trái ngành, nhưng nhân sự 'đá chéo sân' như tôi cần phải nỗ lực rất nhiều qua cọ xát thực tế, đồng thời học thêm từ người đi trước và các khóa bổ túc. Trong khi đó, theo quan sát thực tế, những ai đã có sẵn nền tảng về ngành từ trường ĐH sẽ làm việc và thăng tiến nhanh hơn", P. nói.

Theo Ngọc Long/TNO