Thứ sáu, 1/12/2023, 15h46

Một thời “cuốc bộ” tới trường

Chuyện học của thế hệ chúng tôi rơi vào một “khung” đáng nhớ trong đời! Từ năm 1962 tôi vào lớp “vỡ lòng”, đến năm 1974 tôi hết lớp 10 (hệ 10 năm ở miền Bắc và bị “đúp” một năm lớp 6 nên ra trường trễ một năm). Chúng tôi chỉ được hưởng không khí hòa bình hai năm (lớp “vỡ lòng” và lớp 1) là bắt đầu “sống chung” với chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc (1964-1972). Nhưng việc học hành luôn được toàn xã hội chăm lo đến nơi đến chốn. Những năm chiến tranh ấy, trong những ngày hè là thời gian xây dựng trường. Lớp học cách xa nhau, có đắp công sự bốn bên đề phòng bom đạn. Chúng tôi đi bộ đến trường từ lúc lên lớp 5 (cấp 2 hồi đó) đến năm lớp 10 khá vất vả. Nhưng với con nhà nông dân, chúng tôi từng vào rừng lấy củi, từng leo đồi hái sim, hái ổi thì quãng đường gần 6 cây số cũng không đến nỗi nào. Mỗi ngày, chúng tôi phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để học bài bên ngọn đèn dầu mờ tỏ. (Xin nói thêm một chút về chiếc đèn dầu thân thiết này. Dầu được làm từ hạt bưởi, hạt thầu dầu, hạt dầu lai… phơi khô, rang lên giã nhỏ và nấu lấy dầu thắp sáng). Mẹ tranh thủ luộc một nồi khoai lang hoặc có bữa là ngô (bắp hầm) cho anh em chúng tôi ăn rồi đi học. Cũng có lúc vội, mang theo vài ba củ khoai, vừa ăn vừa đi đến trường. Dọc đường, chúng tôi tranh thủ “truy bài”, hoặc tranh luận với nhau sôi nổi về một vài kiến thức trong bài học. Có khi đến cổng trường rồi mà vẫn chưa phân định thắng thua… Ngồi học bốn tiết trong lớp xong, chúng tôi từng tốp ra về. Lúc này câu nói “đói vàng mắt” là có thật! Sức tuổi ăn tuổi lớn mà buổi sáng vài ba củ khoai, bát ngô hầm thì cái bụng luôn sôi réo vào tiết học cuối. Không những vậy, cuốc bộ còn mất sức hơn vì toàn thân luôn vận động. Dọc đường, qua những nơi vắng bóng người, chúng tôi ào xuống ruộng lúa, nhổ đòng đòng ăn đỡ đói! Các bác xã viên cũng không hiểu vì sao những khoảnh lúa gần mé đường lại không trổ bông? Họ đâu biết nguyên nhân vì lũ học trò “nhứt quỷ nhì ma…” này gây ra. Dưới chân cầu trên quốc lộ, mấy trái bom nằm lăn lóc bên đường, dù đã được các chú công binh tháo ngòi nổ nhưng cũng thấy rờn rợn. Chúng tôi chạy nhanh qua những chỗ này, biết đâu nó “bùm” bất ngờ thì nguy hiểm đến tính mạng! Cứ thế, suốt mấy năm học xa trường, chúng tôi cuốc bộ đến mòn dép để học tập và rèn luyện. Chính nhờ những tháng ngày gian khổ, cuốc bộ miệt mài nên chân săn chắc; đến giờ này vẫn còn sức khỏe. Đi bộ giúp chúng tôi rất nhiều về sức khỏe cơ thể, về sức khỏe tinh thần, luôn sáng suốt, tự tin…

Ngày nay, học sinh được cha mẹ đưa đến trường bằng các phương tiện thuận lợi, vừa nhanh vừa khỏe người. Nhưng tôi thấy đó cũng là điều hạn chế vì các em không được “tự thân vận động” nên cơ bắp rất yếu, thiếu săn chắc, thiếu sức bền trong học tập. Vì vậy, học sinh nên đi bộ nếu nhà ở gần trường, vừa thể dục thể thao, vừa rèn luyện được rất nhiều kỹ năng sống.

Lê Đc Đng