Thứ tư, 15/3/2023, 16h13

Nên ủng hộ hoạt động trải nghiệm ở nhà trường

Chúng ta đã lên tiếng quá nhiều về kiểu giáo dục lý thuyết suông, kinh viện, từ chương, xa rời thực tế. Và chúng ta cũng đã kêu ca quá nhiều về việc trẻ bị “nhốt” trong nhà, trong trường, suốt ngày cắm đầu vào các bài tập với những con số loằng ngoằng, những công thức trừu tượng không bao giờ áp dụng trong thực tế đến mức trẻ bụng béo phì, mắt cận thị, thiếu năng động ngày càng nhiều. Thế thì, một câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta phản đối việc các trường tổ chức cho học sinh đi thực tế, tham quan, dã ngoại… mà ngành giáo dục gọi là trải nghiệm?

Có ý kiến cho rằng đi trải nghiệm như thế là tốn tiền, bỏ ra nhiều kinh phí (có ví dụ đưa ra con số 1,4 triệu đồng/học sinh/chuyến đi để minh chứng cho cái sự tốn kém đó). Rồi với các lý do khác như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ép nhau đi không còn tinh thần tự nguyện, đi ồ ạt theo phong trào làm cho học sinh không muốn tham gia cũng phải gắng gượng đi… Tuy nhiên, đã tham gia các hoạt động, đi dã ngoại thì phải có kinh phí, phải chi tiền. Thực chất đây là cách vừa chơi vừa học, coi như một khoản đầu tư hợp lý. Còn chuyện nguy cơ, nguy hiểm thì cũng có nhưng phải làm tốt khâu chuẩn bị, khâu tổ chức, quản lý triệt để, bởi vì xét về thuyết nguy cơ thì ngay cả trên đường đi học về hàng ngày đều tiềm ẩn các nguy cơ không an toàn như mưa gió, xe cộ, bụi bặm...

Hoạt động tham quan, trải nghiệm là vô cùng cần thiết và bổ ích. Học sinh được đi nắm bắt thực tế, mở mang đầu óc, hiểu biết cuộc sống, hình thành những dự định, ước mơ, rèn các kỹ năng sống. Ví dụ, khi học sinh tham quan các nhà máy sản xuất, về nhà ước sau này trở thành kỹ sư tự động hóa chẳng hạn, quá hay. Chúng ta không chỉ ủng hộ các trường tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm nhiều hơn mà còn nên ủng hộ các trường đổi mới phương pháp giáo dục, giảm bớt lý thuyết kinh viện, các bài tập quá khó không có tính ứng dụng; để tập trung thực hành, thực tế, phát triển các kỹ năng, tố chất cá nhân.

Hiện ngành giáo dục đang nhức nhối câu chuyện thiếu trang thiết bị dạy học, và thực tế cho thấy lâu nay chủ yếu người thầy dạy chay - học sinh học chay, đua chen về điểm số, thành tích, giải thưởng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, bằng cấp… chứ chưa đi vào thực chất. Kiến thức trong nhà trường ngày càng lạc hậu so với thực tế. Và thực tế là có rất ít sáng chế, phát minh, sáng tạo khoa học kỹ thuật, rất ít sản phẩm ra thị trường…, nhiều sinh viên nhận bằng ĐH xong nhưng kỹ năng thì như “con nai vàng ngơ ngác”; năng lực thực tế là con số 0 tròn trĩnh nên đã lặng lẽ cất bằng, làm công việc trái ngành đã học. Đó mới là vấn nạn kinh khủng của giáo dục.

Trn Quang Đi