Thứ hai, 20/11/2023, 15h19

Nghĩa tình thầy trò miền quê!

Khi còn trong quân ngũ, chiến đu nơi chiến trưng sông nưc min Tây Nam b; sau nhng chng đưng hành quân, tn mt chng kiến cuc sng muôn vàn vt v ca ngưi dân, tôi thy dâng lên mt nim thương đến l!


Thy Phm Văn Ly (nguyên Hiu trưng Trưng Cp 3 Phú Tâm, tnh Sóc Trăng)

Sống trong sự đùm bọc, che chở của người dân chân chất, hiền lành, tôi càng thấm thía nghĩa tình con người Nam bộ. Họ sống rất thiệt thà, hiền lành, chất phác… Giữa năm 1977, sau khi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; đơn vị tôi lui về hậu cứ nhằm củng cố về mọi mặt, chuẩn bị cho những chiến dịch lớn. Một hôm, sau buổi luyện tập, cậu liên lạc xuống thông báo tôi lên gặp ban chỉ huy gấp. Tôi lên ngay và gặp anh Long (Đại đội trưởng) cho biết trên Tiểu đoàn nhất trí cử tôi đi ôn thi đại học tại Trường văn hóa Quân khu. Anh Long bắt tay chúc mừng và nói: “Em ráng ôn thi vô ngành sư phạm. Miền quê Nam bộ sau giải phóng cần những người thầy như em!”. Tôi đến Trường văn hóa Quân khu ôn thi và đăng ký thi vào ngành văn, Trường Đại học Cần Thơ. Bốn năm học đại học trong thời bao cấp, nỗi vất vả, thiếu thốn kể làm sao cho hết! Vậy mà với phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, tôi tốt nghiệp ra trường và hăm hở đi nhận công tác ở một trường vùng sâu thuộc tỉnh Sóc Trăng. Người ra đón tôi là thầy Phạm Văn Ly (Hiệu trưởng Trường Cấp 3 Phú Tâm, vùng quê có nghề làm bánh “pía” nổi tiếng). Thầy Ly rất vui vì nay có một giáo viên dạy văn về trường, bởi trường đang rất thiếu giáo viên. Thầy Ly tươi cười động viên: “Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ, xanh cây lại về”. Một câu ca dao thấm đẫm tình người miền quê, ngỡ là vui chút nhưng lại “vận” vào cuộc đời dạy học của tôi sau này. Tôi mau chóng hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt, nền nếp của nhà trường. Buổi sáng lên lớp, buổi chiều cùng học trò ra rẫy của trường tăng gia. Đất vùng này là đất giồng, đất pha cát nên trồng cây gì cũng thơm ngon. Dưa hấu đỏ ruột hơn, ngọt thanh hơn; bắp nếp thơm, dẻo hơn vùng khác… Thành quả lao động sau ba, bốn tháng là những bao khoai lang tím; là những bao hạt đậu nành vàng ươm… Tất cả được bán và lấy tiền làm quỹ đời sống của nhà trường.


Tác gi vi các em hc trò xưa

Sau hai năm, do yêu cầu công tác, tôi được chuyển về dạy học tại Trường Cấp 3 Kế Sách, vào sâu hơn chừng mười cây số. Đường sá xuống cấp, chiếc xe lôi chạy lồng lên như ngựa phi, đưa tôi về ngôi trường mới. Thời gian qua mau, tôi hòa nhập vào cuộc sống của người dân miệt vườn xanh hai mùa cây trái. Tôi xây dựng gia đình và ba mẹ cho một miếng đất nhỏ cất nhà ở. Được tin, các bậc phụ huynh là những người làm vườn, làm ruộng chân chất, hiền lành, chân lấm tay bùn nhưng giàu tấm lòng nhân ái xông xáo giúp đỡ. Quà của phụ huynh, của học trò giúp tôi là những cây so đũa ngâm cả năm, nay vớt lên phơi khô làm cột nhà; những tấm lá dừa nước còn vương mùi bùn; những bó lạt dừa nước dùng để buộc lá… Những cây tầm vông thân bạc trắng, dao đụng vào là mẻ ngay nên phải dùng búa mới đốn được! Lấy được những cây tầm vông bên cồn (cù lao giữa sông Hậu) không phải là chuyện đơn giản. Chiếc ghe tam bản chở theo tôi và bốn em học trò vượt sông Hậu qua cồn lúc buổi sáng. Khoảng thời gian này chưa có gió mạnh nên chiếc ghe cứ lao tới bằng tay chèo của các em. Thầy trò lên bờ, xắn tay ra vườn chọn những cây tầm vông lớn và dài, hạ xuống rồi đưa xuống ghe. Chừng tám đến mười cây là vừa sức chở vì tầm vông đặc ruột, khá nặng. Cơm nước xong xuôi, xế chiều thì thầy trò xuống ghe, trở về bên chợ. Lúc này gió bắt đầu nổi lên từ hướng biển thổi vào. Quãng sông Hậu này khá rộng, với chiều ngang chừng ba cây số và luôn có sóng to gió lớn, gây nguy hiểm cho xuồng ghe qua lại. Trong cuốn truyện “Người mẹ cầm súng”, nhà văn Nguyễn Thi có nhắc tới nhân vật chị Út Tịch từ bên Trà Vinh vượt quãng sông này sang Kế Sách… Ra tới chừng hai phần ba sông, mấy em có chút ít hiểu biết nói đã thấy sóng hình lưỡi búa, báo hiệu sẽ có sóng lớn và nguy hiểm. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ bé, bốn bề chỉ thấy nước cuồn cuộn và những cơn sóng từ xa ập tới, nước bắn tung tóe lên cả người, làm cho thầy trò hồi hộp, lo lắng. Một em động viên: “Không sao đâu thầy! Có gì mỗi người ôm một trái dừa khô dưới ghe!”. Tôi động viên các em bình tĩnh: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, cứ lựa theo chiều con sóng mà lướt tới. Tôi giải thích theo nghĩa đen cho các em biết: “Thấy sóng lớn không nên buông, thả tay chèo lùi bước sẽ gặp nguy hiểm. Cứ bình tĩnh, tự tin vững tay chèo để vượt qua”. Lúc này em Thái (chủ chiếc ghe) mặt mày xanh xám, coi bộ không còn tự tin! Thấy vậy, một em to khỏe lên tiếng: “Để tao chèo cho” rồi bước ra sau điều khiển. Những con sóng lần lượt lùi về phía sau. Bãi bờ cây xanh đã hiện ra trước mặt như tiếp thêm sức mạnh cho chiếc ghe vượt lên... Lúc lợp nhà, các em cũng tự giác giúp thầy, xung phong leo lên lợp. Học trò miệt vườn học lớp 10, lớp 11 đã thành thục công việc đồng áng, công việc gia đình. Em Thanh Phong (nay là Hiệu trưởng một trường THPT trong tỉnh) ngồi ngoài cùng để buộc gom lá (tém lại). Phải khéo tay, có sự nhanh nhẹn, thẩm mỹ mới làm được công việc này. Khi lợp xong, nhìn từ dưới lên là một hàng buộc thẳng tắp, gọn gàng không có lá nào lòa xòa ra bên ngoài. Một căn nhà lá đơn sơ được dựng lên bằng cả tấm lòng của phụ huynh và học trò miền quê thật đẹp, tôi không thể nào quên ơn được! Vì nhà lá nên vài ba năm lại phải sửa chữa, nâng cấp một lần. Lại những tấm lá dừa nước, những cây tầm vông, bó lạt dừa… được các em học trò tiếp giúp, không nề hà vì đó là “cây nhà lá vườn”, là việc làm phước thơm thảo.

Thời bao cấp cực kỳ vất vả, thiếu thốn trăm bề và nhà giáo không đứng ngoài hoàn cảnh ấy. Học trò tìm mọi cách giúp đỡ thầy, không phải vì “lợi dụng” như ngày nay đâu! Dăm ký gạo, vài ký cá khô, trái sầu riêng, chùm chôm chôm…, mùa nào thức nấy, các em đem đến biếu thầy. Không phải riêng tôi mà hầu như thầy cô trong trường đều được sống trong nghĩa tình cao đẹp ấy! Thời gian lần lượt trôi qua… Rồi đến những ngày họp mặt kỷ niệm 25 năm, 30 năm, 35 năm, 40 năm ra trường xiết bao cảm động! Học trò từ các nơi tìm về, được ngồi bên thầy cô, ôn lại bao kỷ niệm vui buồn một thuở. Có em Nguyễn Minh Thuần là Đại tá, bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện 121 (Quân khu 9); rất nhiều em thành đạt, giữ nhiều trọng trách, cương vị xã hội. Tất cả vẫn như mới ngày hôm qua, như ngày nào chập chững bước vào cổng trường cấp 3; nay các em đã trưởng thành, trở nên những con người có ích cho xã hội, cho gia đình. Hàng năm, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi thường nhớ về những ký ức không phai trong quãng đời dạy học của mình. Sống trong tình nghĩa học trò miền Tây Nam bộ, đến giờ tôi cảm thấy vẫn còn mang nợ với các em, với mảnh đất này! “Ta nợ đất này bao ân nghĩa/ Sao dời vật đổi dễ gì quên!/ Nâng niu câu hát mùa khai giảng/ Nghe tiếng đàn ngân rộn mọi miền”.

Dạy học là một nghề, dạy học là một niềm vui, niềm đam mê cống hiến, truyền thụ những kiến thức cho đàn em tương lai. Dù đời sống vật chất không bằng ai nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Vì vậy, từ xưa đến giờ, dù xã hội có thay đổi bao nhiêu về nhận thức, nhưng tấm lòng “tôn sư trọng đạo” mãi vẫn còn đây với năm tháng, với thời gian!

Lê Đc Đng