Thứ năm, 23/11/2023, 15h25

Quan tâm hơn các mối quan hệ giao tiếp của trẻ

Gần đây hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra, chủ yếu là ở học sinh THCS. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì có thể là hình ảnh xấu để tiếp nối những vụ bạo lực khác xảy ra. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, như phụ huynh ít quan tâm đến con, ảnh hưởng của mạng xã hội… Song, một trong những nguyên nhân cơ bản mà phụ huynh và thầy cô vẫn ít quan tâm, đó chính là hoạt động giao tiếp và các mối quan hệ xã hội phức tạp của học sinh. Bởi hoạt động giao tiếp này là đặc trưng nổi trội quy định sự phát triển tâm lý cũng như những phẩm chất nhân cách khác của cá nhân. Đối với lứa tuổi thiếu niên, hoạt động giao tiếp là hoạt động chủ đạo nhất trong đời sống tinh thần; giao tiếp với bạn bè luôn là hoạt động thường xuyên nhất và chi phối phần lớn đặc điểm nhân cách của trẻ. Do vậy, nếu như trẻ không có điều kiện được giao tiếp hoặc vì lý do nào đó mà trẻ bị ngăn cấm, phải khép mình trong tập thể thì đều là nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện lệch lạc về nhân cách. Mà nếu như trẻ không thỏa mãn được những nhu cầu này thì dễ dẫn đến khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng như thất vọng, chán chường, trầm cảm… Hiện nay một số phụ huynh không hiểu được điều này nên họ chẳng hề quan tâm đến các mối quan hệ của con với những người khác, nhất là giao tiếp với bạn bè, kể cả tình cảm với bạn khác giới. Họ bắt con lao vào học tập suốt ngày mà không có thời gian thư giãn, giải trí, giao lưu với người khác. Khi con có biểu hiện lơ là việc học tập thì có phụ huynh la mắng, đánh đập, hắt hủi… Tất cả điều đó sẽ tác động rất lớn đến lòng tự trọng cũng như ảnh hưởng đến mong muốn, nhu cầu chính đáng của trẻ, đến một lúc nào đó các em sẽ cảm thấy mình “không có ích” nữa hoặc là gánh nặng của gia đình. Mặt khác, dù là tuổi rất thích giao lưu với bạn bè, nhưng kỹ năng kết bạn và gìn giữ tình bạn của các em có phần hạn chế. Cụ thể, khi tình bạn sứt mẻ, tan vỡ hoặc bị bạn tẩy chay, cô lập thì các em đau khổ, giày vò làm nảy sinh những hành vi tiêu cực. Vì thế, để giúp trẻ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng đầy khó khăn này thì phụ huynh cần quan tâm đến đời sống giao tiếp của các em. Phụ huynh hãy tạo điều kiện để trẻ có cơ hội giao tiếp nhiều hơn, nhất là với bạn bè, qua đó các em mới có thể giải tỏa được hết những khó khăn, vướng mắc và cũng là cơ hội để các em khẳng định giá trị của bản thân trước tập thể. Trong đó, cần giúp đỡ trẻ hình thành những kỹ năng giao tiếp cơ bản, vừa đảm bảo được sự an toàn của bản thân, vừa có thể mang lại những giá trị cần thiết trong hoạt động... Tuổi thiếu niên thường nhạy cảm, dễ đổ vỡ, do đó phụ huynh và thầy cô không được áp đặt, xúc phạm mà cần tế nhị, khéo léo, nhẹ nhàng theo từng tình huống cụ thể. Phụ huynh và thầy cô hãy thực sự là điểm tựa, là cầu nối để trẻ mở rộng các mối quan hệ giao tiếp trong sự kiểm soát hợp lý.

Nguyn Văn Công