Thứ sáu, 17/4/2009, 11h04

Hơn 80% sinh viên tốt nghiệp khá, Trường Sư phạm loay hoay

Sau một năm thực hiện đào tạo theo quy chế mới, Trường ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM ’vướng" một số nội dung. Ngày 16/4, đại diện nhà trường đã đối thoại với SV sau những phản ánh về mức điểm loại khá, việc tăng phí học lại.

Loại khá tăng vọt
“Tại sao nhà trường không hạ mức điểm để SV chỉ cần 6,25 điểm đã đạt loại khá tốt nghiệp” - Một SV thắc mắc.
Ông  Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên cho rằng, sau khi trường lấy 6,5 làm mức điểm tối thiểu đạt loại khá, có hơn 80% SV trường này tốt nghiệp đạt loại này. 
“Năm ngoái, số SV khá đạt chưa đầy 37 %. Nếu hạ từ 6,5 còn 6,25 điểm thì loại khá không biết sẽ còn cao bao nhiêu?” - ông Đức giải thích. 
SV thắc mắc trong buổi nói chuyện. Ảnh: Minh Quyên
Đây là điểm bất cập của quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43) khi quy đổi từ thang điểm 4 thành thang điểm 10. Nếu nhiều SV đạt loại khá quá cao thì giá trị của loại này cũng giảm đi.
"Sắp tới, trường sẽ kiến nghị với Bộ GD - ĐT nâng mức loại khá lên 7,0 để đúng thực chất hơn” - Ông Đức nói thêm. 
Từ trước đến nay, trường quy định SV đạt 7 điểm mới là loại khá (theo thang điểm 10). Nhưng khi theo quy chế 43, SV khá phải đạt từ 2,5 - 3,19 theo thang điểm 4. Khi quy đổi ra thang điểm 10, mức này tương ứng với 6,25 - 8.  
“Vậy khoảng cách từ 5 - 7 điểm lại xếp chung là trung bình có công bằng không? Khoảng cách này có dài quá hay không?” - một SV khác băn khoăn. 
“Đúng là nếu khung tính điểm càng rộng, đánh giá sẽ càng chính xác hơn. Bản thân tôi thấy duy trì mức xếp loại trung bình khá sẽ tốt hơn và rất cần thiết. Nhưng tiếc là quy chế lại không có mức xếp loại này.” - Ông Đức trả lời. 
Điều 22 và Điều 28 không “ở chung nhà” 
Việc nhà trường có ý định nâng mức từ 6,25 lên 7 điểm được xác định là để tương đương với Điều 22 mà quy chế đã nêu. “Giữa Điều 22 và Điều 28 đã không thống nhất trong cách dùng thang điểm khiến nhà trường rất băn khoăn” - ông Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng khoa, Khoa Cơ khí động lực cho biết. 
Trong khi Điều 22 quy định điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần được chấm theo thang điểm 10 (từ 0 - 10), và điểm học phần xếp loại khá tương ứng điểm B (7,0 - 8,4) thì Điều 28 nêu rõ hạng tốt nghiệp được xác định loại khá khi điểm trung bình chung tích luỹ từ 2,5 - 3,19 tính theo thang điểm 4. 
“Việc quy đổi từ thang điểm 4 sang thang điểm 10 và ngược lại còn nảy sinh trường hợp SV từ loại khá thành trung bình và ngược lại” - thầy Giang cho biết thêm.  
Quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43) được Bộ GD - ĐT ban hành tháng 8/2007. Từ năm 2001, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM áp dụng đào tạo theo Quy chế 31. Năm học 2008 - 2009, nhà trường bắt đầu áp dụng Quy chế 43.
“Trước đây, khi SV được 4,5 điểm trung bình môn sẽ được làm tròn 5 điểm. Vậy tại sao, giờ trường không nâng dần như 4,7 - 4,8 - 4,9 để SV thích nghi?” - SV hỏi. 
Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, nhà trường không thể hạ mức điểm 5 khi thi các môn, vì chưa có tiền lệ. Mặt khác, điều này có lợi cho SV vì nếu cho phép 4 điểm là thi qua, SV sẽ chủ quan và dẫn đến có nhiều điểm 4 các môn, cuối kì, các em có khả năng bị buộc thôi học. 
Về việc "làm tròn", quy chế cho phép từ chữ số thập phân thứ 2. Nên SV nào được 4,95 điểm đều được tính là 5. ” - ông Dương Đăng Danh - Phó trưởng khoa Xây dựng cơ học và Ứng dụng trả lời. 
“Tuy nhiên, cũng có trường hợp SV đạt 4,90 điểm trung bình môn khi đổi sang thang điểm 4 lại đạt 1,96 điểm, làm tròn là 2 điểm, tức đủ điểm đạt để không phải học lại” -ông Danh nêu ra thêm. 
Tăng học phí để sinh viên có ý thức học
Về thắc mắc tại sao nhà trường lại tăng phí học lại, ông Giang giải thích đây là biện pháp áp chế.  
Vì được quyền chọn học tối thiểu 15 tín chỉ mỗi học kỳ nên có trường hợp SV không lượng sức mà đăng kí ồ ạt. Khi không đủ sức học, SV lại có quyền rút môn học, dẫn đến tình trạng quá nhiều em rút. Học kì 1 năm 2008 - 2009, có đến 7.000 lượt SV xin rút môn học.  
Đại diện nhà trường trả lời các câu hỏi của SV. Ảnh: Minh Quyên
"Nhà trường đã sắp xếp lớp học, giảng viên, cơ sở vật chất… cho SV. Được một thời gian, các em xin rút làm nhà trường phải gánh tổn thất này. Chưa kể, nhiều SV rút môn học khiến số SV trong một lớp bị giảm đột ngột, lớp học buộc phải dừng, gây ảnh hưởng đến những SV muốn học thực sự” - ông Đức phân tích. 
Tăng phí học lại nhằm mục đích muốn SV suy nghĩ thật kĩ khi đăng ký môn học và giảm số SV rút môn học. Bên cạnh đó, còn tránh tình trạng SV này đăng ký nhiều môn quá, SV khác lại không đăng ký được, vị đại diện của trường giải thích. 
Ông Giang băn khoăn về Điều 17 của quy chế khi cho phép SV được học cùng lúc hai chương trình, được cấp hai văn bằng. Điều này sẽ làm nảy sinh những thí sinh khi vào trường chọn khoa thấp điểm hơn để thi và chọn các môn của khoa cao điểm hơn để học. “Nhà trường đang tính đến phương án quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng trong việc này”. 
Chưa kể, với việc học theo hệ tín chỉ, SV được kéo dài thời gian học vô thời hạn. “Cứ khoảng 3 - 4 năm, chương trình đào tạo lại thay đổi một lần. 1 SV học 10 năm đã có đến 3 lần thay đổi. Lúc đó, phải tính sao? Những SV này còn chiếm chỗ của SV khác nữa?” - Thầy Giang băn khoăn. 
“Quy chế 43 rõ ràng là có lợi và tiến bộ. Với quy định khắt khe, sẽ sàng lọc rất tốt và nâng cao trách nhiệm từ SV trong học tập. Từ đó nâng cao chất lượng của SV. Nhưng khi áp dụng vào trường, phải có lộ trình thì mới có thể phát huy được ưu điểm" - Ông Đức chia sẻ. 
Minh Quyên (Vietnamnet)