Thứ ba, 4/8/2009, 15h08

Hồi hộp… chờ điểm sàn

Đến 3-8, các trường ĐH, học viện trên cả nước đã hoàn tất công tác công bố điểm thi tuyển sinh 2009. Nhìn vào bức tranh chung dễ dàng nhận thấy điểm thi năm nay giảm so với năm 2008. Do vậy, việc trông chờ vào nguyện vọng 2 (NV2) không còn là “chuyện riêng” của những trường “top dưới”, ĐH vùng… Tuy nhiên, với điểm thi thấp, con đường vào ĐH của thí sinh (TS) bằng vé vớt, NV2, có rộng mở?
        Trông chờ ưu tiên - điểm sàn “dễ thở”
Năm 2009, khi ĐH vùng trở thành lựa chọn hàng đầu cho TS, nhiều trường ĐH địa phương đã hy vọng sẽ tìm ra nhiều TS ưu tú, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Thế nhưng, khi điểm thi được công bố, sự khấp khởi ban đầu đã vụt tắt.

Chấm bài thi tự luận tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG
Trường ĐH Trà Vinh có 3.520 TS dự thi nhưng chỉ có 136 TS đạt từ 13 điểm trở lên (điểm sàn ĐH thấp nhất 2008). Ông Đặng Diệp Minh Tân, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng ĐH Trà Vinh, lo lắng: số TS đạt điểm cao quá ít, từ 20 điểm trở lên chỉ vỏn vẹn… 4 TS. Dự kiến điểm sàn ít biến động thì lượng TS đạt sàn cũng quá ít, hơn 100 TS đạt sàn không thấm vào đâu so với 1.800 chỉ tiêu. Trường đành phải xét thêm nhiều chỉ tiêu NV2, NV3 mới đủ chỉ tiêu đào tạo.
Trong hơn 4.000 TS dự thi vào Trường ĐH Tiền Giang chỉ có 700 TS đạt từ 11 điểm trở lên. Số TS đạt từ 12, 13 điểm trở lên càng ít hơn… Hầu hết trường ĐH vùng đều rơi vào tình cảnh: điểm thi quá thấp, khan hiếm nguồn tuyển dù đã chấp nhận mức điểm thấp nhất. Trường ĐH Tiền Giang còn dự trù phương án xin nới rộng khoảng cách điểm ưu tiên để tuyển sinh. Và đó cũng là cách mà có lẽ không ít ĐH vùng phải vận dụng để đảm bảo chỉ tiêu đào tạo.
Cùng chung cảnh ngộ trên, nhiều trường ĐH tiếng tăm, năm nay có mặt bằng điểm thi thấp… cũng đành trông chờ điểm sàn được quyết trong vài ngày tới để xem có “dễ thở” hơn không. ĐH Nông lâm TPHCM, một trong những trường có số TS dự thi đông nhất, cũng sẽ là trường có nhiều ngành cần phải tuyển thêm NV2 cho đủ chỉ tiêu. Trong đó những ngành “kén” người học như ngành cơ khí vì điểm quá thấp nên “hồi hộp” chờ điểm sàn để xác định điểm tuyển NV1, NV2. Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đang trong tư thế chờ đợi.
Dựa vào mặt bằng điểm thi năm nay, nhiều chuyên gia dự báo điểm sàn ĐH có thể bằng hoặc thấp hơn 0,5 - 1 điểm so với năm 2008 tùy theo khối. Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH lớn tại TPHCM lý giải: Căn cứ vào điểm thi năm nay có thể điểm sàn sẽ được cân nhắc thấp hơn 2008 để đảm bảo chỉ tiêu đào tạo cho các trường hoặc cũng có thể Bộ GD-ĐT sẽ giữ nguyên mức điểm để đảm bảo chất lượng…
Vài ngày nữa, điểm sàn mới được ấn định theo hướng giúp các trường bớt lo thiếu hụt chỉ tiêu hay đảm bảo chất lượng đầu vào? Giá như điểm sàn được xác định ngay từ đầu theo đúng ý nghĩa là tiêu chí tối thiểu để xác định TS đủ điều kiện xét ĐH thì giờ này các trường đã không phải lo âu trong đợi chờ.
NV2 rộng cửa?
Trong 16 ngành tuyển sinh của ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), có đến 6 ngành tuyển NV1 chỉ 15 điểm và 3 ngành tuyển ở mức 16 điểm. Mặc dù năm nay trường chấp nhận hạ điểm chuẩn xuống mức thấp thì cả 6 ngành này đều thiếu chỉ tiêu và phải tuyển thêm NV2 với 525 chỉ tiêu. Tương tự, rất nhiều trường lớn như ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM... đều sẵn lòng dành chỉ tiêu cho NV2.
Nhiều trường ĐH dành chỉ tiêu để xét NV2 thì con đường vào ĐH của TS càng rộng mở. Nhưng năm nay, nhiều chuyên gia nhận định có thể NV2 sẽ không rộng cửa vì nhiều nguyên nhân: điểm thi thấp, số dôi ra của những trường “top trên” quá lớn. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, đánh giá: Về tổng quan thì điểm thi tuyển sinh ĐH năm 2009 thấp hơn năm 2008. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn sẽ thấy sự chênh lệch: các trường “top trên”, trường có đông TS dự thi vẫn có kết quả điểm thi cao.
Đơn cử, Trường ĐH Kinh tế TPHCM giữ vững “phong độ” khi có đến 5.712 TS đạt điểm từ 18,5 điểm trở lên (mức điểm chuẩn của năm 2008). Chỉ tiêu năm nay của trường là 4.800 thì tính toán điểm chuẩn phải cao hơn ít nhất 1 điểm so với năm 2008. Nếu điểm sàn ổn định, lượng TS đạt từ 13 điểm (điểm sàn ĐH khối A năm 2008) đến 19 điểm của trường sẽ dôi ra hơn 10.000 TS.
Trường ĐH Ngoại thương đã xác định điểm chuẩn dự kiến: khối A là 25 điểm (phía Bắc) và 24 điểm (phía Nam), khối D (từ D1 đến D6) có điểm chuẩn khoảng 21 - 23,5 điểm. Với mức điểm chuẩn này, trường cũng loại hơn 1.000 TS…
Tương tự, những trường có lượng TS tăng đột biến như ĐH Công nghiệp TPHCM cũng có điểm thi khá cao. Trường có đến 6.373 TS đạt từ 15 điểm trở lên (mức điểm chuẩn thấp nhất năm 2008) trong khi chỉ lấy 3.300 chỉ tiêu. Như vậy, số TS trượt khỏi trường có thể đến 2.700 TS. Tương tự, những trường như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn… cũng có điểm thi nhỉnh hơn năm 2008 và dự kiến cũng sẽ là “nguồn cung” NV2 và NV3 cho nhiều trường.
Cánh cửa vào ĐH bằng NV2 đang rộng mở đón TS nhưng rõ ràng đây là cuộc đua không đơn giản khi mặt bằng điểm thi năm nay thấp.
ĐH Y dược TPHCM: Điểm chuẩn giảm 1-2 điểm
Ngày 3-8, hai trường ĐH cuối cùng tại cụm thi TPHCM và một số trường CĐ khác trên cả nước công bố điểm thi tuyển sinh 2009.
Năm 2009, Trường ĐH Y dược TPHCM có 18.027 thí sinh (TS) dự thi và chọn 1.300 chỉ tiêu. Trường có 2 thủ khoa cùng đạt 29,5 điểm (làm tròn từ 29,25 điểm) cùng thi vào ngành bác sĩ đa khoa: Bùi Thị Song Hạnh (SBD: 704) và Đặng Văn Anh Kiệt (SBD: 1.399).
Theo ban tuyển sinh nhà trường, mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn so với điểm thi năm 2008. Do đó, điểm chuẩn năm 2009 sẽ giảm từ 1-2 điểm. Cụ thể, ngành bác sĩ đa khoa năm 2008 có điểm chuẩn cao nhất (27 điểm) thì năm nay dự kiến giảm xuống thành 25 điểm. Các ngành còn lại như: dược sĩ ĐH, bác sĩ răng hàm mặt… dự kiến cũng giảm ít nhất 1 điểm.
Thủ khoa năm nay của Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM là TS Lê Thị Mai Hường (SBD 382) đạt 36 điểm (đã nhân hệ số môn năng khiếu) dự thi vào ngành mỹ thuật ứng dụng. Cũng giống như các trường ĐH khác, điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Mỹ thuật sẽ giảm so với điểm chuẩn năm 2008.
Trường CĐ Tài chính Hải quan TPHCM có hơn 14.150 TS dự thi và chọn 1.900 chỉ tiêu. Nhìn chung kết quả điểm thi năm 2009 của trường cao hơn so với năm ngoái. Trường có đến 9 thủ khoa cùng đạt 29 điểm.
Ông Giang Văn Kịp, hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là năm đầu tiên trường được tuyển theo điểm chuẩn từng ngành (trước đây lấy điểm chuẩn theo khối) nên dự báo những ngành như: tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh… sẽ có điểm chuẩn khá cao.
THANH HÙNG – TIÊU HÀ (SGGP)