Thứ sáu, 30/10/2009, 15h10

Trăm năm trồng người: Bài 12: Duyên phận với nghề dạy học

NGƯT Huỳnh Thị Kiều Lễ không ngừng học tập để nâng cao nghiệp vụ

28 năm đứng trên bục giảng có 26 năm đạt giáo viên giỏi (GVG) các cấp và được phong Nhà giáo ưu tú, đó là thành tích rất đáng trân trọng của cô giáo Huỳnh Thị Kiều Lễ (Trường Tiểu học Đoàn Kết - Đà Lạt). Ngoài niềm vui gắn bó với nghề, nhà giáo Huỳnh Thị Kiều Lễ còn tự hào vì có con trai nối nghiệp…
Từ một giáo sinh loại khá
Tranh thủ thời gian trả bài cho học sinh (HS), nhà giáo Huỳnh Thị Kiều Lễ dành cho tôi cuộc gặp gỡ rất ấn tượng. Bằng chất giọng nhẹ nhàng truyền cảm, tôi nhanh chóng “bị” cô lôi cuốn vào câu chuyện về cuộc đời nhà giáo của cô như một cậu học trò lớp 5 (lớp cô đang chủ nhiệm)!
 Tốt nghiệp ngành giáo viên tiểu học, Trường THSP Đà Lạt năm 1981 (loại khá), Huỳnh Thị Kiều Lễ được Sở GD-ĐT Lâm Đồng tăng cường về nhận công tác giảng dạy tại Trường THCS xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Đây là năm học đầu tiên Trường THCS Phú Hội là trường duy nhất của huyện Đức Trọng được Sở GD-ĐT Lâm Đồng chọn triển khai điểm về thực hiện chương trình cải cách giáo dục. Dù là một GV trẻ, có kết quả tốt nghiệp loại khá nhưng tâm lý của một “lính mới” về công tác ở một trường điểm làm cô giáo Kiều Lễ rất lo lắng. Nhưng dường như ở cô giáo Kiều Lễ ngoài kiến thức và lòng nhiệt huyết, yêu nghề của một GV trẻ, năng khiếu sư phạm sớm bộc lộ và vượt trội.
Đặc biệt, năm học 1993-1994, dù mới 2 năm “vào nghề” nhưng cô Kiều Lễ được Sở GD-ĐT Lâm Đồng tin tưởng cử tham dự Hội thảo khoa học về thay sách giáo khoa lớp 4, do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Nẵng. Tại hội thảo, cô giáo Kiều Lễ minh họa tiết dạy từ ngữ và được Hội đồng khoa học xếp loại B. Với cô giáo Lễ, đây là… thất bại! (chưa được xếp loại A), nhưng với ngành giáo dục Lâm Đồng và đồng nghiệp, năng lực sư phạm của cô giáo Kiều Lễ đã là một… hiện tượng. Quả đúng vậy, tiếp năm học sau (1994-1995) cô giáo Kiều Lễ tiếp tục được chọn tham dự Hội thảo khoa học thay sách giáo khoa lớp 5 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Biên Hòa (Đồng Nai). Bằng kiến thức tích lũy, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp về phương pháp lên lớp, nghệ thuật giảng dạy; kịp thời “sửa lỗi” trong hội thảo trước và bằng tài xử lý tình huống linh hoạt, sắc sảo… tiết giảng của cô giáo Kiều Lễ đã thuyết phục Hội đồng khoa học. Và, cô giáo Huỳnh Thị Kiều Lễ được xếp loại A (thứ hạng cao nhất)…
Để tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống gia đình và công tác, từ năm học 1988-1989 cô giáo Kiều Lễ được chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Đà Lạt. Đây cũng là giai đoạn ngành giáo dục triển khai phong trào thi đua “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt). Về trường mới cô giáo Kiều Lễ nhanh chóng hòa nhập với công việc, với phong trào thi đua nhà trường và tiếp tục 8 năm giữ vững danh hiệu GVG cấp tỉnh. Trong năm học 1991-1992, Hội nghị tập huấn giảng dạy môn đạo đức bậc tiểu học do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Lạt, Huỳnh Thị Kiều Lễ được cử tham dự minh họa tiết dạy đạo đức cho HS. Và một lần nữa, tiết dạy của cô giáo Lễ được bộ đánh giá rất cao và xếp loại A. Ba lần tham gia Hội thảo khoa học của ngành, 2 lần được xếp loại cao nhất, 1 lần được xếp loại khá, thành tích này không mấy GV đạt được như cô giáo Huỳnh Thị Kiều Lễ!
Với những thành tích nổi bật trong công tác giảng dạy và đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục liên tiếp nhiều năm học qua, tháng 11-1994 cô giáo Huỳnh Thị Kiều Kễ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú. Điều đáng nói là khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, cô giáo Kiều Lễ mới 33 tuổi và là người thứ 2 của Lâm Đồng được phong tặng danh hiệu này. Cùng với danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm học 1998-1999 cô giáo Kiều Lễ đạt danh hiệu GVG cấp quốc gia.
Niềm vui có con trai nối nghiệp
Trao đổi về kinh nghiệm trong 28 năm giảng dạy, gắn bó với ngành giáo dục, cô tâm sự: “Đối với người GV (nhất là khối tiểu học) ngoài kiến thức, năng lực, cần phải có kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng HS, phải am hiểu tâm lý lứa tuổi các em, làm cho các em vừa mến vừa kính trọng cô giáo thì HS mới tự giác học tập và rèn luyện tốt. Người GV luôn luôn đọc, nghiên cứu nhiều tài liệu và học hỏi đồng nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn…”.
Đoạn nói về nghề giáo của mình, cô tâm sự “Mình đến với ngành giáo dục như một duyên phận…”. Bởi trước đây có một giai đoạn cuộc sống nghề giáo quá khó khăn (hồi dạy học ở huyện Đức Trọng, chồng thì công tác ở Đà Lạt và rồi sinh em bé...) cô giáo Kiều Lễ đã có lúc chợt nghĩ đến việc thôi dạy để chuyển sang một nghề khác?… Nhưng dường như “duyên nợ” (mà cô giáo Lễ nói là “duyên phận” - PV) với nghề giáo đã thôi thúc và cuối cùng cô đã chiến thắng và tiếp tục đứng vững trên bục giảng. Cô giáo Kiều Lễ cười rất tươi và khiêm tốn: “Nghiệm lại ngoài nghề giáo ra, mình sẽ chẳng làm được nghề nào nữa! Bởi ngoài yêu nghề, mến trẻ, mình tự thấy mình chỉ có năng khiếu với nghề dạy học thôi…”.
Điều làm cô giáo Kiều Lễ rất vui và tự hào là trong nghề nhà giáo “duyên phận” của mình đã có người nối nghiệp! Vợ chồng nhà giáo Huỳnh Thị Kiều Lễ có 2 con. Người con trai đầu là Trần Khánh Hoàng (sinh năm 1986), ngay từ lúc còn học THPT, cậu con trai này rất kính nể mẹ và yêu nghề của mẹ. Chẳng do dự hay chờ gia đình gợi ý, động viên…, Khánh Hoàng đã quyết định thi vào Trường Đại học SP TP.HCM và chọn nghề nhà giáo cho cuộc đời mình. Tốt nghiệp ra trường năm 2008, hiện nay Trần Khánh Hoàng đang là GV của Trường THPT dân lập Tân Trào TP.HCM…
Bài & ảnh: T.D.Hồng