Thứ ba, 22/9/2009, 13h09

Xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế: Đích đến sau 20 năm

Dự kiến lộ trình phát triển chất lượng của hệ thống giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam đến năm 2020 sẽ là xây dựng 5 trường ĐH quốc tế với sự tham gia của 5 quốc gia và 100 ĐH thành viên.
Tuần qua, cùng với Hội nghị Hiệu trưởng ĐH Nhật Bản - Việt Nam, lộ trình này đã tiến thêm được một bước quan trọng khi đề án xây dựng trường ĐH quốc tế Đà Nẵng đã xác định đối tác chiến lược là Nhật Bản.
 Mục tiêu đến năm 2020, các trường ĐH của Việt Nam sẽ nằm trong top 200 của châu Á. Trong ảnh: Sinh viên ĐH Bách Khoa HN tại Trung tâm nghiên cứu triển khai công nghệ cao. Ảnh: Nguyệt Ánh
Vì sao các trường đại học Việt Nam vẫn vô danh ở châu Á?
Đến nay, mặc dù Việt Nam đã chọn được 15 trường ĐH để xây dựng thành trường trọng điểm, nhưng vẫn chưa có trường nào được xếp hạng trong "top" 500 trường ĐH hàng đầu châu Á. Theo Vụ trưởng Vụ GD ĐH Trần Thị Hà, chúng ta còn lạc hậu về chương trình và phương pháp đào tạo; trang thiết bị thiếu thốn; phương pháp quản lý trong nhà trường và sự quản lý của Nhà nước đối với các trường ĐH còn yếu; trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên còn hạn chế; thiếu sự gắn kết với thực tế khi đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân của những yếu kém trên, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, là do chúng ta chưa có chiến lược dài hạn cho giáo dục, cũng như việc mở rộng quy mô các trường ĐH. Bản thân các trường ĐH cũng chưa tự chủ được về tài chính, nên chưa tạo được động lực để phát triển.
Trước thực trạng đó, cùng với chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ, quyết tâm xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam được coi như bản lề cho sự phát triển giáo dục - đào tạo của nước nhà. Hiện Việt Nam đang triển khai xây dựng 4 trường ĐH trình độ quốc tế với vốn vay khoảng 400 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. 4 nước phát triển là Mỹ, Đức, Pháp và Nhật đã được chọn và dự kiến là đối tác chiến lược để phối hợp xây dựng ĐH quốc tế.
Quy chế đặc biệt để tự chủ
Những nguyên tắc xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu ra như một phần cam kết tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH Nhật Bản - Việt Nam diễn ra tuần qua. Theo đó, các trường sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các ĐH, viện nghiên cứu của Việt Nam, đồng thời chia sẻ nguồn lực, khả năng hợp tác quốc tế của mình với các ĐH, cơ sở nghiên cứu khác. Sinh viên được lựa chọn vào các trường này là những sinh viên giỏi nhất của Việt Nam và những sinh viên nước ngoài xuất sắc; các ĐH nghiên cứu mô hình mới phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam song có quy chế đặc biệt để tự chủ và thể hiện kinh nghiệm mô hình quản lý ĐH xuất sắc của các nước là đối tác chiến lược. Từ đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tổng kết để rút ra các bài học về mô hình, phương pháp quản lý ĐH nhằm đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam.
Trước thực tế tất cả các trường ĐH lớn trên thế giới đều là các trường tự quản, nguyên tắc tự chủ tài chính được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh. Bên cạnh đó, trường ĐH đẳng cấp quốc tế trước hết phải là trường ĐH đa ngành và là ĐH nghiên cứu, biết tập trung trọng điểm, hướng vào nhu cầu xã hội. Yếu tố quyết định, theo Vụ trưởng Trần Thị Hà, "vẫn là đội ngũ cán bộ". Nhóm tư vấn quốc tế trong dự án hỗ trợ kỹ thuật cũng chia sẻ quan điểm này: Ba yếu tố then chốt tạo nên thành công của các trường ĐH là tập trung được nhân tài, có nguồn kinh phí tốt, quản lý tốt.
Vào top 200 sau 20 năm
Tại hội nghị nói trên, Bộ GD-ĐT đã giới thiệu về Đề án xây dựng Trường ĐH quốc tế Đà Nẵng với các hiệu trưởng Nhật Bản. Vụ trưởng Trần Thị Hà cho biết, Trường ĐH quốc tế Đà Nẵng sẽ là trường ĐH công lập, theo mô hình các trường ĐH tiên tiến trên thế giới, chịu sự quản lý của Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền tự chủ cao. ĐH quốc tế Đà Nẵng sẽ sử dụng các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, cách đánh giá và quản lý đào tạo của các trường hàng đầu của nước đối tác, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm định và đánh giá chất lượng của nước đó… Trường phải đáp ứng yêu cầu là trường ĐH theo hướng nghiên cứu với tỷ lệ đào tạo ĐH/sau ĐH là 1:1, cao hơn rất nhiều so với các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay.
Là một dự án xây dựng mới hoàn toàn chứ không phát triển từ trường có sẵn, theo GS Bùi Văn Ga, ĐH quốc tế Đà Nẵng có tổng số đầu tư 125 triệu USD, phục vụ khoảng 3.500 sinh viên. 70% chi phí hoạt động của trường là từ nguồn vốn của Chính phủ, 30% đến từ nguồn học phí do sinh viên đóng. Mục tiêu là đến năm 2020, trường ĐH này sẽ trở thành một trường ĐH nghiên cứu; sẽ nằm trong top 200 của châu Á vào năm 2025 và vươn lên top 100 châu Á năm 2030. Đến năm 2035, trường phấn đấu sẽ thuộc top 500 của thế giới và đến năm 2040 sẽ nằm trong top 200 thế giới.
Còn mục tiêu mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân xác định là: Đến năm 2025-2030 Việt Nam sẽ có ít nhất 1 ĐH, viện nghiên cứu thuộc nhóm 200 trường ĐH tốt nhất thế giới, còn lại khoảng 30 đến 40 trường thuộc top 200-400 thế giới. "Đây không chỉ là mong muốn của Chính phủ mà còn là khát khao của thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước", ông bày tỏ.
Khánh Trang (Hà Nội mới)