Thứ năm, 5/9/2019, 16h50

23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới

Sáng 5-9, hòa cùng hơn 23 triệu học sinh khắp cả nước nô nức Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, gần 2 triệu học sinh TP.HCM cũng đã bước vào năm học mới năm học 2019-2020 với nhiều kỳ vọng và ước nguyện.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai trường tại THPT Lê Quý Đôn

Ngày khai giảng của thầy và trò Trường TH Lê Văn Tám (Q.7) năm học này niềm vui như nhân lên gấp bội lần khi có sự ghé thăm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Dù không thể tham dự hết Lễ Khai giảng mà chỉ cùng thầy trò nhà trường chào cờ nhưng Phó Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trò chuyện với phụ huynh, thầy cô giáo nhà trường và các em học sinh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng dành tặng nhà trường một bộ sách, gửi lời nhắn gửi về một năm học mới nhiều thành công đến thầy trò nhà trường. Cũng trong Lễ Khai giảng, 1.400 học sinh nhà trường cũng đã được tham gia vào Ngày hội STEM với những trò chơi thú vị.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự lễ khai giảng cùng giáo viên, học sinh nhà trường.

Bí thư Thành ủy TP.HCM tuyên dương học sinh tiêu biểu Trường THPT Lê Quý Đôn

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy chúc mừng tập thể giáo viên, học sinh Trường Lê Quý Đôn nhân dịp khai giảng năm học mới. Với truyền thống lịch sử 145 năm, Trường THPT Lê Quý Đôn có nhiều kinh nghiệm trong dạy học; Các thế hệ học sinh của trường đã góp phần tạo nên thương hiệu của trường, trong đó có Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư - Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa… Qua đó Bí thư thành phố nhắn nhủ các em học sinh THPT Lê Quý Đôn hôm nay nên tự hào về truyền thống vẻ vang này.

Thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn tại ngày khai giảng

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Trường THPT Lê Quý Đôn cần xác định là trường Việt Nam tiên tiến hội nhập quốc tế mạnh mẽ, chú trọng đào tạo nhân lực, nhân tài để các em học sinh sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển TP  và đất nước. Ông cũng chúc mừng tập thể Trường Lê Quý Đôn đã có nhiều sáng tạo, giữ gìn giá trị tốt đẹp văn hóa Việt Nam để đào tạo thế hệ học sinh trở thành những công dân tốt, người con hiếu thảo của gia đình, có nghề nghiệp tốt trong tương lai…

Năm học 2019 - 2020, Trường THPT Lê Quý Đôn có hơn 1.400 học sinh, trong đó có hơn 400 học sinh lớp 10. Đây là một trong 5 ngôi trường THPT được TP chọn thực hiện mô hình “trường học thông minh”.

Dịp này nhà trường đã vinh dự được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao Cờ đơn vị có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2018 - 2019 của Bộ GD-ĐT; tuyên dương học sinh tiêu biểu của trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm thầy và trò Trường TH Lê Văn Tám (Q.7, TP.HCM)

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Thị Diễm Thu tặng hoa chúc mừng Trường TH, THCS, THPT Tân Phú

+ Tại trường TH, THCS, THPT Tân Phú (Q.Tân Phú), buổi lễ Khai giảng cũng thêm vui và ấm áp khi có sự tham dự của bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD ĐT TP.HCM. Tại đây bà Thu gửi lời nhắn nhủ về một năm học mới với nhiều thành tích. Năm học vừa qua, Trường TH, THCS, THPT Tân Phú là 1 trrong 3 đơn vị xuất sắc nhất toàn thành vinh dự được đề nghị nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính Phủ.

Lãnh đạo TP.HCM tặng Cờ thi đua cho Trường THPT Nguyễn Huệ dịp khai giảng

+ Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9), trong niềm hân hoan của một năm học mới và niềm vui đón nhận Cờ Thi đua của TP, cô Dương Thị Hải Quý - Hiệu trưởng nhà trường - đã gửi lời chúc năm học mới đến toàn thể học sinh nhà trường, đồng thời nhắn nhủ học sinh tiếp tục nỗ lực rèn luyện và tu dưỡng bản thân, tránh xa những thói hư tật xấu. Năm học mới, nhà trường quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của năm học, cam kết hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa của Sở GD-ĐT TP.HCM và Chỉ thị 19 của TP về người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước. Dịp này, nhà trường cũng khen thưởng cho 5 HS có điểm thi tuyển sinh 10 cao nhất và gần 250 HS đậu vào các trường ĐH trong kỳ xét tuyển vừa qua.

+ Tại Trường Mầm non 14 (Q.Tân Bình) ngày Khai giảng được tổ chức là Ngày hội bé đến trường. Nhiều trò chơi sinh động hấp dẫn đã được nhà trường triển khai trong dịp này như một món quà nhỏ gửi đến trẻ và phụ huynh trong ngày đầu tiên của năm học mới.

+ Ngày Khai giảng của học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) lại đầy hân hoan với sự xuất hiện của người bạn mới- robot Moza. Người bạn mới này được CLB STEM Robotics của trường thực hiện trong thời gian qua. Người bạn robot Moza có thể trả lời một số câu hỏi thông thường, đơn giản. Món qùa này như một thông điệp về sự đổi mới, mạnh dạn, và khát vọng về một năm học mới với nhiều sáng tạo của cả thầy và trò nhà trường. Bên cạnh người bạn robot, năm học mới này học sinh toàn trường cũng đón nhận thêm 4 món quà đặc biệt nữa là: 5 phòng học thông minh với tivi tương tác và phần mềm học liệu số 3D Mozabook, mang đến cho học sinh những tiết học khoa học đầy sống động với hình ảnh trực quan 3D; Vườn cây thuốc nam lại là món quà giáo dục học sinh ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng trường học xanh; Máy đo không khí do Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tặng là món quà dành tặng học sinh về kết nối bạn vật theo định hướng internet và bảo vệ môi trường; Phần mềm điểm danh học sinh thí điểm tại lớp 7/12 bằng camer và gửi mail cho phụ huynh. TheoTS. Phạm Đăng Khoa - Hiệu trưởng nhà trường - những món quà đặc biệt này là nỗ lực của nhà trường về một năm học mới tiếp tục với nhiều đổi mới, mang đến cho học sinh những điều tuyệt vời nhất.

Các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tạ Uyên (huyện Nhà Bè) được tặng mũ bảo hiểm

+ Sáng cùng ngày, Trường Tiểu học Tạ Uyên (huyện Nhà Bè) tổ chức lễ khai giảng năm học 2019 - 2020. Đến dự có ông Lê Thanh Hải - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè; ông Nguyễn Phú Hạnh Phúc - Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông TPHCM.

Để ngày khai giảng diễn ra nhiều ý nghĩa, nhà trường đã kết hợp tổ chức phát động chiến dịch toàn học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, phụ huynh học sinh chung tay bảo vệ môi trường và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thông qua hoạt động trao tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho 262 học sinh lớp 1 do hệ thống HEAD Visacoop thực hiện.

Tại đây, các em học sinh đã được trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường thông qua cách phân loại rác hữu cơ, vô cơ, tái chế tại nguồn và được khuyến khích sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường, bắt đầu từ việc nói không với rác thải nhựa. Đến với hoạt động xây dựng văn hóa giao thông, học sinh được phổ biến kiến thức an toàn giao thông, tham gia trò chơi, trả lời các câu hỏi cũng như trải nghiệm kỹ năng đội mũ bảo hiểm đúng cách.

Cô Trần Thị Lợi - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Hai hoạt động trên thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong năm học. Việc kết hợp tổ chức trong ngày khai giảng nhằm mang đến niềm vui cho học sinh, qua đó giáo dục các em bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe cho bản thân; cũng như đội mũ bảo hiểm đúng cách khi tham gia giao thông chính là mang lại sự an toàn cho chính các em. Được giáo dục từ nhỏ, các em sẽ là “tuyên truyền viên nhí” lan tỏa hành động, thông điệp đến những người xung quanh, để toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường, tham gia giao thông văn minh, an toàn”.

Ông Nguyễn Xuân Bách, đại diện HEAD Visacoop cho biết: “Hoạt động trao tặng mũ bảo hiểm và trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông cho các em học sinh được tổ chức thường xuyên trên địa bàn TP.HCM. Qua đó nâng cao tỉ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường bằng các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, góp phần giảm thiểu tai nạn và tạo dựng một cộng đồng tham gia giao thông an toàn”.

+ Trước đó ngày 4-9, UBND quận Tân Bình đã tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Phan Huy Ích. Đến tham dự có ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Trong không khí tươi vui của ngày hội khai giảng, ngày hội toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, ngày hội của tuổi trẻ học đường, ông Ngô Minh Châu bày tỏ niềm vui khi có mặt ở ngôi trường tiểu học mới Phan Huy Ích.

Ông cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT. Hàng năm TP dành khoảng 25% ngân sách để xây trường lớp, mỗi năm bổ sung hơn 1.000 phòng học. Năm học 2019 - 2020, TP đưa vào sử dụng 1.500 phòng học mới, đáp ứng số học sinh tăng hơn 75.000 em. Không chỉ xây dựng trường, TP còn dành nhiều ưu tiên trang bị các thiết bị dạy học, tiên tiến, hiện đại; có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù cho đội ngũ thầy giáo, cô giáo.

Tại quận Tân Bình, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng địa phương luôn nỗ lực trong việc xây dựng trường lớp, hàng năm đều có các công trình trường học được khởi công đưa vào sử dụng. Trường Tiểu học Phan Huy Ích là công trình trường học mà quận Tân Bình đã khẩn trương thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ để đưa vào hoạt động ngay đầu năm học mới, phục vụ nhu cầu bức thiết của con em trong quận.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, thời gian tới TP tiếp tục xác định nhân tố con người, GD-ĐT, khoa học - công nghệ là động lực chính cho sự phát triển của TP và cả nước. Trong đó, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, áp lực xây trường lớp đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số, nhất là khối tiểu học là rất lớn nên ông đề nghị chính quyền quận Tân Bình sẽ tiếp tục nỗ lực, thực hiện tốt công tác sửa chữa, quy hoạch trường lớp trên địa bàn.

Để mục tiêu TP trở thành “một trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á” từng bước trở thành hiện thực, ông cũng đề nghị ngành GD-ĐT TP cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện các giải pháp, mô hình đột phá, nhấn mạnh đến đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, chuẩn quốc tế, gắn với khoa học - công nghệ. Chính quyền quận Tân Bình tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, tiên tiến; tạo điều kiện thuận lợi để Trường tiểu học Phan Huy Ích thực hiện tốt hoạt động dạy học, từng bước trở thành một địa chỉ giáo dục đáng tin cậy đối với người dân của quận.

Đối với tập thể sư phạm Trường Phan Huy Ích, ông Châu mong muốn trong quá trình giáo dục học sinh cần giúp các em đạt được những kỹ năng như “Năm điều Bác Hồ dạy”, thầy cô cũng cần xác định rõ mục tiêu học tập, sứ mệnh của hoạt động giáo dục như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Học để làm người công dân Việt Nam, có khả năng hội nhập quốc tế; Học để làm người con hiếu thảo, có trách nhiệm và để biết xây dựng gia đình hạnh phúc; Học để có nghề hiệu quả, nuôi bản thân, nuôi gia đình; Và học để đóng góp cho TP và đất nước.

Bước vào năm học mới, ông mong muốn các em học sinh bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê, giữ lại cho mình những phút giây đẹp nhất của tuổi học sinh vô tư bên người thân, thầy cô, bạn bè. Ông cũng tin tưởng bằng tất cả năng lực, nhiệt huyết của người thầy, cùng với sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể TP và sự đồng lòng của các bậc phụ huynh, Trường Tiểu học Phan Huy Ích sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, tạo môi trường học tập, rèn luyện phát triển tốt cho các em học sinh.

Trường Tiểu học Phan Huy Ích được xây mới tại số 139 đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình có diện tích hơn 6.000m2. Dự án đã hoàn thành giai đoạn có diện tích 3.619m2, quy mô 1 trệt 3 lầu, với 22 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, có mảng cây xanh bao quanh trường. Giai đoạn 2 đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến thi công vào năm 2020.

Năm học này, nhà trường đón nhận 516 học sinh gồm 8 lớp 1 của phường 15 và 3 lớp 2 từ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp và Tân Trụ tách sang. Bước đầu nhà trường sẽ tổ chức 100% bán trú lớp 2, 6 lớp 1 bán trú và phấn đấu từ năm học 2020- 2021 sẽ tổ chức 100% bán trú.

Miền Trung: Khai trường trong tâm lũ

Sáng 5-9, cùng với cả nước, các em HS ở một số nơi trong vùng tâm lũ miền Trung không bị ảnh hưởng nặng đã hân hoan đến trường khai giảng năm học mới.

Buổi lễ khai giảng của thầy trò Trường TH Hướng Phùng diễn ra trong hội trường

Tại Quảng Trị: Có 231 trường học thuộc các địa bàn có địa hình cao ráo, không bị nước lũ chia cắt đã tổ chức lễ khai giảng. Một số nơi do mưa lớn, buổi lễ khai giảng được nhà trường bố trí tổ chức ở hội trường. Thầy Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường TH Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa cho biết: “Mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến sân trường bị ẩm ướt, không thuận tiện cho học sinh dự lễ khai giảng nên nhà trường sắp xếp hội trường để tổ chức. Buổi lễ diễn ra ngắn gọn, nhưng không kém phần sinh động nhằm tạo cho HS tâm lý thoải mái nhất để bước vào năm học mới đạt kết quả cao”. Hưởng ứng chủ trương chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa, thầy trò trường TH Hướng Phùng cũng đã không dùng bóng bay trong ngày khai giảng, thay vào đó là những bông hoa tươi thắm được làm từ giấy và vật liệu tái chế của GV trong trường.

Trường THCS Hải Tân đón học trò đầu cấp

Nằm ở vùng trũng thuộc huyện Hải Lăng, lễ khai giảng của thầy trò Trường THCS Hải Tân vẫn diễn ra trong không khí hân hoan. Thầy Hoàng Văn Quốc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác tổ chức lễ đã được nhà trường chuẩn bị rất chu đáo. Do trời mưa nên nhiều phương án được đặt ra nhưng rất may hôm nay trời không mưa, sân trường khô ráo nên thầy trò đã có một buổi lễ khai giảng với niềm vui trọn vẹn.

Tại Thừa Thiên Huế: Năm học 2019-2020, lần đầu tiên các trường học ở Thừa Thiên Huế không tổ chức thả bóng bay. Lễ khai giảng ở các địa bàn cao ráo, không bị ảnh hưởng lũ lụt diễn ra sôi nổi. Các trường đã có nhiều hình thức hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng cho học sinh. Đây cũng là năm học đầu tiên, Sở GD-ĐT tỉnh khuyến khích học sinh không bọc vở bằng bìa ni lông để bảo vệ môi trường sống. Thầy Nguyễn Phú Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học Huế, chia sẻ, lễ khai giảng không thả bóng bay chỉ giúp các trường tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa theo phong trào chủ nhật xanh đang được phát động trên toàn tỉnh.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa dự lễ khai giảng ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn

Tại Đà Nẵng: Hơn 247 ngàn HS đã hân hoan đến ngày hội khai trường năm học mới. Dự lễ khai giảng với thầy trò Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đà Nẵng) có ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Thành ủy; ông Cao Xuân Thắng - Thành ủy viên, Bí thư quận ủy Sơn Trà; Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng. Tại buổi lễ, thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã nhắn gửi đến các bạn HS, nhất là HS lớp 10 những lời dặn dò thân tình. Mong các bạn HS hãy khởi đầu bằng tình yêu thương và khát vọng; hãy hành động để thay đổi chính mình, đừng an phận và đừng tự bằng lòng với bản thân; bởi khát vọng đổi thay là động lực mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn thử thách… Năm học 2019 - 2020 này, Trường THTP Chuyên Lê Quý Đôn tuyển mới 300 học sinh từ hơn 1.200 học sinh dự thi vào trường.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, chương trình Lễ khai giảng các trường diễn ra gọn nhẹ gồm đón HS đầu cấp, chào cờ, hát quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư của Chủ tịch nước, phát biểu chào mừng năm học mới của Hiệu trưởng từ 3-5 phút và đánh trống khai trường. Bài phát biểu chào mừng năm học của Hiệu trưởng ngắn gọn. Sau Lễ khai giảng kết thúc, các trường học tổ chức dạy học bình thường theo thời khóa biểu của đơn vị, bắt đầu tiết học đầu tiên của năm học mới 2019 - 2020. Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đã yêu cầu các đơn vị, trường học không thả bóng bay trong lễ khai giảng.

Nhiều trường tạm hoãn khai giảng

Quảng Trị: Năm nay, do mưa lũ chia cắt, tỉnh Quảng Trị có 4 địa phương tạm dừng lễ khai giảng năm học mới, gồm: Đakrông 30 trường, Cam Lộ 24 trường, thị xã Quảng Trị 14 trường và thành phố Đông Hà 44 trường. Các địa phương còn lại gồm Gio Linh không tổ chức khai giảng đối với 2 trường; Triệu Phong 13 trường; Hải Lăng 4 trường; Hướng Hóa 27 trường. Dự kiến lễ khai giảng ở các trường này sẽ được tổ chức muộn vào ngày 9-9 sắp tới.

Thừa Thiên Huế: Năm học 2019-2020, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 2500 HS không thể dự lễ khai trường trong ngày 5-9 do mưa lũ. Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các địa phương như, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (huyện Phong Điền) do bị ngập lũ nên ngày khai giảng buộc phải tạm hoãn.

Hà Tĩnh: Tại huyện Hương Khê có 13 trường bị ngập 40/61 trường bị mưa lũ chia cắt. Nước lũ cũng làm 78 trường tại huyện Hương Sơn, 10 trường ở huyện Vũ Quang và 40 trường ở huyện Đức Thọ bị cô lập. Chính quyền các huyện này đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT hoãn lễ khai giảng vào ngày 5-9 và tổ chức vào thời gian thích hợp.

Nghệ An: Có 135 trường buộc phải lùi ngày khai giảng năm học mới. Trong đó, huyện Nam Đàn có 69 trường; thị xã Cửa Lò có 23 trường...

Cần Thơ: Tất cả các điểm trường đồng loạt khai giảng

Ngày 5-9, cùng với cả nước, tại 462 điểm trường, các thầy cô cùng hơn 250.000 học sinh các cấp của TP.Cần Thơ đã hân hoan dự Lễ khai giảng năm học 2019-2020. Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND đến các trường dự lễ cùng thầy và trò. Ông Lê Quang Mạnh - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD-ĐT - đã dự lễ tại Trường THPT Phan Ngọc Hiển (Q.Ninh Kiều).

Năm nay, Lễ khai giảng tổ chức gọn, nhẹ nhưng trang trọng, ấm áp. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngoài những ngôi trường mới đưa vào sử dụng, từ trong hè, các trường đều được nâng cấp, mở rộng, tăng cường trang thiết bị và trồng nhiều cây kiểng, tạo môi trường giáo dục thân thiện và xanh - sạch - đẹp. Tại các điểm trường, các đồng chí lãnh đạo thành phố  đọc thư Chúc mừng năm học mới của Tổng Bí thư -  Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sau đó là diễn văn khai giảng với điểm nhấn là bày tỏ quyết tâm dạy tốt - học tốt, hết lòng vì HS thân yêu của tập thể sư phạm, do Hiệu trường đọc, và kết thúc với phần khen thưởng.

Thầy và trò Trường THPT Phan Ngọc Hiển tại Lễ khai giảng

Năm học 2018-2019 đánh dấu nhiều thành tựu của Trường THPT Phan Ngọc Hiển: Tỷ lệ HS đạt học lực khá và giỏi đạt 70%. Hơn 300 HS lớp 12 đậu các trường đại học, các viện, trường ĐH thuộc khối quân đội, tỷ lệ gần 70%, trong đó em Phan Hồ Thanh Xuân đậu Thủ khoa ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Trường ĐH Cần Thơ.

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ khen thưởng em Phan Hồ Thanh Xuân, Thủ khoa ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Trường ĐH Cần Thơ

Trao đổi với phóng viên Giáo dục TP.HCM, bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho biết: “Chuẩn bị cho Lễ khai giảng ngày 5-9, Sở GD-ĐT đã phối hợp các sở - ngành lập kế hoạch đảm bảo những điều kiện cần thiết để ngày khai giảng diễn ra vui tươi, trang trọng và an toàn, trong đó có đảm bảo an toàn giao thông cho thầy và trò. Sở cũng gởi công văn tới các trường yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra lạm thu đầu năm học; hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các vật liệu gây hại cho môi trường song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho HS ý thức bảo vệ môi trường; đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức và lối sống đẹp, nhân nghĩa cho HS, trong đó chú ý tìm các biện pháp giáo dục hiệu quả mà người thầy phải đi đầu trong nêu gương, nói đi đôi với làm. Về phía Sở GD-ĐT, cùng với tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trong dạy và học; Khuyến khích và nâng cao hiệu quả việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường, nhất là tiếng Anh, chúng tôi tiếp tục triển khai các biện pháp để chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác đổi mới sách giáo khoa lớp I trong năm học tới”.

Vĩnh Yên - Nguyễn Trinh - Yến Hoa - Đan Phượng