Thứ bảy, 18/5/2024, 17h30

25 năm Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh - từ hiểu đến làm theo Bác

Sáng 18-5, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh và triển lãm bộ sách và mô hình Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Đường sách TP.HCM.


Các tác giả giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM

Tham dự buổi giao lưu có TS. Quách Thu Nguyệt, người sáng lập tủ sách. Nguyên giám đốc, tổng biên tập NXB Trẻ; Nhà báo Dương Thành Truyền, tác giả các tựa sách trong Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Quyền giám đốc NXB Trẻ; PGS.TS Hà Minh Hồng và nhóm tác giả; Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải - tác giả.

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Trẻ, từ năm 1999 tới 2023 đã xuất bản được hơn 60 tựa, hai lần nhận được bằng khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vào các năm 2009 và 2015 về thành tích trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Thành Đoàn TP.HCM năm 2024 về Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh cho thanh thiếu nhi. 

Tủ sách này được lập ra theo sáng kiến của bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ. Vào năm 1999, Trung ương có cuộc vận động “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, và cùng năm đó, bà Thu Nguyệt (khi đó đang là Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ) đã đề xuất lập tủ sách mang tên 30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ.


Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh

Tủ sách ban đầu gồm các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hành tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Sửa đổi lối làm việc; Đời sống mới; Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Vừa đi đường vừa kể chuyện; Bản án chế độ thực dân Pháp; Về vấn đề học tập, Bản án chế độ thực dân Pháp.  

Trên đà thành công của tủ sách 30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Nhà xuất bản Trẻ duy trì và đầu tư cho tủ sách bằng cách liên hệ với nhiều tác giả uy tín viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để có được bản thảo có chất lượng, sau đó thêm các chú giải chi tiết, sưu tầm tranh ảnh minh họa để thêm phần sinh động, từng bước nâng cao chất lượng bản thảo. Nhiều tác phẩm đã được viết “độc quyền” cho Nhà xuất bản Trẻ như: Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ của Mai Văn Bộ; Hỏi và đáp về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM; Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế của Nguyễn Đắc Xuân; Bác Hồ kể chuyện Tây Du Ký của Trần Văn Giang; Hồ Chí Minh - Sự hình thành một nhân cách lớn của Trần Thái Bình; Lời non nước của Đào Thản; Vĩ đại một con người của Trần Văn Giàu; Thư riêng của Bác Hồ của Trần Quân Ngọc; Đến với tư tưởng Hồ Chí Minh của Trần Bạch Đằng…


Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Hưởng ứng Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt hai ấn phẩm Bác Hồ với việc đọc và tự học của Vũ Dương Thúy Ngà; Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo của Dương Thành Truyền.     

Năm 2020, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/ 3-2-2020), Nhà xuất bản Trẻ quyết định làm hộp sách Tác phẩm Hồ Chí Minh (gồm 5 tựa: Lịch sử nước ta; Đời sống mới; Sửa đổi lối làm việc; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh).

Năm 2021, Nhà xuất bản Trẻ ra mắt Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và hộp sách Hồ Chí Minh - Tác phẩm bảo vật quốc gia (gồm 5 tựa: Đường cách mệnh; Nhật ký trong tù; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước; Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh); và hai tựa mới là: Trẻ em như búp trên cành; Thư gửi thanh niên của Hồ Chí Minh.

Từ năm 2017 - 2023, 5 quyển sách: Bác Hồ với các kỳ Đại hội Đảng; Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam; Bác Hồ với Mặt trận Việt Minh; Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam, Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng chủ biên đã lần lượt ra mắt độc giả.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đã đều đặn giới thiệu những tựa sách mới hàng năm, đặc biệt vào những sự kiện quan trọng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về  tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Từ năm 2023, Nhà xuất bản Trẻ đã số hóa và xuất bản trọn bộ sách điện tử Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh và cũng làm cuốn “Sổ tay không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, dạng giấy và dạng file PDF để tặng bạn đọc tải dùng miễn phí. Trong Sổ tay Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có giới thiệu các tựa sách, file trang trí không gian, file hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, các ebook đọc thử…

Đặc điểm bộ sách hướng đến tính ứng dụng cao, đối tượng là bạn đọc trẻ, bạn đọc phổ thông:

- Mỗi tựa sách có độ dày trung bình khoảng 200 trang, có hình minh họa, được chia thành các bài viết ngắn gọn theo chủ đề nên dễ đọc, giá bìa vừa với sức mua của độc giả trẻ.

- Các tựa sách cho học sinh, sinh viên thường viết dưới dạng câu chuyện, sinh động và dễ tiếp thu, gồm các tựa: Học sinh kể chuyện Bác Hồ; Trẻ em như búp trên cành, Thư gửi thanh niên, Lời Bác dạy thanh thiếu nhi, 52 câu chuyện dưới cờ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Khổ sách trong tủ sách này đa phần là khổ sách vừa tay cầm 13x20.5cm, bìa mềm nhẹ, dễ đọc, dễ mang theo. Để tạo sự phong phú và thú vị cho bạn đọc, cũng có sách tranh khổ lớn 23x15.5cm, hoặc khổ sách mini bỏ túi 9x12.5cm; hoặc các combo sách đóng hộp theo chủ đề để tiện lưu trữ.

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh và sự đóng góp vào cuộc vận động xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung cốt lõi của đề án “Chiến lược phát triển Văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035”. Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã nêu rõ: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của TP mang tên Bác”.

Thủy Phạm