Thứ tư, 7/12/2022, 11h48

Cả nước có gần 890 đô thị

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; đến năm 2025, cả nước đạt khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị.

Thống kê cho thấy, đến tháng 9-2022, nước ta có 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5%. Trước đó, năm 1990, cả nước có 500 đô thị (tỉ lệ đô thị hóa vào khoảng 17%-18%).

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tỉ lệ đô thị hóa ở Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới.

Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - lưu ý, Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển. Nếu nước biển dâng 100cm, ĐBSCL có thể ngập tới trên 47,29% diện tích, trong đó Cà Mau và Kiên Giang là các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất, tương ứng với 79,62% và 75,68% diện tích. Khoảng 13,2% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,94% diện tích tỉnh Quảng Ninh, 5,49% diện tích tỉnh Thừa Thiên - Huế, 17,15% diện tích TP.HCM, 4,84% diện tích tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. Theo đó, công tác quy hoạch, phát triển đô thị tại Việt Nam cần có những thay đổi căn bản để vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích ứng với các tác động tiêu cực của thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn do biến đổi khí hậu.

P.V