Thứ hai, 28/8/2023, 11h26

Cách chống sốc khi du học Úc thời "bão giá"

Phí sinh hoạt tăng cao, ngôn ngữ và môi trường sống khác biệt... là những vấn đề người Việt phải đối mặt khi du học Úc trong kỳ nhập học tới. Làm sao để vượt qua những thử thách này, theo các du học sinh?

Cách chống sốc khi du học Úc - Ảnh 1.

Sinh viên quốc tế học tập tại Úc. THE UNIVERSITY OF MELBOURNE

"Chiêu" tiết kiệm tiền thuê nhà

Tờ ABC News hôm 26.8 trích dẫn thống kê từ CoreLogic Australia cho thấy trước năm 2020, giá thuê nhà trung bình tại Úc tăng trưởng tương đối chậm, khoảng 2%/năm. Tuy nhiên, từ tháng 9.2020, chi phí bắt đầu gia tăng nhanh chóng và chính thức cán mốc 595 USD/tuần (14 triệu đồng) hồi tháng 7.2023. Điều này khiến không ít người Việt chọn du học Úc phải lo tìm cách ứng phó.

Chẳng hạn, Nguyễn Lan Anh, cựu học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), cho rằng phải có học bổng mới có thể "an tâm" du học Úc trong thời điểm này. "Chính phủ Úc mới đây tăng giới hạn giờ làm thêm cho sinh viên quốc tế, nhưng mức lương trung bình từ 20-35 AUD/giờ (300-500.000 đồng) sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu khi vật giá leo thang, học phí đắt đỏ", nữ sinh đánh giá.

Hiện đang chuẩn bị hồ sơ để du học Úc, Lan Anh cho hay cô đang cân nhắc sẽ chọn ở nhà người thân để tiết kiệm chi phí. "Ngoài ra, du học sinh cũng có thể chọn ở ghép với người khác, sống chung với host (chủ nhà bản địa) hoặc 'để mắt' đến những căn hộ lớn hoạt động theo mô hình ký túc xá. Đó đều là những phương án có mức phí vừa phải", Lan Anh thông tin.

Bên cạnh thuê nhà ở ngoài, sống trong ký túc xá của trường cũng là một lựa chọn tốt, theo Trần Anh Khoa, sinh viên năm 1 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Chẳng hạn, nếu chọn ký túc xá của ĐH Quốc gia Úc, sinh viên sẽ đóng mức phí 260 AUD/tuần (4 triệu đồng). "Tuy nhiên, tôi đang cân nhắc thêm lựa chọn ở ghép vì có thể rẻ hơn", Khoa nói, cho biết thêm anh đang đợi kết quả học bổng trước khi "chốt" trường Úc sẽ du học.

Cách chống sốc khi du học Úc - Ảnh 2.

Giá thuê nhà ở Úc đang ở mức cao kỷ lục. CHỤP MÀN HÌNH

Chia sẻ thực tế từ bang Adelaide (Úc), Lâm Vĩnh Hào, học sinh Trường trung học Woodville, nhìn nhận chi phí sinh hoạt tăng cao cũng phần nào gây áp lực cho các chủ nhà thuê.

"Với những học sinh tìm nhà thông qua trường, mức giá tối đa do chính phủ Úc ban hành là 300 AUD/tuần (4,6 triệu đồng). Tuy nhiên, do xu hướng tăng giá khiến mọi thứ đắt đỏ hơn, việc chủ nhà thỏa thuận riêng với du học sinh về việc tăng tiền thuê nhà không phải chuyện hiếm. Mức tăng sẽ tầm 50-100 AUD/tuần (700.000 đồng-1,5 triệu đồng)", nam sinh viên tiết lộ.

Chuẩn bị gì cho cuộc sống tại Úc?

Từng đạt học bổng toàn phần chính phủ Úc, Phạm Trần Hà Linh, thạc sĩ ngành chính sách công tại ĐH Quốc gia Úc, khuyên du học sinh học cách quản lý tài chính cá nhân sao cho hiệu quả trong thời "bão giá". "Hãy xác định ngân sách hằng tháng, sau đó tự đánh giá ở từng hạng mục bạn có thể chi tối đa bao nhiêu. Ngoài ra, bạn cũng phải tỉnh táo khi mua sắm trong những dịp khuyến mãi lớn như Black Friday", chị Linh cho hay.

Cũng theo thạc sĩ Linh, các trường ĐH Úc yêu cầu sinh viên phải độc lập trong học tập, nghiên cứu thay vì đợi "cầm tay chỉ việc", và đây sẽ là một trong những trở ngại đối với du học sinh Việt. Ngoài ra, hãy đối xử với người dân bản địa bằng sự tôn trọng, từ văn hóa đến phong tục. "Nhưng bạn cũng phải học cách đứng lên bảo vệ mình và những người xung quanh vì đôi khi cũng có hiện tượng phân biệt chủng tộc", chị Linh chia sẻ.

Một thử thách khác quan trọng không kém là rào cản ngôn ngữ. Theo đó, điểm số của những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS chỉ thể hiện năng lực tiếng Anh ở một mức độ nhất định. "Nhưng khi giao tiếp thực tế với người Úc, nhiều bạn vẫn gặp trúc trắc dù chủ đề chỉ xoay quanh việc bạn thích gì", thạc sĩ Linh cho hay.

Cách chống sốc khi du học Úc - Ảnh 3.

Học sinh, phụ huynh Việt Nam tìm hiểu về du học Úc trong một ngày hội thông tin tổ chức hồi tháng 8.2023. NGỌC LONG

Để khắc phục vấn đề này, chị Linh khuyên du học sinh đừng sợ nói sai từ vựng, ngữ pháp do cư dân bản địa sẽ không châm chọc bạn vì điều này, và có khi chính họ cũng sai sót. Ngoài ra, du học sinh cũng có thể luyện phát âm, cách nhấn nhá bằng cách nghe và nói lại theo video của người bản địa, hoặc tham gia các sự kiện kết nối để mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

"Quan trọng nhất, hãy sử dụng tiếng Anh nhiều nhất có thể dù đang ở Việt Nam, và học cách suy nghĩ bằng chính tiếng Anh để phản xạ nhanh hơn khi nói năng, thay vì chuyển ngữ Anh-Việt-Anh", chị Linh đề xuất.

Khí hậu và thời tiết tại thành phố sẽ "hạ cánh" du học cũng là một vấn đề cần lưu tâm, theo bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Úc tại Việt Nam. Chẳng hạn, khi đến TP.Canberra vào tháng 8, bạn cần chuẩn bị đủ quần áo ấm vì nơi đây đang vào mùa đông với nhiệt độ lạnh nhất nước Úc. "Bên cạnh đó, hãy làm những gì mình yêu thích, và các bạn sẽ học hỏi nhanh hơn", bà Sarah Hooper dành lời khuyên cho du học sinh Việt.

Theo Ngọc Long - Lâm Vĩnh Hồng