Thứ năm, 15/2/2024, 11h30

Du học Úc: Để không lạc lối khiến tiền mất tật mang

Vì sao Úc được coi là điểm đến an toàn cho lựa chọn của du học sinh Việt Nam nhưng thời gian gần đây lại xảy ra nhiều vấn đề, nhất là sau vụ một số du học sinh mất tích và phía bạn đã phải thông báo thắt chặt tuyển sinh?

Bà Bạch Thị Thiên Kim chia sẻ: "Tôi rất quan tâm lĩnh vực du học. Đối với lĩnh vực kinh doanh đầu tư thì thường là có luật sư riêng tư vấn. Còn du học hầu hết các em đều là học sinh hiếu học các tỉnh, các vùng miền ít hiểu biết về pháp lý".

Theo bà Kim, các em đã phải trả số tiền lớn để được đi du học nghề tại Úc nhưng về phía trung tâm giới thiệu du học đã thu học phí cao cho việc học tiếng Anh mà chất lượng và hiệu quả học tập không có. "Các em hầu hết đều học và ăn ở ngay tại trung tâm nhưng đây không phải là trung tâm Anh văn mà chỉ là địa điểm văn phòng của họ. Hàng ngày các em học Anh văn tại văn phòng trung tâm tuyển sinh nhưng đến hơn 8 tháng trình độ vẫn không được cải thiện. Các em ở đây đa số là ở Quảng Bình, đây là tỉnh hiện Úc đang đưa vào danh sách chưa thể xin được visa sang Úc nhưng trung tâm họ vẫn giữ các em để dạy tiếng Anh và kéo dài thời gian. Tuy vậy các em vẫn tin là mình sẽ xin được visa du học theo lộ trình của trung tâm đưa ra là trong đầu năm 2024. Thậm chí có những trường hợp đã trả số tiền rất cao để có được visa du lịch sang Úc và đổi sang visa du học nhưng đa số không thể chuyển sang visa du học được vì điều kiện chính sách visa du học của Úc ngày càng thay đổi", bà Kim thông tin.

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Úc - Việt, thông tin sai lệch và "những công ty không đúng chuẩn" đã và đang làm khổ rất nhiều bậc cha mẹ mong muốn cho con cái có cơ hội tốt về học tập và việc làm ở nước ngoài. "Ba mẹ nghèo phải đi vay mượn để đủ tiền đóng cho con nhưng khi đi thì gặp những công ty không đúng chuẩn. Những chuyện chúng tôi gặp không phải chỉ du học Úc mà cả du học Đức cũng bị như vậy, nhiều lắm", bà Kim bức xúc.

"Kể cả việc xuất khẩu lao động sang Úc cũng vậy. Chúng tôi biết là Úc không có chính sách nhận xuất khẩu lao động. Úc chỉ tuyển lao động tay nghề cao theo ngành nghề nhưng các trung tâm tại Việt Nam đã quảng bá thành xuất khẩu lao động Úc. Thông tin không đúng, không chính xác nên nhiều người lầm tưởng. Những hồ sơ đưa lại cho chúng tôi lần này, trong đó có các em ở Quảng Bình, Nghệ An, nhiều tỉnh mà theo thông báo mới chắc chắn Úc chưa mở cửa để nhận các hồ sơ du học, du lịch trong thời gian hiện nay. Nhưng những em này đã đóng tiền hết rồi. Các em lấy tiền lại không được và người ta cứ duy trì cách dạy tiếng Anh không đảm bảo chất lượng. Tới thời điểm chúng tôi khảo sát là đã 8 tháng học tiếng Anh nhưng trong các em vẫn chưa thấy có gì là hiểu biết tiếng Anh hết".

Bà Bạch Thị Thiên Kim, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Úc – Việt, ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, trao biểu trưng số tiền ủng hộ nhà tình nghĩa tỉnh Điện Biên. NVCC

Xác định đi du học để làm gì

Theo bà Kim, một lời khuyên muôn thuở là "nên tìm hiểu kỹ thông tin du học". Bản thân mình phải xác định được đi du học để làm gì. Để có kiến thức trở về giúp gia đình hay để có việc làm tốt hơn, để thoát nghèo và thay đổi cuộc sống. Phải xác định rõ ràng trước khi đi để chọn nghề phù hợp.

Bà Kim phân tích: "Các bạn đừng nghĩ học nghề là cái gì thấp trong xã hội. Đó là nền tảng cho mình đi lên. Với chính sách của nước Úc, tùy theo ngành nghề, trung bình kinh nghiệm sau 3 năm trong lĩnh vực đang làm việc thì người lao động được chuyển đổi kinh nghiệm thành bằng cấp tương đương với cao đẳng, cử nhân. Hoặc các nhân viên văn phòng chưa có bằng cử nhân, chỉ có bằng cao đẳng nhưng sau 3 năm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn sẽ được học thạc sĩ mà không cần học lên bằng cử nhân".

Bà Kim cho biết thêm: "Hơn nữa, các em khi sang du học tại Úc ngoài các việc làm bán thời gian thông dụng như chạy bàn, phụ bếp còn có những việc như chăm sóc người già, giữ trẻ mầm non, pha chế cà phê, phụ tá nha sĩ … Các em chỉ cần học chứng chỉ ngắn hạn là có thể xin việc được tại các trung tâm giới thiệu việc làm với mức lương cao hơn và được chọn làm theo giờ, không bị lệ thuộc thời gian".

Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Úc - Việt mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam nên kết hợp những đơn vị của Hội doanh nhân để xác nhận được những trường đó có đúng như những gì công ty du học đang quảng bá, có đủ khả năng để tuyển sinh quốc tế hay không. Cũng theo bà Kim, ngoài Hội doanh nhân thì Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng là những nơi hỗ trợ du học sinh mạnh nhất.

Trước đó, ngày 11.2.2024, Sở Giáo dục Nam Úc và công ty tư vấn du học là đại diện tuyển sinh của bang này tại Việt Nam thông tin phía Nam Úc quyết định tạm dừng nhận học sinh Việt Nam từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đồng thời siết chặt tuyển sinh với 6 địa phương Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai.

Theo Thủy Long/TNO