Thứ hai, 26/2/2024, 10h27

Chắp cánh cho thơ

Từ năm 2024, Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức chính thức trở thành một trong những hoạt động của những ngày lễ lớn tại thành phố. Công trình thơ kỷ niệm 50 năm văn học nghệ thuật TPHCM cũng đang được triển khai.

Ngày hội tôn vinh thơ

Sau hơn 2 thập niên tổ chức, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM chính thức được nâng tầm vị thế. Trở thành hoạt động chính thức của những ngày lễ lớn cũng đồng nghĩa sự kiện Ngày thơ được phân bổ thêm kinh phí, tăng quy mô và chất lượng. Trong 2 ngày - 14 và rằm tháng Giêng (nhằm ngày 23 - 24/2), văn nhân thi sĩ cùng bạn yêu thơ, công chúng thành phố đã có dịp thưởng lãm những không gian thơ và thưởng thức những chương trình thơ nhạc ý nghĩa, giàu cảm xúc. 

Đêm thơ Nguyên tiêu tổ chức tại công viên Văn Lang (tối 23/2) với sân khấu hoành tráng, nhiều tiết mục dàn dựng công phu, ý nghĩa và nhiều cảm xúc

Đêm thơ Nguyên tiêu tổ chức tại công viên Văn Lang (tối 23/2) với sân khấu hoành tráng, nhiều tiết mục dàn dựng công phu, ý nghĩa và nhiều cảm xúc

Nếu Ngày thơ do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức (tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật, 81 Trần Quốc Thảo, quận 3) chọn tôn vinh những ca khúc phổ thơ: Người mẹ Bàn Cờ (thơ: Nguyễn Kim Ngân, nhạc: Trần Long Ẩn), Đi trong hương tràm (thơ: Hoài Vũ, nhạc: Thuận Yến)… thì Đêm thơ Nguyên tiêu tại công viên Văn Lang (do UBND TPHCM cùng các sở, ban, ngành tổ chức) gợi nhớ những sáng tác thơ - nhạc vượt thời gian: Chút thư tình của người lính biển, Gửi miền hạ, Anh ở đầu sông em cuối sông…

“Nhạc bắc cầu và chắp cánh cho thơ, còn thơ làm nền cho nhạc thăng hoa. Những bài thơ giàu nhạc điệu, thi ảnh đẹp thường được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và dễ đi vào công chúng” - nhà thơ Bùi Phan Thảo - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM - nhận định. Thơ có nhiều con đường đến với bạn đọc: qua báo chí, tác phẩm in, các cuộc thi… Nhưng phải thừa nhận rằng, thơ phổ nhạc là con đường dễ lan tỏa, chạm đến cảm xúc khán giả và có giá trị vượt thời gian. Sự cộng hưởng giữa tứ thơ và giai điệu, nghệ thuật trình diễn tạo nên những giá trị đẹp cho thi ca. 

Không chỉ ở thể loại nhạc cách mạng, trữ tình và nhạc thiếu nhi, ngày nay thơ còn là niềm cảm hứng cho các rapper, các nhạc sĩ trẻ. Thể thơ tự do, thơ 4-5 chữ có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho rap. Ý thơ giàu cảm xúc luôn có thể là những ca từ da diết, thiết tha trong giai điệu. Sự kết hợp này vừa ý nghĩa vừa cho thấy sự tươi mới, sáng tạo và chắp cánh cho thơ.

Tổ chức Ngày thơ ở không gian mở để thu hút công chúng

Nhà văn Hoài Hương gửi gắm kỳ vọng các năm sau, Ngày thơ sẽ được tổ chức ở những không gian công cộng để có thể thu hút hơn công chúng yêu thơ. “TPHCM có nhiều địa điểm phù hợp cho việc lan tỏa và tôn vinh thơ. Tôi tin rằng Ngày thơ ở những không gian mở sẽ rất khác so với khi tổ chức trong khuôn khổ trụ sở hội. Điều này, muốn thay đổi cũng không quá khó” - nhà văn Hoài Hương nói. 

Thơ đã và đang chảy những mạch ngầm mạnh mẽ, được tôn vinh từ nhiều góc độ. Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - cho biết, sau chương trình Ngày thơ, hội sẽ in tuyển tập những bài thơ hay được phổ nhạc, có giá trị vượt thời gian. Đây cũng là công trình 50 năm văn học nghệ thuật được thành phố đặt hàng. “Không chỉ in sách, các tác phẩm thơ phổ nhạc sẽ được tiếp tục tổ chức những đêm nhạc biểu diễn chuyên nghiệp nhằm tôn vinh giá trị của thi ca và âm nhạc” - nhà văn Bích Ngân cho biết.

Một cuộc thi thơ quy mô cũng được phát động từ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, với chủ đề “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2. Cuộc thi cũng là cơ hội quy tụ thi phẩm hay từ các cây bút ở mọi miền đất nước, cùng để lại giá trị cho văn đàn.

Điểm danh lực lượng từ những sân thơ

Một trong những điểm khác biệt so với thường niên là năm nay Sân thơ trẻ quy tụ cả những gương mặt chưa phải là hội viên. Những nhân tố mới nổi bật được đặc biệt quan tâm giới thiệu: tác giả trẻ Minh Anh (17 tuổi), vừa đoạt giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ Một ngày từ bên trong; Cao Việt Quỳnh - cây bút nhí được trao giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022 với tác phẩm Người sao chổi; tác giả sinh viên Trần Văn Thiên với giải Nhất thể loại thơ giải thưởng Văn học trẻ - Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022…

Đem  thơ  tại  công  viên  Văn  Lang

Đêm thơ tại công viên Văn Lang

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM - kỳ vọng: “Nếu 10 năm sau, những gương mặt mới hôm nay vẫn còn tiếp tục xuất hiện ở Sân thơ trẻ thì cũng có nghĩa chúng ta đã có được những cây bút đi đường dài với văn chương. Đó không chỉ là thành công của chính họ mà còn là thành công đối với những người đã trao niềm tin cho họ hôm nay”. 

Không chỉ có những gương mặt thơ, các cây bút văn xuôi cũng góp mặt tại Sân thơ trẻ: Huỳnh Trọng Khang, Lâm Phương Lam, Võ Chí Nhất… Nhà văn Lê Thiếu Nhơn cho biết thêm, cuộc hội tụ các gương mặt trẻ lần này cũng là bước chuẩn bị lực lượng cho trại sáng tác văn trẻ (diễn ra vào tháng Tư) và hội nghị những người viết văn trẻ (dự kiến tổ chức vào tháng 8/2024).

Ở Sân thơ thiếu nhi - lần đầu xuất hiện trong không gian Ngày thơ - cuộc điểm danh lực lượng phong phú hơn với tên tuổi các nhà văn, nhà thơ nhiều thế hệ viết cho tuổi thơ. Cuộc hội ngộ giữa các nhà thơ, nhà văn cùng với các em nhỏ đã tạo không khí tươi mới, sôi nổi và ý nghĩa. Điều này cho thấy văn học thiếu nhi đã ngày càng được chú trọng, khẳng định giá trị và có sự tiếp nối thế hệ. 

Theo Lục Diệp/PNO