Thứ bảy, 24/10/2020, 23h56

Chương trình mới, sách giáo khoa mới: Cần sự đồng hành từ nhà trường, gia đình

Nhằm nhân rộng những giải pháp hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các nhà trường, giáo viên (GV) đặc biệt là học sinh (HS) lớp 1 học chương trình mới (CTM), sách giáo khoa (SGK) mới một cách nhẹ nhàng, hiệu quả, sáng 24-10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội thảo Một số giải phâp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 chương trình, SGK mới.


Giáo viên nêu ý kiến trong hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo cán bộ quản lý, GV, phụ huynh (PH) lớp 1 trên địa bàn 24 quận, huyện tại TP.HCM.

Giáo viên cần chủ động, linh hoạt

Là thành viên Hội đồng thẩm định SGK cấp Bộ, thầy Cao Xuân Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường TH Kỳ Đồng, Q.3) nhìn nhận, trong quá trình triển khai CTM, SGK mới, nhiều GV lớp 1 vẫn chưa có sự mạnh dạn trong chủ động thiết kế bài học theo từng tiến độ. “Lãnh đạo nhà trường phải luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến GV, giúp GV mạnh dạn, tự tin hơn. Phải xác định việc đổi mới sinh hoạt tổ khối chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài giảng. Đổi mới chương trình bắt đầu từ việc GV phải chủ động”.

Từ thực tế giảng dạy tại đơn vị mình, cô Nguyễn Lê Hạnh Dung (GV lớp 1, Trường TH Minh Đạo, Q.5) cho rằng, khi thực hiện CTM, SGK mới thì bên cạnh việc linh động điều chỉnh kế hoạch dạy học trong từng bài học, GV khi cần thiết phải cầm tay chỉ việc từng học sinh. Hàng tuần đều có sổ báo bài về cho PH thì GVCN phải dựa vào năng lực tiếp thu của từng đối tượng HS để có sự dặn dò PH một cách cụ thể, sâu sát nhất, có như vậy mới hiệu quả.

Ví vai trò của nhà trường và gia đình trong đồng hành việc học cùng con như “2 bánh xe của cỗ xe”, cô Trần Ngọc Dung (Chuyên viên Phòng GD- ĐT huyện Bình Chánh) khẳng định, việc giáo dục của cả nhà trường, gia đình rất quan trọng để hỗ trợ trẻ bắt kịp chương trình. “Phòng GD tăng cường quyền chủ động cho các nhà trường. Nhà trường tạo điều kiện cho PH tham quan dự giờ để trao đổi và nắm phương pháp dạy của GV. GVCN thực hiện những clip hướng dẫn nét viết cho PH đồng hành dạy ở nhà. Như vậy, PH cần rèn thêm cho con việc đọc, tăng cường nét viết. Năm học này có sự hỗ trợ của SGK điện tử, PH có thể tận dụng để hỗ trợ con em mình học tập mọi lúc mọi nơi”.


Phụ huynh lớp 1 chia sẻ quan điểm tại hội thảo

Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Trưởng phòng GD-ĐT Q.9) nhận định, các nhà trường đã làm rất kỹ khi triển khai CTM, SGK mới, đặc biệt là việc truyền thông đến PH cũng được đẩy mạnh. Việc ứng dụng CNTT, sử dụng group zalo một cách đồng bộ đến từng đối tượng từ đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ GV cốt cán trên toàn quận cho đến đội ngũ GV trong trường và PH từng lớp đã giúp các nội dung, những vướng mắc được triển khai, gỡ rối kịp thời. “Xã hội đặt câu hỏi rằng đội ngũ GV đang ở đâu khi thực hiện CTM, thì khẳng định rằng chúng tôi vẫn luôn ở đây, đứng trên bục giảng, vẫn nỗ lực đổi mới. Nhưng để những nỗ lực đó có hiệu quả thì rất cần sự tương tác chặt chẽ hơn giữa PH với GV, nhà trường”.

Hiệu trưởng phải xuống lớp dạy cùng giáo viên

Đánh giá về quá trình thực hiện CTM, SGK mới tại các đơn vị trường tiểu học trên địa bàn TP, cô Lâm Hồng Lãm Thúy (Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhận định, công tác truyền thông của nhà trường làm rất tốt. Hiệu trưởng, GV đã có sự tuyên truyền thông tin đến PHHS về CTM, SGK mới, thậm chí là hướng dẫn dạy con ở nhà. GV đã thực hiện trọng tâm dạy học theo hướng phân hóa tiếp cận HS. Trước những ngữ liệu SGK chưa phù hợp thì GV có sự linh động thay thế ngữ liệu. Việc giải nghĩa từ phổ thông và phươmg nghĩa sử dụng linh hoạt kèm theo cả hình ảnh. Các trường đã chủ động thăm lớp, dự giờ, chỉ đạo định hướng kịp thời. Nhiều trường đã xây dựng được clip hướng dẫn trẻ học ở nhà, đẩy mạnh PH vào lớp. Một số địa phương đã thành lập mạng lưới chuyên môn cho GV lớp 1, phối hợp với đội ngũ GV cốt cán.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, Chương trình GDPT mới, SGK mới ở bậc lớp 1 triển khai có khó khăn do yếu tố khách quan như SGK mới đến tay PH chậm hơn so với mọi năm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trẻ ít có thời gian làm quen với nét. Thế nhưng giai đoạn này khó khăn đã qua đi khi thầy cô nhận ra rằng không gây áp lực đến HS, tập trung xây dựng hứng thú học tập cho HS.  “Yêu cầu chương trình mới đánh giá cao sự hình thành phẩm chất năng lực HS, hình thành qua chính quá trình HS được tham gia trải nghiệm vào các hoạt động dạy học. Có thể kết quả học tập của HS thời điểm này so với chương trình cũ chưa đạt được nhưng do đòi hỏi của 2 chương trình là khác nhau nên PH không nên có sự so sánh để nóng vội, dẫn đến đi chệch hướng mục tiêu chương trình”.

 Trẻ được “học nhiều hơn” với chương trình mới

Tham dự Hội thảo, nhiều PH lớp 1 đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nhìn nhận của mình trong quá trình “học” cùng con ở chương trình mới, SGK mới. So sánh với chương trình cũ, nhiều PH cho rằng chương trình mới thời gian 1,2 tuần đầu có thể con sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận âm vần song bằng phương pháp sư phạm, thầy cô giúp các con vượt qua khoảng thời đó để tiếp thu tốt, học được nhiều kỹ năng bên ngoài sách vở.

“Ngoài kiến thức âm vần học được từ SGK thì con còn được học rất nhiều điều bổ ích, con chủ động, tự tin hơn. Sau khi ăn cơm xong con biết mời nước cả nhà, biết chúc ông bà ngủ ngon khiến cả nhà vô cùng bất ngờ. Con biết Tết Trung thu là Tết đoàn viên, gắn kết hơn tình cảm gia đình. Trước những thay đổi tích cực của con, cả gia đình như trút gánh nặng, mỗi ngày đều chờ đợi con đi học về đề kể chuyện, mặc dù trước đó 2 tuần đầu tiên đi học con rất sợ đến trường do thay đổi môi trường học tập”, PH lớp 1, Trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1) chia sẻ.

Đại diện PH lớp 1, Trường TH Nguyễn Trung Ngạn (Q.8) lại bày tỏ sự vui mừng khi “dạy con ở nhà thấy con hoạt bát hơn”. Vị PH này cho hay, điều thú vị nhất là mỗi bài học còn tích hợp nhiều kiến thức các bộ môn khác. Con đã có thể tự làm, tự sáng tạo được nhiều điều trong các chủ đề đã học, khi con học chữ a,b,c con biết liên hệ nhiều kiến thức bên ngoài”.

Nhấn mạnh một lần nữa rằng SGK không phải là pháp lệnh mà chỉ là tài liệu phục vụ dạy học, CTM mới là pháp lệnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, khi triển khai chương trình, GV cần bám theo chương trình, chủ động xây dựng kế hoạch bài học từng lớp phù hợp với đối tượng HS. “Hiệu trưởng phải tạo điều kiện. Chương trình không có quy định phân phối chương trình mà dựa trên thời lượng để linh hoạt truyền tải. Do đó, việc xây dựng kế hoạch bộ môn rất quan trọng. GV được quyền chủ động xây dựng kế hoạch bài học, chủ động cân đối thời gian để cuối cùng HS đạt được những yêu cầu”.

Qua Hội thảo, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề nghị Phòng Giáo dục Tiểu học tổng hợp lại các ý kiến nêu ra trong hội thảo để có sự trao đổi đến các nhà trường, để ngay cả PH hiểu rằng nhà trường và GV đã nỗ lực như thế nào. Đồng thời, yêu cầu Phòng GD-ĐT các quận, huyện phải chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ ban đầu, tham mưu với UBND quận, huyện hướng đến học 2 buổi/ ngày, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai chương trình mới ở các lộ trình khối lớp tiếp theo.

“Trang thiết bị dạy học GV phải được tập huấn sử dụng làm sao cho hiệu quả. Hiệu trưởng phải xuống lớp dạy cùng với GV để xem GV đang yếu gì. Hiệu trưởng các trường phải gần với GV, nhất là GV lớp 1 để nắm bắt xem GV đang yếu gì, thiếu gì, cần gì. Đặc biệt là không được gây áp lực cho HS, không phê bình các em mà phải kịp thời động viên các em. Dạy và học chương trình mới có khó khăn nhưng nếu có đồng hành từ phía PH, GV và nhà trường thì sẽ đạt hiệu quả”, ông Hiếu đề nghị.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Box: Trẻ được “học nhiều hơn” với chương trình mới

Tham dự Hội thảo, nhiều PH lớp 1 đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nhìn nhận của mình trong quá trình “học” cùng con ở chương trình mới, SGK mới. So sánh với chương trình cũ, nhiều PH cho rằng chương trình mới thời gian 1,2 tuần đầu có thể con sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận âm vần song bằng phương pháp sư phạm, thầy cô giúp các con vượt qua khoảng thời đó để tiếp thu tốt, học được nhiều kỹ năng bên ngoài sách vở.

“Ngoài kiến thức âm vần học được từ SGK thì con còn được học rất nhiều điều bổ ích, con chủ động, tự tin hơn. Sau khi ăn cơm xong con biết mời nước cả nhà, biết chúc ông bà ngủ ngon khiến cả nhà vô cùng bất ngờ. Con biết Tết Trung thu là Tết đoàn viên, gắn kết hơn tình cảm gia đình. Trước những thay đổi tích cực của con, cả gia đình như trút gánh nặng, mỗi ngày đều chờ đợi con đi học về đề kể chuyện, mặc dù trước đó 2 tuần đầu tiên đi học con rất sợ đến trường do thay đổi môi trường học tập”, PH lớp 1, Trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1) chia sẻ.

Đại diện PH lớp 1, Trường TH Nguyễn Trung Ngạn (Q.8) lại bày tỏ sự vui mừng khi “dạy con ở nhà thấy con hoạt bát hơn”. Vị PH này cho hay, điều thú vị nhất là mỗi bài học còn tích hợp nhiều kiến thức các bộ môn khác. Con đã có thể tự làm, tự sáng tạo được nhiều điều trong các chủ đề đã học, khi con học chữ a,b,c con biết liên hệ nhiều kiến thức bên ngoài”.